Ngày thứ 3 trong chuyến thăm Ấn Độ - chuyến thăm được coi là sẽ đóng vai trò quan trọng trong việc định dạng quan hệ Mỹ-Ấn trong tương lai, Tổng thống Mỹ Barack Obama ngày 8/11 đã có buổi hội đàm với Thủ tướng nước chủ nhà, ông Manmohan Singh.
Tổng thống Mỹ B.Obama (trái) và Thủ tướng Ấn Độ M. Singh tại cuộc họp báo chung ngày 8/11. |
Trong cuộc hội đàm với Thủ tướng Singh, ông Obama cho biết ông sẽ tăng cường hợp tác với Ấn Độ về vấn đề kinh tế và chống khủng bố nhằm thúc đẩy hòa bình, ổn định cho toàn thế giới. Ông nhấn mạnh: "Tôi hi vọng rằng sau những cuộc thảo luận với Thủ tướng, Tổng thống và các quan chức Ấn Độ, chúng ta sẽ có thể phát triển mối quan hệ thương mại sẵn có để tăng cường hợp tác trong quan hệ song phương và kinh tế quốc tế". Trước đó, ông Obama cũng từng coi Ấn Độ là một phần "không thể thiếu" và là một phần quan trọng trong chính sách của Mỹ ở châu Á.
Về phần mình, Thủ tướng Manmohan Singh cho rằng mối quan hệ Mỹ-Ấn sẽ là một mối quan hệ chiến lược giữa hai "đối tác bình đẳng". Ông khẳng định: "Chúng tôi đã quyết định làm cho mối quan hệ sâu sắc hơn, nhằm hợp tác như những đối tác bình đẳng trong một mối quan hệ chiến lược".
Trong hội đàm, hai lãnh đạo đã đề cập đến nhiều vấn đề, trong đó có vấn đề quan trọng là thương mại. Thủ tướng Singh cho biết, ông nhất trí với Tổng thống Obama rằng chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch là điều bất lợi cho cả hai quốc gia, đồng thời khẳng định Ấn Độ không lấy đi nguồn việc làm ở Mỹ. Ngoài ra, Thủ tướng Ấn Độ còn bày tỏ sự vui mừng khi Mỹ đã bãi bỏ một số hạn chế về xuất khẩu những công nghệ có thể được sử dụng vào mục đích quân sự. Theo ông, hai bên sẽ hợp tác với nhau về vũ trụ, quốc phòng và hạt nhân.
Phát biểu tại cuộc họp báo chung sau cuộc hội đàm, Tổng thống Obama khẳng định quan hệ giữa hai nước là quan hệ đối tác mới mang tính toàn cầu, đồng thời ca ngợi Ấn Độ không phải là một nền kinh tế đang nổi, mà là một cường quốc đã nổi và có vai trò then chốt trên trường quốc tế. Ông cam kết thúc đẩy mạnh mẽ quan hệ hợp tác giữa Mỹ và Ấn Độ trong nhiều lĩnh vực, trong đó có lĩnh vực năng lượng hạt nhân vì mục đích hòa bình, nông nghiệp, tài chính…, đồng thời nhấn mạnh các hiệp định hợp tác trị giá 10 tỷ USD vừa ký tại thành phố Mumbai của Ấn Độ là rất quan trọng.
Nhận định về chính sách của Mỹ với Ấn Độ gần đây, ông Michael Froman, phó cố vấn an ninh quốc gia của ông Obama về các vấn đề kinh tế quốc tế, cho biết, một số thay đổi trong chính sách kinh tế với Ấn Độ cho thấy Mỹ coi Ấn Độ là một đối tác chiến lược chứ không phải là một quốc gia cần quan tâm.
Liên quan đến quan hệ giữa Ấn Độ và Pakixtan, Tổng thống Obama nhấn mạnh hai nước này cần tìm kiếm biện pháp giải quyết việc tranh chấp ở khu vực này, Mỹ sẵn sàng đóng vai trò giúp mang lại hòa bình, song không áp đặt giải pháp cho các bên. Ông bày tỏ hi vọng hai quốc gia sẽ đối thoại để giải quyết bất đồng. Về vấn đề này, Thủ tướng Singh cho biết Pakixtan trước tiên phải mạnh tay hơn với các nhóm phiến quân đang hoạt động trên lãnh thổ nước này, đặc biệt là nhóm Lashkar-e-Taiba - nhóm khủng bố ở Pakixtan mà Ấn Độ cho là thủ phạm của vụ tấn công Mumbai.
Chiều cùng ngày, Tổng thống Obama cũng đã có cuộc gặp các nhà lãnh đạo Ấn Độ như Phó Tổng thống Hamid Ansari; bà Sonia Gandhi, Chủ tịch đảng Quốc đại lãnh đạo Liên minh tiến bộ thống nhất (UPA) cầm quyền; và bà Sushma Swaraj, Chủ tịch đoàn các nghị sĩ thuộc Đảng nhân dân Ấn Độ (BJP) đối lập trong hạ nghị viện. Tổng thống Obama cũng đã có bài phát biểu trước Quốc hội Ấn Độ.
Phạm Thảo (P/v TTXVN tại Ấn Độ) - Nam Dương (Tổng hợp)