Mặc dù không phải là xã được chọn làm điểm xây dựng nông thôn mới của huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình, nhưng đến nay, xã Thụy Văn vẫn nổi lên là một “điểm sáng” đi đầu trong phong trào này. Trong đó điểm đột phá chính là từ sức mạnh của nhân dân.
Diện mạo nông thôn mới
Đi trên những con đường rộng thênh thang, phẳng lỳ vừa mới trải nhựa, trải bê tông vào đến tận nhà dân, đường làng thôn xóm khang trang, sạch đẹp, những ngôi nhà cao tầng đang dần hình thành mới thấy được sự chuyển mình mạnh mẽ của vùng quê thuần nông này. Trên cánh đồng thôn 1, làng Hoành Sơn (xã Thụy Văn), mặc cho cái nắng đầu hè oi ả, gần 20 người, chủ yếu là phụ nữ đang vận chuyển xi măng thi công những đoạn đường giao thông thủy lợi nội đồng còn lại dài hơn 700 m, rộng 3,5 m. Cách đó chừng 200 m, những chiếc máy xúc, máy ủi và gần 50 nhân công đang tiến hành san lấp làm bãi xử lý rác thải tập trung của toàn xã theo quy hoạch rộng gần 15.000 m2. Không khí lao động sản xuất đang tràn ngập nơi đây.
Đường giao thông vào xã đã khang trang hơn. |
Ông Vũ Hữu Giáp - Chủ tịch Mặt trận Tổ quốc Việt Nam xã Thụy Văn chia sẻ: trước đây, cuộc sống của người dân Thụy Văn còn gặp rất nhiều khó khăn, chủ yếu là làm nông nghiệp. Đường làng, ngõ xóm chật hẹp, lầy lội, đi xe ra đồng làm cũng khó. Vào mùa, xe chở lúa nọ tránh xe kia, mất thời gian nhưng đến bây giờ, mọi thứ đều thay đổi, đường đi lại được xây dựng khang trang, cuộc sống người dân được nâng lên.
Chị Vũ Thị Thoa (thôn 1, làng Hoành Sơn) phấn khởi cho biết: để xây dựng con đường này Nhà nước và nhân dân cùng làm, xã cấp nguyên vật liệu, người dân bỏ công. Mỗi nhà một người góp sức làm đường ra ruộng, mai này đi lại cho đỡ khổ. Hệ thống kênh mương cũng đã được cứng hóa một phần, việc tưới tiêu cho đồng ruộng cũng thuận lợi hơn rất nhiều.
Xã đã hoàn thành 14/19 tiêu chí, trong đó hệ thống lưới điện theo dự án cải tạo nâng cấp hệ thống lưới điện hạ áp nông thôn, 100% các hộ được sử dụng điện. Cơ sở vật chất 3 bậc học mầm non, tiểu học và trung học cơ sở đều đã đạt chuẩn quốc gia. Trạm y tế xã đạt chuẩn quốc gia giai đoạn 2010 - 2020… Còn 4 tiêu chí là giao thông, thủy lợi, cơ sở văn hóa, môi trường đang trong giai đoạn xây dựng. Mục tiêu hết tháng 9/2013 sẽ hoàn thành các tiêu chí giao thông nông thôn, cơ sở văn hóa và tiêu chí môi trường, và đến tháng 11/2013 sẽ hoàn thành tất cả 19 tiêu chí.
Sức mạnh từ người dân
Năm 2011, xã Thụy Văn được huyện đầu tư 600 triệu đồng vào việc dồn điền đổi thửa, trong khi đó để có diện mạo nông thôn như hiện nay phải bỏ ra hàng chục tỷ đồng.
Theo ông Vũ Hữu Tiếp - Bí thư Đảng ủy, Trưởng Ban chỉ đạo xây dựng nông thôn mới xã Thụy Văn, nếu không tạo ra được sự đồng thuận, đồng lòng giữa chính quyền và người dân thì Thụy Văn khó có thể làm nông thôn mới. “Nói cho dân hiểu, làm cho dân tin thì mới huy động được sức dân” - ông Tiếp khẳng định.
Xã Thụy Văn có gần 500 ha đất tự nhiên với 7 thôn và hơn 6.000 nhân khẩu. Đến tháng 2/2013 xã đã đạt 14 tiêu chí, phấn đấu trong năm 2013 sẽ hoàn thành tất cả 19 tiêu chí và trở thành xã nông thôn mới. |
Nhằm hiện đại hóa sản xuất nông nghiệp, đưa máy móc, kỹ thuật vào đồng ruộng, do đó công tác dồn điền đổi thửa được xác định là nhiệm vụ quan trọng. Tuy nhiên đây cũng là công việc khó khăn phức tạp do thói quen sản xuất và tập quán canh tác của người dân đã quen với thửa đất, thửa ruộng của mình, không muốn dồn chuyển. Chính quyền xã đã vận động, giải thích cho nhân dân hiểu những ích lợi của việc dồn điền đổi thửa và xây dựng giao thông nông thôn, thủy lợi nội đồng. Có nơi phải tổ chức hội nghị đến 14 - 15 lần như tại thôn 1, làng An Định. Khi lòng dân đã thuận, chỉ trong vòng 3 tháng từ khi triển khai, đến tháng 1/2012, xã đã hoàn thành xong công tác dồn điền đổi thửa với tổng diện tích 338 ha. Mỗi hộ gia đình có từ 1 - 2 thửa thay vì rải rác, nhỏ lẻ như trước đây.
Ông Đào Viết Bộ - Chủ tịch UBND, Trưởng Ban quản lý xây dựng nông thôn mới xã Thụy Văn cho biết: phương châm của xã là giải quyết “từ ngoài đồng vào, từ nhà ra ngõ, cuối cùng mới tính đến chỉnh trang trụ sở”. Thụy Văn xác định là mảnh đất lấy nông nghiệp là chính, do vậy xây dựng nông thôn mới sẽ quan tâm hàng đầu đến việc giải phóng sức lao động cho nông dân, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Muốn vậy phải dồn điền đổi thửa, làm giao thông thủy lợi nội đồng cho tốt.
Với phương châm “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”, xã Thụy Văn đã tạo ra được sự đồng thuận cao trong toàn dân. Đây là yếu tố then chốt, quan trọng trong kết quả xây dựng nông thôn mới nơi đây.
Thu Hoài