Xây dựng hệ sinh thái liên kết kinh doanh: Hướng đi cho doanh nghiệp nội - Bài cuối

Trước bối cảnh hội nhập với sức ép cạnh tranh từ nhiều phía, đã có rất nhiều doanh nghiệp (DN) nội chọn phương thức mua bán và sát nhập (M&A). Tuy nhiên, các chuyên gia cho rằng, M&A không phải là con đường lựa chọn duy nhất, DN vẫn có thể liên kết xây dựng một hệ sinh thái kinh doanh để cùng nhau phát triển.

Thay đổi để tồn tại

Chuyên gia kinh tế TS.LS Bùi Quang Tín, CEO Trường Doanh nhân Bizlight, cho rằng hiện DN nội đã có sự “chuyển mình” khi hội nhập. Tuy nhiên, nếu so với các nước khác thì sự “chuyển mình” còn chậm, nhưng so với các năm trước đây thì DN nội có sự thay đổi rất nhiều. Họ không còn đóng cửa “chơi” với nhau mà chấp nhận thay đổi và chia sẻ “sân chơi” khi hội nhập.

Phát triển ngành công nghiệp phụ trợ cũng là một cách để tạo hệ sinh thái liên kết kinh doanh. Ảnh minh họa

Có thể thấy, trong vài năm trở lại đây, các DN trong nước đã có sự chuẩn bị nguồn lực tài chính, tái đầu tư. Thậm chí, nhiều DN không chia cổ tức, lợi nhuận cho cổ đông mà dùng lợi nhuận đó để tăng nội lực tài chính như Eximbank, Sacombank, Techcombank… ; hay như CTCP Bất động sản và Đầu tư VRC, CTCP Đầu tư và Phát triển công nghiệp Bảo Thư, CTCP Đầu tư Xây dựng và Phát triển đô thị Sông Đà… cũng không chia cổ tức nhằm tích lũy lợi nhuận.


Ngoài ra, để tăng sức bật cho DN, nhiều DN cũng chuẩn bị sẵn sàng nguồn nhân lực như thay hàng loạt các cấp lãnh đạo để thay đổi cách nhìn mới, bỏ lối mòn cũ; tuyển dụng nhiều nhân viên kinh doanh nhằm tăng cường lực lượng bán hàng, chủ động tiếp cận thị trường, chăm sóc khách hàng cũ hơn là quản trị rủi ro.


Ngoài ra, TS.LS Bùi Quang Tín cũng cho hay, các DN nội đang liên kết với nhau nhằm tạo ra hệ sinh thái kinh doanh, có nghĩa các DN sẽ cùng nhau hỗ trợ sản xuất, kinh doanh hàng hóa với nhau thông qua việc hỗ trợ bán chéo sản phẩm lẫn nhau, lấn chiếm vào những khách hàng mới, đồng thời tạo những giá trị cộng thêm cạnh tranh.


Theo chuyên gia Tín, đối với DN vừa và nhỏ (DNVVN) thì phương pháp phải tái cấu trúc DN hoặc liên kết với nhau tạo thành chuỗi giá trị là hướng đi nhiều lợi thế nhất trong bối cảnh hội nhập. Bởi các DN có thương hiệu thường sẽ bán cổ phần hoặc bán trên 50% cổ phần, như vậy sức ảnh hưởng người lãnh đạo cũ với DN sẽ bị yếu đi, ngay cả giá trị tạo ra ban đầu của DN sẽ không còn nữa, kể cả văn hóa DN, đường hướng kinh doanh của DN.


Do đó, việc liên kết tạo hệ sinh thái kinh doanh cho DNVVN sẽ giúp DN tiếp tục tồn tại trên sân nhà, không những thế còn có thể nâng cao chất lượng từ khâu sản xuất đến khâu chế biến, sản xuất ra hàng hóa, sản phẩm và dịch vụ. Từ đó, hàng rào kỹ thuật sẽ dần được cải thiện và từng bước đạt tiêu chuẩn hội nhập quốc tế, có thể tiến tới xuất khẩu và cạnh tranh với các DN ngoại.


Những bước “chuyển mình” của DN nội


Tuy nhiên, nhiều lo ngại sắp tới các DN nước ngoài sẽ thành lập công ty 100% vốn nước ngoài tại Việt Nam một cách ồ ạt khi CPTPP có hiệu lực đầu năm 2019, DN nội sẽ khó thoát khỏi sự cạnh tranh mạnh mẽ.


Bàn về vấn đề này, chuyên gia kinh tế TS.LS Tín cho rằng không cần quá lo lắng. Vì thông thường, các DN nước ngoài vào Việt Nam sẽ theo cách sát nhập để vừa thăm dò, vừa để chiếm thị phần. Nguyên nhân các DN ngoại tuy mạnh về vốn và công nghệ nhưng hệ thống khách hàng của họ chủ yếu từ nước họ.

Nhiều ngân hàng đã không chia cổ tức lợi nhuận để dồn sức đầu tư công nghệ, tăng chất lượng dịch vụ để cạnh tranh với DN ngoại. Ảnh minh họa

Như DN Nhật Bản đầu tư vào Việt Nam thì họ chỉ biết tận dụng khách hàng Nhật Bản đang sinh sống tại Việt Nam là chính, theo đó số lượng khách hàng là giới hạn trong khi mục đích vào thị trường khác họ phải lấy khách hàng ở thị trường ở đó. Ngoài ra, nếu DN ngoại không am hiểu văn hóa Việt Nam thì cũng sẽ khó thành công tại Việt Nam. Do đó, những DN ngoại “thâu tóm” DN nội phần lớn đã thâm nhập vào thị trường Việt Nam từ rất lâu chứ không chỉ là mới đây.


Trên thực tế, nhiều doanh nghiệp trong nước không ngần ngại trước cuộc cạnh tranh sắp tới tới. Ông Trần Văn Đức, Tổng giám đốc Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu Bến Tre (Betrimex), đơn vị đã đưa dòng sản phẩm nước dừa đóng hộp ra thị trường Việt Nam, cho biết dòng sản phẩm này công ty sẽ cạnh tranh không chỉ với hàng Thái Lan mà còn cả hàng Philippines, Indonesia…


Theo ông Đức, Betrimex đi theo hướng tự nhiên với các công nghệ hiện đại, nhưng có giá thành rẻ hơn các sản phẩm cùng loại ít nhất là một nửa. Ngoài ra, công ty không chỉ nhắm vào thị trường trong nước mà còn xuất khẩu sang các nước ở khu vực châu Âu, châu Mỹ, châu Phi. Ông Đức tin tưởng, dù đi sau các nước khác hàng chục năm trong ngành công nghiệp dừa, nhưng với hoạch định chiến lược mới, công ty sẽ có thể cạnh tranh tốt nhất.


Tương tự, ông Phạm Xuân Thơ, Giám đốc Kinh doanh của Đại Đồng Tiến, cho rằng dù dỡ bỏ hàng rào thuế quan, nhưng đặc thù ngành nhựa gia dụng là chiếm diện tích, dẫn đến chi phí vận chuyển cao nên giá thành hàng ngoại vẫn sẽ khó cạnh tranh với sản phẩm cùng chất lượng của công ty. Ngoài ra, ông Thơ cho biết doanh nghiệp sẽ đi vào thị trường ngách để củng cố vị thế.


Song song đó, các DN Việt Nam cũng tìm cách xuất ngược hàng hóa sang nước bạn. Hiện nay, Trung tâm Nghiên cứu và Hỗ trợ doanh nghiệp (BSA) vẫn đang tiếp tục phối hợp với Cục Ngoại vụ (Bộ Ngoại giao) để đưa hàng Việt Nam đến các nước trong AEC. Trước hết, Trung tâm sẽ phối hợp tổ chức các hoạt động chia sẻ thông tin, kinh nghiệm làm ăn ở thị trường AEC của các doanh nghiệp đi trước. Bên cạnh đó, BSA sẽ tổ chức thành từng nhóm doanh nghiệp Việt sang các thị trường lân cận để giảm chi phí và tạo lợi thế cạnh tranh.


Về các thị trường mà BSA tập trung trong thời gian tới, bà Vũ Kim Hạnh, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp và Việt Nam chất lượng cao, cho rằng lợi thế nhất vẫn là Campuchia, xa hơn một chút là Indonesia. Đối với Malaysia, doanh nghiệp Việt Nam có lợi thế về mặt hàng thực phẩm vì khẩu vị tương đối giống nhau. Doanh nghiệp thâm nhập các thị trường này cũng không cần phải có quy mô lớn. Chẳng hạn như thực phẩm Bích Chi và Công ty Cơ khí Nông nghiệp Bùi Văn Ngọ đang khai thác thị trường này khá tốt.


Bài và ảnh: Hải Yên/Báo Tin tức
Doanh nghiệp nội chồng chất khó khăn, từ ‘sân nhà’ đến ‘sân bạn’ - Bài 3
Doanh nghiệp nội chồng chất khó khăn, từ ‘sân nhà’ đến ‘sân bạn’ - Bài 3

Trước bối cảnh hội nhập với sức ép cạnh tranh từ nhiều phía, nhiều doanh nghiệp (DN) có thương hiệu hàng Việt Nam chất lượng cao (HVNCLC) đã lần lượt bỏ cuộc chơi, không chỉ trên sân nhà mà cả ngay trên sân bạn. Có lẽ, phương thức mua bán và sát nhập (M&A) là con đường duy nhất, bởi nếu không họ sẽ chết hoặc sống “lay lất” trong thua lỗ.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN