Đặc biệt, Hà Nội tự hào là địa phương đi đầu triển khai và thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 20-NQ/TW ngày 28/1/2008 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X về tiếp tục xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Đây chính là điểm tựa để đội ngũ công nhân lao động Thủ đô phát triển và khẳng định vị trí quan trọng của mình; vững vàng vượt qua khó khăn với tinh thần chủ động, sáng tạo, tích cực học tập và rèn luyện nâng cao trình độ tay nghề, đóng góp to lớn vào thành quả xây dựng, phát triển Thủ đô ngày càng giàu đẹp, văn minh, hiện đại.
Mạnh cả về lượng và chất
Hà Nội hiện có hơn 231.000 doanh nghiệp với 2,5 triệu công nhân lao động, chiếm 66% tổng số lao động của thành phố. Trong đó, số công nhân đã qua đào tạo chiếm 62%. Đa số công nhân tuổi đời còn trẻ, năng động, ham học hỏi, thích ứng nhanh với khoa học công nghệ hiện đại và cơ chế thị trường, thể hiện bản lĩnh chính trị, lập trường kiên định, tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng. Tiêu biểu cho sự lớn mạnh và những đóng góp to lớn cho sự phát triển, chuyển dịch cơ cấu kinh tế của Thủ đô là đội ngũ công nhân đang làm việc tại các khu công nghiệp và khu chế xuất.
Theo Ban Quản lý các Khu Công nghiệp và Chế xuất Hà Nội, thành phố hiện có 9 khu công nghiệp hoạt động, thu hút trên 140.000 lao động; đóng góp gần 40% giá trị sản lượng công nghiệp, gần 60% kim ngạch xuất khẩu toàn thành phố, nộp ngân sách trên 2.200 tỉ đồng/năm...
Xác định phải giải quyết có hiệu quả những vấn đề bức xúc, cấp bách của giai cấp công nhân mà Nghị quyết số 20-NQ/TW đặt ra, ngày 4/4/2008, Thành ủy Hà Nội đã ban hành Chương trình hành động số 32-CT/TU về tiếp tục xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.
Phó Chủ tịch Thường trực phụ trách Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội Đặng Thị Phương Hoa cho biết, thành phố đã có nhiều chính sách cụ thể, thiết thực hỗ trợ và tạo điều kiện giúp công nhân yên tâm lao động sản xuất như đào tạo nghề, xây dựng nhà ở xã hội, nhà ở công nhân tại các khu công nghiệp tập trung, quan tâm các dịch vụ xã hội, chính sách an sinh...
Công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện pháp luật lao động của các doanh nghiệp cũng được ngành chức năng triển khai quyết liệt để bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của người lao động, qua đó truy thu hàng trăm tỉ đồng nợ đọng bảo hiểm xã hội, giải quyết kịp thời các cuộc tranh chấp lao động, ngừng việc tập thể xảy ra…
Đáng chú ý, hàng năm UBND thành phố Hà Nội và Liên đoàn Lao động thành phố phối hợp tổ chức các cuộc đối thoại với công nhân tại các khu công nghiệp, khu chế xuất và đã đưa ra nhiều chỉ đạo, biện pháp hữu hiệu nhằm giải quyết kịp thời, dứt điểm những kiến nghị của người lao động.
Nhờ vậy, đời sống vật chất, tinh thần của công nhân lao động từng bước được ổn định, đảm bảo và có sự chuyển biến rõ rệt. Mức lương của người lao động được điều chỉnh tăng khoảng 6,5 - 12,4%/năm; thu nhập của người lao động trực tiếp trong các loại hình doanh nghiệp tăng từ 3,2 triệu đồng/người/tháng năm 2013 lên 5,5 triệu đồng/người/tháng năm 2018, cao hơn mức lương tối thiểu vùng của Chính phủ...
Lan tỏa các phong trào thi đua
Sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói “Sáng kiến và kinh nghiệm là của quý chung của cả dân tộc, chúng ta phải ra sức làm cho nó dồi dào thêm và lan rộng mãi...”. Nhận thức rõ ý nghĩa đó, nhiều năm qua, các phong trào thi đua như: "Lao động giỏi", "Lao động sáng tạo", "Công nhân giỏi Thủ đô", "Sáng kiến, sáng tạo Thủ đô", đặc biệt phong trào "Ôn lý thuyết, luyện tay nghề, thi thợ giỏi”... do Liên đoàn Lao động thành phố phát động đã trở thành một trong những phong trào thi đua tiêu biểu nhất trong các phong trào thi đua yêu nước của Hà Nội.
Điểm nhấn của các phong trào này là chuyển trọng tâm thi đua về cơ sở và người lao động trực tiếp sản xuất. Tính hiệu quả và sức lan tỏa của phong trào được đánh giá cao, thu hút đông đảo công nhân viên chức, lao động tham gia. Đến nay, các phong trao thi đua đã thực sự phát triển cả chiều rộng lẫn chiều sâu.
Theo Phó Chủ tịch Thường trực phụ trách Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội Đặng Thị Phương Hoa, từ thực tiễn phong trào thi đua đã xuất hiện nhiều tấm gương điển hình, xuất sắc được biểu dương khen thưởng. 10 năm qua, toàn thành phố đã có 254.424 lượt công nhân lao động đạt danh hiệu “Công nhân giỏi” cấp cơ sở, 18.181 “Công nhân giỏi” cấp trên cơ sở và 895 “Công nhân giỏi Thủ đô”; 120.568 lượt công nhân viên chức, lao động đạt danh hiệu “Sáng kiến, sáng tạo” cấp cơ sở, 10.422 “Sáng kiến, sáng tạo” cấp trên cơ sở, 879 “Sáng kiến, sáng tạo Thủ đô”; hơn 200 lượt công nhân lao động đạt danh hiệu thợ giỏi…
Nhiều tấm gương tiêu biểu đã được thành phố tuyên dương nhân kỷ niệm 44 năm Ngày Giải phóng miền Nam 30/4, Ngày Quốc tế Lao động 1/5 và 65 năm Ngày Giải phóng Thủ đô 10/10, như: Đàm Ngọc Hoàn và Nguyễn Văn Việt (Công ty Trách nhiệm hữu hạn Canon Việt Nam), Tạ Thị Bắc (Công ty Trách nhiệm hữu hạn Linh kiện điện tử SEI Việt Nam), Đỗ Văn Thìn (Công ty Cổ phần Phát triển Truyền thông truyền hình), Vũ Thủy Hoàng (Công ty Cổ phần Fecon), Đinh Thị Chi (Công ty Cổ phần Dệt 10/10)..
Ghi nhận, biểu dương những thành tích của công nhân lao động, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Ngô Văn Quý nhấn mạnh, dù ở bất kỳ ngành nghề, độ tuổi hay cương vị công tác nào, đội ngũ công nhân Thủ đô đều cần cù, say mê nghiên cứu sáng tạo để nâng cao năng suất lao động và chất lượng sản phẩm. Đặc biệt, qua 13 năm triển khai, phong trào thi đua phấn đấu trở thành "Công nhân giỏi" đã khẳng định được tác dụng to lớn đối với kết quả sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp và trở thành phong trào hành động cách mạng của tổ chức Công đoàn Thủ đô. Sức sáng tạo của công nhân ngày càng được phát huy với nhiều sáng kiến, kinh nghiệm có giá trị cao.
Đổi mới mạnh mẽ, đi đầu trong hội nhập kinh tế quốc tế
Thời gian tới, xu thế toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế, nhất là những thành tựu của cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đang đặt ra cho đất nước ta nói chung và Thủ đô nói riêng nhiều thuận lợi nhưng cũng không ít khó khăn. Trước tình hình này, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy Hà Nội Hoàng Trung Hải yêu cầu phải có sự nỗ lực cố gắng hơn nữa của các cấp, các ngành, các loại hình doanh nghiệp và đội ngũ công nhân lao động.
Bí thư Thành ủy Hà Nội cho rằng, đội ngũ công nhân lao động cần làm tốt nhiệm vụ nòng cốt, vai trò tiên phong của mỗi công nhân Thủ đô, thực hiện mục tiêu xây dựng đội ngũ công nhân có bản lĩnh chính trị vững vàng; có ý thức công dân, yêu nước, thực hiện nghiêm kỷ cương hành chính. Đội ngũ công nhân phải ngày càng được tri thức hóa, có trình độ kỹ thuật cao, từng bước làm chủ khoa học công nghệ tiên tiến, hiện đại, thích ứng nhanh với môi trường làm việc, có tác phong công nghiệp và kỷ luật lao động cao.
"Việc đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước mà trọng tâm là thi đua lao động giỏi trong giai đoạn hiện nay có một ý nghĩa vô cùng quan trọng, tạo ra động lực và sức mạnh để hướng đến thực hiện thắng lợi các chỉ tiêu kinh tế - xã hội của ngành, địa phương và thành phố", Bí thư Thành ủy nhấn mạnh. Các cấp, các ngành của thành phố cần sớm khắc phục những tồn tại, hạn chế liên quan đến các vấn đề bức xúc, ảnh hưởng trực tiếp đến người lao động như nhà ở, thu nhập, chế độ chính sách, điều kiện làm việc, các thiết chế văn hóa…
Với phương châm “Đoàn kết - Sáng tạo - Hội nhập - Phát triển”, để góp phần cùng Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Thủ đô phấn đấu đến năm 2025 hoàn thành cơ bản các chỉ tiêu, nhiệm vụ của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa, hệ thống Công đoàn Hà Nội quyết tâm đổi mới mạnh mẽ nội dung, phương thức hoạt động, hướng về cơ sở, vì quyền và lợi ích hợp pháp của người lao động; xây dựng đội ngũ công nhân phát triển toàn diện, xứng đáng là lực lượng đi đầu trong hội nhập kinh tế quốc tế.