Theo Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động thành phố Lê Đình Hùng, hội thi năm nay thu hút 11 ngành nghề thuộc 24 doanh nghiệp FDI và 59 doanh nghiệp tư nhân tham gia. Cụ thể là các nghề: Tiện vạn năng (21 thí sinh), phay vạn năng (17 thí sinh), tiện CNC (21 thí sinh), phay CNC (29 thí sinh), vẽ và thiết kế trên máy tính (18 thí sinh), hàn điện (32 thí sinh), hàn CO2 (47 thí sinh), hàn TIG (11 thí sinh), may công nghiệp (20 thí sinh), điện CN (27 thí sinh), công nghệ ô tô (7 thí sinh).
Đánh giá của Ban tổ chức hội thi cho thấy, qua 2 ngày tranh tài sôi nổi, hầu hết các thí sinh đều chấp hành tốt quy chế hội thi, bình tĩnh, tự tin thể hiện bản lĩnh, trình độ tay nghề. “Chất lượng nhiều bài dự thi đạt khá xuất sắc các thông số kỹ thuật theo tiêu chuẩn quy định của hội thi. Điều đó khẳng định vai trò hết sức quan trọng của các công nhân giỏi nghề đối với sự tồn tại và phát triển của doanh nghiệp trong cơ chế thị trường, nên đã thu hút đông đảo cơ sở và thí sinh tham gia kể cả lĩnh vực công nghệ mới như hàn CO2, may, điện công nghiệp và vẽ thiết kế trên máy tính”, ông Hùng nhấn mạnh.
Kết quả, Ban tổ chức đã trao 11 giải Nhất cho 11 cá nhân xuất sắc ở 11 nghề dự thi. Đồng thời, trao 22 giải nhì, 33 giải ba và 20 giải khuyến khích cho các thí sinh xuất sắc và trao Bằng khen cho 6 tập thể có thành tích cao trong phong trào thi đua này.
11 giải Nhất thuộc về các thí sinh xuất sắc: Nguyễn Ngọc Hoài và Võ Văn Ngoạn - Công ty Trách nhiệm hữu hạn Canon Việt Nam, Hoàng Văn Đức - Công ty Trách nhiệm hữu hạn ToTo Việt Nam, Dương Văn Chuyển - Công ty Trách nhiệm Denso Việt Nam, Nguyễn Đức Đan và Nguyễn An Ngọc - Công ty Cổ phần Tomeco An Khang, Vi Trung Khánh - Công ty Trách nhiệm hữu hạn Yamaha Motor Việt Nam, Đinh Văn Trọng - Công ty Kiến trúc AVITYCO, Nguyễn Thị Huế - Công ty Trách nhiệm hữu hạn D-Code, Nguyễn Xuân Đại - Công ty Trách nhiệm hữu hạn Máy và Thiết bị Lam Uy, Đỗ Văn Vượng - Công ty Trách nhiệm hữu hạn Toyota Long Biên.
Phát biểu tại hội thi, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Ngô Văn Quý, Trưởng Ban tổ chức hội thi cho biết, trong những năm qua, các phong trào thi đua như: "Lao động giỏi", "Lao động sáng tạo", phấn đấu trở thành "Công nhân giỏi Thủ đô", "Sáng kiến, sáng tạo Thủ đô" và đặc biệt phong trào "Ôn lý thuyết, luyện tay nghề, thi thợ giỏi trong công nhân lao động Thủ đô" do Liên đoàn Lao động thành phố Hà Nội phát động đã trở thành một trong những phong trào thi đua tiêu biểu nhất trong các phong trào thi đua của công nhân viên chức lao động Thủ đô.
Điểm nhấn của các phong trào này là chuyển trọng tâm thi đua về cơ sở và người lao động trực tiếp sản xuất. Do vậy, tính hiệu quả và sức lan tỏa của phong trào đã được đánh giá cao, thu hút đông đảo công nhân viên chức lao động thuộc các thành phần kinh tế trong các ngành, địa phương, cơ sở của thành phố hưởng ứng tích cực.
Việc tổ chức hội thi Thợ giỏi năm 2019 chính là dịp để tôn vinh những công nhân lao động giỏi, có tay nghề kỹ thuật cao trong lao động sản xuất; đồng thời thông qua đó cũng là sân chơi để công nhân lao động có điều kiện giao lưu, học hỏi kinh nghiệm, góp phần xây dựng đội ngũ công nhân kỹ thuật lành nghề, có phẩm chất đạo đức và tác phong công nghiệp, có khả năng đáp ứng công nghệ, thiết bị sản xuất ngày càng tiên tiến hiện đại, lập các kỷ lục mới về năng suất lao động, tiến độ, chất lượng sản phẩm, góp phần tích cực hoàn thành các chỉ tiêu kế hoạch, nhiệm vụ sản xuất kinh doanh tăng năng suất lao động của đơn vị, doanh nghiệp.
Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Ngô Văn Quý cũng nhấn mạnh, thời gian tới, trong xu thế toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế nhất là những thành tựu của nền công nghiệp 4.0 đang đặt ra cho đất nước ta nói chung và Thủ đô nói riêng nhiều thuận lợi, nhưng cũng không ít khó khăn thách thức, ảnh hưởng không nhỏ đến sản xuất kinh doanh và đời sống, việc làm của công nhân lao động, đòi hỏi sự nỗ lực cố gắng hơn nữa của các cấp, các ngành, doanh nghiệp, đặc biệt là đội ngũ doanh nghiệp.
Để phong trào thi đua yêu nước nói chung và phong trào thi đua "Ôn lý thuyết, luyện tay nghề, thi thợ giỏi” đạt được hiệu quả, đề nghị các cấp chính quyền và tổ chức công đoàn cần tiếp tục có sự phối hợp tốt hơn nữa, tranh thủ sự lãnh đạo của cấp ủy Đảng triển khai thực hiện tốt Chỉ thị 34/CT-TW của Bộ Chính trị về "Tiếp tục đổi mới công tác thi đua khen thưởng". Trong đó, hướng tập trung phong trào thi đua vào việc tăng năng xuất lao động, nâng cao chất lượng sức cạnh tranh của doanh nghiệp, cải thiện đời sống người lao động.