Hội thảo khoa học "Vai trò của chính quyền địa phương trong công tác y tế" do Bộ Y tế tổ chức ngày 26/12, tại Hà Nội, đã một lần nữa lên tiếng về việc cần xác định rõ vai trò quản lý của chính quyền trong công tác y tế.
Theo đại diện Bộ Y tế, hội thảo được tổ chức nhằm triển khai thực hiện Hiến pháp năm 2013; đồng thời cung cấp bằng chứng khoa học và thực tiễn cho việc xác định rõ trách nhiệm quản lý công tác y tế giữa chính quyền trung ương và địa phương; đề xuất xây dựng mô hình tổ chức hệ thống y tế ở cả Trung ương và địa phương, đặc biệt là hệ thống y tế cơ sở.
Bác sỹ Bệnh viện Fortis Hoàn Mỹ Đà Nẵng chăm sóc sức khỏe cho người cao tuổi. Trần Lê Lâm - TTXVN |
Phát biểu tại hội thảo, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến cho biết: Trong những năm qua, ngành y tế đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng như hoạt động y tế dự phòng được đẩy mạnh hơn, một số dịch bệnh mới đã được ngăn chặn và khắc phục nhanh; mạng lưới y tế, đặc biệt là y tế cơ sở, được củng cố và phát triển... Để đạt được những thành tích trên, bên cạnh sự nỗ lực của các cán bộ ngành y tế còn có vai trò của các "tư lệnh vùng" trong việc điều hành, tổ chức triển khai thực hiện pháp luật tại địa phương của chính quyền các cấp.
Bộ trưởng nhấn mạnh: Mô hình hệ thống tổ chức y tế ở nước ta hiện nay là phân chia quyền lực giữa chính quyền trung ương và chính quyền địa phương, theo nguyên tắc "song trùng trực thuộc". Cụ thể: Bộ Y tế quản lý ngành; chính quyền địa phương quản lý theo lãnh thổ. Theo đó, các cơ sở y tế vừa chịu sự quản lý về chuyên môn y tế do Bộ Y tế ban hành, vừa chịu sự lãnh đạo của địa phương về tổ chức, nhân lực y tế. Với phương thức quản lý "song trùng trực thuộc" như vậy, thì chế độ trách nhiệm phải được xác lập song trùng, nhưng trên thực tế, việc nhận thức cũng như hành động liên quan đến trách nhiệm công vụ của từng chức danh chưa rõ ràng và minh bạch. Chính bởi vậy, cần sớm xác định rõ trách nhiệm quản lý công tác y tế giữa chính quyền trung ương và địa phương; đồng thời sớm xây dựng mô hình tổ chức hệ thống y tế ở cả Trung ương và địa phương, đặc biệt là hệ thống y tế cơ sở.
Đồng quan điểm này, tiến sĩ Nguyễn Huy Quang, Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Y tế, chia sẻ: Mô hình tổ chức hệ thống y tế Việt Nam hiện nay được tổ chức theo 4 cấp, theo hệ thống tổ chức nhà nước (trung ương, tỉnh, huyện, xã). Ngoài việc tổ chức theo hệ thống nhà nước này, nhằm phát triển năng lực chuyên môn, hệ thống y tế còn kết hợp tổ chức theo hệ thống y tế chuyên sâu và y tế phổ cập. "Với cách tiếp cận này, giữa cơ chế quản lý nhà nước ở tuyến huyện, xã với cơ chế vận hành hoạt động chuyên môn, thật sự chưa rõ ràng. Mặt khác, trong một tỉnh cũng có các phương thức quản lý khác nhau như: Nơi thì Sở Y tế quản lý theo ngành dọc, nơi thì vẫn quản lý theo ngành ngang, có nơi thì kết hợp quản lý cả ngang và dọc", tiến sĩ Nguyễn Huy Quang chia sẻ.
Cũng theo tiến sĩ Nguyễn Huy Quang, hiện tại, việc tổ chức tuyển dụng, sử dụng, bổ nhiệm, miễn nhiệm, kỷ luật công chức y tế đều thuộc thẩm quyền của chính quyền địa phương và Bộ Y tế không có quyền can thiệp. "Với phương thức quản lý hiện nay, chính quyền địa phương được toàn quyền tổ chức thi hành pháp luật trên địa bàn và chịu trách nhiệm về các vấn đề y tế xảy ra", tiến sĩ Huy Quang nhấn mạnh.
Từ thực tế này, theo tiến sĩ Nguyễn Huy Quang, cần thiết phải phân cấp cụ thể trong luật hoặc trong văn bản khác thích hợp, về trách nhiệm công vụ, trách nhiệm thực hiện nhiệm vụ để quy trách nhiệm tập thể, cá nhân ở cả Trung ương và địa phương trong quá trình quản lý nhà nước về y tế; chấn chỉnh những quan niệm về tổ chức và quản lý chưa nhất quán; nghiên cứu để tái cấu trúc hệ thống y tế, đáp ứng sự nghiệp bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khoẻ nhân dân...
Thu Phương