Cao Bằng

Vững vàng một dải biên cương

Những năm qua, phong trào quần chúng tham gia tự quản đường biên, cột mốc và giữ gìn an ninh - trật tự xóm, bản khu vực biên giới (KVBG), do Bộ đội Biên phòng (BĐBP) Cao Bằng triển khai thực hiện, đã lan tỏa sâu rộng trong các tầng lớp nhân dân. Phong trào đã góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương và xây dựng thế trận lòng dân vững chắc, gìn giữ sự bình yên nơi biên giới.

Bộ đội Biên phòng Cao Bằng giúp dân trồng cỏ voi.

Chúng tôi có mặt tại Đồn Biên phòng Đàm Thủy (tỉnh Cao Bằng) vào giữa trưa, đúng lúc Đồn trưởng, Thượng tá Luân Ngọc Cầu đang tranh thủ nắm tình hình từ cán bộ biên phòng “cắm bản”. Đồn trưởng Luân Ngọc Cầu chia sẻ: Đồn được giao nhiệm vụ quản lý, bảo vệ 18,6 km đường biên giới có thác Bản Giốc, động Ngườm Ngao, nếu không biết vận động, tranh thủ vai trò của những người có uy tín thì gian nan vô cùng. Từ năm 2007 trở về trước, xóm giáp biên Lũng Phjắc (xã Đàm Thủy) có 216 hộ gia đình với hơn 1.000 nhân khẩu, là điểm nóng về khai thác quặng trái phép, an ninh nông thôn... hệ thống chính trị từ xã đến các xóm hoạt động kém hiệu quả. Trước tình hình đó, Đồn đã kịp thời cử cán bộ tham gia Đội công tác liên ngành của địa phương và thành lập Tổ công tác Biên phòng gồm 8 cán bộ, chiến sĩ thực hiện bám bản, vận động bà con.


Dẫn chúng tôi tới thăm nhà ông Nông Hoàng Giang ở xóm Bản Mom, xã Đàm Thủy, Đại úy Mã Ngọc Chuyên cho biết: “Ông Giang là một trong những người có uy tín nhất nhì ở Bản Mom vẫn đang tích cực tham gia cùng BĐBP bảo vệ đường biên, cột mốc”.


Ông Giang nhớ lại: “Những năm 90, do chưa có Quy chế biên giới giữa Việt Nam và Trung Quốc nên khu vực xung quanh cột mốc số 53 thường xảy ra tình trạng xâm canh, xâm cư. Sau khi nhận tự quản đoạn đường biên giới, tôi cùng bà con trong xóm hằng ngày cắt cử nhau kiểm tra, gặp trường hợp vi phạm đều báo chính quyền địa phương, BĐBP, hoặc trực tiếp gặp, trao đổi với người dân bên kia biên giới, đề nghị người dân hai nước có chung biên giới phải có trách nhiệm cùng nhau bảo vệ”.


Từ đầu năm đến nay, Đồn Biên phòng Đàm Thủy đã tổ chức được 135 cuộc tuần tra biên giới với 553 lượt người tham gia; 2 cuộc tuần tra song phương với lực lượng quản lý biên giới Trung Quốc; tổ chức 170 buổi tuyên truyền phổ biến pháp luật cho 12.890 lượt người; hoàn thành công tác bàn giao đường biên, cột mốc cho 11 xóm sát biên tiến hành tự quản và giới thiệu cho nhân dân các xóm sát biên nhận biết đoạn biên giới do xóm mình phụ trách. 100% hộ dân trên địa bàn xã Đàm Thủy đã ký cam kết tự quản đường biên, cột mốc; thành lập được 11 Ban Tự quản, mỗi ban có từ 7 - 10 người gồm: Người có uy tín, thanh niên, công an, phụ nữ… Ngoài ra, Đồn còn tham mưu cho các xóm xây dựng và ký quy ước thôn xóm, tuyên truyền vận động nhân dân tham gia phong trào bảo vệ an ninh Tổ quốc…


Chia tay Đồn Biên phòng Đàm Thủy, chúng tôi tiếp tục cuộc hành trình đến với cán bộ Đồn Biên phòng Sóc Hà, huyện Hà Quảng - đơn vị hiện đang quản lý, bảo vệ 20,374 km đường biên giới, với 55 cột mốc; phụ trách địa bàn 3 xã biên giới của huyện Hà Quảng là: Trường Hà, Nà Sác và Sóc Hà.
Được giao nhiệm vụ quản lý địa bàn rất quan trọng, là niềm tự hào, nhưng cũng đặt lên vai cán bộ, chiến sĩ Đồn Biên phòng Sóc Hà trách nhiệm lớn lao. Theo thượng tá Đinh Ngọc Tuyên, Chính trị viên Đồn Biên phòng Sóc Hà: Để phong trào quần chúng tham gia tự quản đường biên, cột mốc và giữ gìn an ninh - trật tự xóm, bản KVBG đạt hiệu quả, điều quan trọng là xây dựng và củng cố được cơ sở chính trị trong nhân dân. Xác định hướng đi đó, cán bộ, chiến sĩ đồn biên phòng đã không quản ngại khó khăn, vất vả, vượt núi, xuyên rừng đến các xóm, bản biên giới phối hợp cấp ủy, chính quyền địa phương tuyên truyền, vận động nhân dân nhận đất, rừng, từng đoạn đường biên, mốc quốc giới để khoanh nuôi, bảo vệ, phát triển kinh tế và coi đó là đất đai, tài sản của từng gia đình, từng xóm, bản, không thể để mất.


Ông Quán Trí Kìang, 70 tuổi, dân tộc Nùng, ở xóm Pác Bó, xã Trường Hà, kể: Từ năm 2008 đến nay, gia đình ông nhận tự quản đoạn đường biên giới dài gần một km (từ mốc 675 đến 676). Tuy vợ chồng ông đều đã cao tuổi, các con đi làm ăn xa, nhưng ngày nào ông, bà cũng thay nhau lên núi chăn trâu, bò, lấy củi, kết hợp đi dọc đoạn đường biên giới để quan sát, nắm tình hình xung quanh cột mốc và cả đoạn đường tuần tra biên giới. Gặp bất kỳ trường hợp khả nghi nào, ông Kìang đều báo ngay cho BĐBP để có biện pháp xử lý.


Những chiến sĩ BĐBP, người có uy tín trên địa bàn biên giới tỉnh Cao Bằng đã và đang là những “cột mốc” trong bảo vệ biên giới. Những “cột mốc” này được hình thành và tồn tại do chính tâm nguyện, ý chí của người dân để gìn giữ chủ quyền quốc gia thiêng liêng.


Minh Thu

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN