Băng tuyết rơi phủ trắng những ngọn cây, tường rào trên Khu du lịch Mẫu Sơn. Ảnh: TTXVN phát |
Tại các vùng núi cao như Công Sơn, Mẫu Sơn, băng tuyết xảy ra trên diện rộng và kéo dài từ đêm ngày 23/1 đến nay khiến mọi sinh hoạt của người dân ngừng trệ. Công Sơn là một xã vùng 3 của huyện Cao Lộc, nằm ở độ cao 1.500m, cách trung tâm huyện 18km nhưng đường đi lại vô cùng khó khăn và nguy hiểm. Toàn bộ người dân sinh sống nơi đây là dân tộc Dao, đời sống vô cùng khó khăn. Toàn xã có tới 65% là hộ nghèo, còn 2/9 thôn chưa có điện.
Ông Triệu Trần Lừu, Chủ tịch UBND xã Công Sơn cho biết: Những ngày vừa qua thời tiết giá lạnh ảnh hưởng lớn đến đời sống người dân trong xã. Hiện xã có 169 hộ nghèo, trong đó có nhiều hộ thuộc diện đặc biệt khó khăn, hoàn cảnh neo đơn. Xã đã rà soát, lập danh sách gửi lên cấp trên đề nghị được hỗ trợ chăn, quần áo ấm, thuốc men và thực phẩm khẩn cấp.
Gia đình chị Dương A Múi, 32 tuổi, ở thôn Nhọt Nặm, xã Công Sơn, có 5 người thì chỉ một mình chị A Múi đủ sức đi nương rẫy, người chồng tâm thần nằm một chỗ. Còn lại 3 đứa con nhỏ từ 5 đến 12 tuổi ăn không đủ no nhưng nhờ có trợ cấp của nhà nước nên vẫn được đến trường.
Những ngày giá rét này, các con chị nghỉ học ngồi ríu rít chuyện trò bên bếp lửa cùng mẹ. A Múi có 2 sào ruộng bậc thang nhưng đất xấu toàn đá sỏi, một năm làm được 2 vụ lúa thu hoạch được trung bình 8 tạ thóc, cả nhà sống chủ yếu bằng trợ cấp của nhà nước.
Khi chúng tôi đến thăm, A Múi vội vàng giấu đi bát cháo loãng đang múc dở cho con và ngượng ngùng ngồi nghiêng để che bớt chỗ rách trên chiếc áo mỏng. A Múi nói: Trời rét quá, chưa bao giờ băng tuyết xuống đến khu vực này mà nay phủ kín khắp nơi. Nếu trời không rét, mình còn đi nương trồng ngô và làm ruộng được. Mấy ngày hôm nay, chỉ biết ngồi cạnh bếp lửa cả ngày thôi.
Tại Trạm y tế xã Công Sơn, cơ sở vật chất còn sơ sài với 3 phòng gói gọn trong diện tích 47 mét vuông, vừa làm việc vừa khám chữa bệnh. Do xây đã lâu, cán bộ Trạm y tế xã dùng 2 phòng bị dột nát để làm việc, phòng còn lại tương đối kín gió và sạch sẽ để thăm khám bệnh nhân. Chị Bàn Thị Viên, Trưởng Trạm y tế xã Công Sơn cho biết: Toàn xã có 260 hộ nhưng tủ thuốc của Trạm chỉ còn 60 hộp dầu cao Sao Vàng. Trung bình 4 hộ dân chung nhau một hộp để bôi cho những người cảm lạnh hoặc quá yếu.
Đối với trâu, bò và gia súc trong xã, mặc dù đã áp dụng nhiều biện pháp phòng chống rét nhưng do băng tuyết kéo dài, đến thời điểm hiện tại trên địa bàn xã Công Sơn đã có 11 con trâu, bò bị chết do giá rét. Chị Hà Thị Thành, cán bộ nông nghiệp xã Công Sơn cho biết: Do điều kiện kinh tế nhiều hộ dân còn khó khăn, nhiều gia đình không đủ tiền và nhân lực để xây chuồng kiên cố hay đi cắt cỏ thêm cho trâu bò ăn nên đã có hiện tượng trâu bò chết rét. Hầu hết các hộ dân đã gia cố chuồng trại bằng phên tre, vải nilon và đốt lửa sưởi cho trâu khi có băng tuyết. Việc nấu cháo, cám nóng cho trâu bò ăn để tăng sức đề kháng hầu như không có, nhiều hộ vẫn còn thiếu ăn…
Tài sản lớn nhất của gia đình anh Triệu Sáng Sình, ở thôn Nhọt Nặm, xã Công Sơn, là 1 con trâu 3 tuổi. Anh Sình cho biết: Những ngày này chỉ biết đi xin thêm bạt ni lon quây lại chống rét cho trâu. Nửa đêm và rạng sáng thì ra chuồng đốt cho nó ít lửa sưởi ấm. Do ruộng ít nên không tích trữ đủ rơm rạ, ngày nào anh cũng phải lên đỉnh núi cắt thêm cỏ về cho trâu ăn.
Trước diễn biến phức tạp của tình hình thời tiết, ngày 24/1, UBND tỉnh Lạng Sơn đã gửi công điện khẩn chỉ đạo UBND các huyện Cao Lộc, Lộc Bình sử dụng nguồn kinh phí dự phòng hỗ trợ gạo cho hộ dân các xã thuộc vùng núi cao, băng tuyết bám dày là Công Sơn, Mẫu Sơn… mỗi hộ 5kg gạo để nấu cháo cho gia súc ăn chống rét.
Theo thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lạng Sơn đến thời điểm 18h ngày 26/1, trên địa bàn toàn tỉnh đã có hơn 500 con gia súc bị chết do giá rét.