Để vốn vay ưu đãi phát huy hiệu quả
Từ trung tâm huyện Chư pưh (Gia Lai) về xã IA HLa mất hơn chục cây số đường rừng ghập ghềnh. Nhưng vào mùa mưa, xe máy hay ô tô đều không thể đi được nên các cán bộ Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) mỗi lần về xã giao dịch lại phải đi vòng qua huyện Chư sê thành 30 km. Như để động viên cánh phóng viên chúng tôi vì quãng đường dài hơn gấp đôi, chị Lê Thị Thanh, Giám đốc Phòng giao dịch NHCSXH Chư pưh bảo: "Đường này chị đi xử lý nợ miết à!".
Buổi giao dịch định kỳ hàng tháng của NHCSXH tại xã IA Hla. |
Đi với cán bộ ngân hàng chính sách mới thấy công việc của họ không chỉ đơn thuần là cho vay và thu nợ, mà đôi khi giống công tác dân vận nhiều hơn. Mang tiền về tận xã, vận động các hộ nghèo và đối tượng chính sách vay vốn ưu đãi, không phải thế chấp tài sản, thủ tục nhanh gọn; rồi cán bộ NHCSXH còn phối hợp với chính quyền, các hội đoàn thể hướng dẫn hộ vay cách làm ăn, sử dụng vốn đúng mục đích, hiệu quả. Với các hộ chây ì, cán bộ ngân hàng lại phải kiên trì tuyên truyền, thuyết phục để người vay hiểu rằng việc trả nợ đúng hạn sẽ giúp cho nhiều hộ nghèo khác có cơ hội được vay vốn để thoát nghèo.
Vì thế, những dấu chân không mỏi mệt của cán bộ Phòng giao dịch Chư pưh đến các làng đồng bào Jrai, Bahnar đã giúp cho chất lượng tín dụng chính sách trên địa bàn huyện Chư pưh đứng hàng đầu của tỉnh Gia Lai. Mấy năm trước, khi mới tách huyện, nợ quá hạn của Phòng giao dịch là gần 1 tỷ đồng trên tổng dư nợ 60 tỷ đồng. Nhưng bằng nhiều giải pháp, nhất là việc triển khai Đề án củng cố chất lượng tín dụng chính sách, đến nay Phòng giao dịch Chư pưh là đơn vị duy nhất không có nợ quá hạn của Chi nhánh NHCSXH tỉnh Gia Lai, mà tổng dư nợ tăng lên hơn 156 tỷ đồng.
Anh Hnich, dân tộc Bahnar, ở làng K'Tăng, xã K'Dang, huyện Đắk Đoa (Gia Lai) chăm sóc vườn tiêu từ nguồn vốn vay ưu đãi. |
Chúng tôi gặp anh Rah Lan Thuân, dân tộc Jrai, ở làng Mung, xã IA HLa vừa được giải ngân 8 triệu đồng theo chương trình cho vay hộ đồng bào dân tộc thiểu số vùng đặc biệt khó khăn theo Quyết định 54 của Thủ tướng Chính phủ. Anh Rah Lan Thuân cho biết, trước đây gia đình anh có 200 trụ tiêu nhưng rồi dịch bệnh chết hết. Hồi đầu năm 2015, anh được NHCSXH cho vay 20 triệu đồng để chuyển sang trồng cà phê. Với khoản tiền mới giải ngân hôm nay, anh sẽ đầu tư mua bò nuôi. Cũng ở làng Mung, chị Siu H' Mel đã có 300 gốc cà phê (1 ha trồng được khoảng 900 gốc) từ nguồn vốn cho vay hộ nghèo. Chị Siu H' Mel nói: "Nếu không có ngân hàng chính sách cho vay vốn thì ông trời cho từng nào chỉ biết ăn từng đó thôi". Còn ở làng Tai pêr, chị Siu H Ami, Tổ trưởng Tổ tiết kiệm và vay vốn thuộc Hội Phụ nữ xã quản lý, cho biết, tổ có 54 hộ với dư nợ 1 tỷ 372 triệu đồng. Trong phiên giao dịch này, tổ chị có hai hộ mới thoát nghèo được vay vốn theo Quyết định 28 của Thủ tướng Chính phủ để tiếp tục đầu tư phát triển sản xuất, thoát nghèo bền vững.
Thoát nghèo bền vững
Chương trình cho vay hộ mới thoát nghèo theo Quyết định 28 của Thủ tướng Chính phủ là chương trình tín dụng chính sách mới nhất vừa có hiệu lực từ ngày 5/9/2015 và được nhân dân, chính quyền các địa phương vui mừng đón nhận. Chúng tôi đến thăm gia đình anh Hnich, dân tộc Bahnar, ở làng K'Tăng, xã K'Dang, huyện Đắk Đoa (Gia Lai) khi anh vừa trên rẫy về. Anh Hnich trước đây là hộ nghèo. Năm 2009 anh được vay 6 triệu đồng từ NHCSXH để trồng cà phê. Sau nhiều năm chăm chỉ làm ăn, đến nay gia đình anh đã có 600 gốc cà phê và thoát nghèo. Trả hết nợ cũ, anh tiếp tục được vay 10 triệu đồng theo chương trình hộ mới thoát nghèo. Dẫn chúng tôi ra vườn cạnh nhà, anh khoe đã trồng thêm được 20 trụ tiêu, số tiền còn lại để dành mua phân bón chăm sóc cây. Anh Hnich tâm sự: "Nếu Nhà nước không cho mình vay thì người ta cũng không cho mình vay đâu, không biết cách nào thoát nghèo".
Anh Đan, Chủ tịch Hội Nông dân xã K'Dang, cho chúng tôi biết thêm, Hội Nông dân xã có 13 tổ tiết kiệm và vay vốn với tổng dư nợ với NHCSXH là trên 6,2 tỷ đồng và không có tổ xếp loại yếu kém. Cùng với các buổi giao dịch của ngân hàng ở xã, Hội Nông dân cũng tổ chức các lớp tập huấn khuyến nông để bà con biết cách chăm sóc cà phê, tiêu, phát triển chăn nuôi...
Cùng chung niềm vui được tiếp tục vay vốn, chị Hoàng Thị Huyền, ở thôn 5, thị trấn Đăk Đoa, kể: Hồi trước, muốn vay vốn ngân hàng thương mại để đầu tư trồng cà phê nhưng cán bộ tín dụng đến thẩm tra bảo "nhà nghèo thế này sợ cho vay không có trả". Nhờ vốn vay từ NHCSXH không cần tài sản thế chấp, gia đình chị đã thoát nghèo vào năm 2013. Nhưng khi không còn được tiếp cận nguồn vốn ưu đãi mà tài sản tích luỹ chưa nhiều thì để chăm sóc cà phê chỉ còn cách vay ngoài với lãi suất rất cao, 30.000 đồng/1 triệu đồng/tháng. Nay với 30 triệu đồng vốn cho hộ mới thoát nghèo vừa được giải ngân cuối tháng 9/2015, chị Huyền rất phấn khởi nói: "Nhà nước cho vay lãi suất rất phù hợp, tôi đã đủ tiền mua phân bón chăm sóc đợt cuối của mùa thu hoạch năm nay".
Ông Lê Văn Chí, Giám đốc NHCSXH chi nhánh tỉnh Gia Lai cho biết, đến nay tổng dư nợ cho các đối tượng chính sách vay trên địa bàn đã đạt xấp xỉ 3.000 tỷ đồng, với 137.000 hộ vay, chủ yếu là các chương trình cho hộ nghèo, cận nghèo, hộ sản xuất kinh doanh vùng khó khăn, học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn vay vốn học tập... Đặc biệt là nguồn vốn cho hộ mới thoát nghèo vay đã lấp được khoảng trống về thị trường vốn ở nông thôn khi các hộ mới thoát nghèo không được tiếp tục vay vốn chính sách nhưng cũng chưa đủ khả năng để vay vốn ngân hàng thương mại. Tuy nhiên ông Chí cũng trăn trở, nhu cầu vốn của đồng bào còn lớn, nhất là sắp tới chuẩn nghèo sẽ được nâng lên.