Cách Hà Nội khoảng 25 km, thôn Minh Khai (hay còn gọi là làng Khoai, thị trấn Như Quỳnh, huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên) lâu nay được biết đến là làng tái chế nhựa, nilon. Đáng chú ý, hơn 80% số hộ nơi đây làm nghề tái chế nhựa, công việc này tạo kế sinh nhai cho hơn 6.400 lao động, hoạt động sản xuất chủ yếu trong khu dân cư.
Thống kê của Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Hưng Yên, đến nay, hoạt động sản xuất, tái chế nhựa diễn ra liên tục, với khối lượng khoảng 600 - 650 tấn/ngày. Sản phẩm chính được sản xuất tại đây gồm: Ống nhựa, túi nilông, hạt nhựa, màng mỏng, lưới, cốc, hộp...
Video phóng viên ghi nhận tại làng tái chế nhựa Minh Khai:
Đáng quan ngại, chất thải rắn phát sinh trong quá trình thu mua, tái chế phế liệu lên tới gần 70 tấn/ngày, nhưng không được thu gom, xử lý theo quy định, được tập kết tại các khu đất trống, dọc hai bên đường. Nước thải phát sinh gồm nước thải sinh hoạt, nước thải sản xuất trong quá trình rửa nguyên liệu, xay và tạo hạt được thải trực tiếp ra môi trường, với lưu lượng khoảng 7.000 m3/ngày đêm; lượng rác thải phát sinh tồn đọng ở làng nghề lên đến hàng chục nghìn tấn. Do vậy, tình trạng ô nhiễm môi trường tại địa phương ngày càng giá tăng, ảnh hường đến cuộc sống của người dân.
Thực tế nhiều năm qua, UBND huyện Văn Lâm đã xây dựng Cụm công nghiệp làng nghề Minh Khai giai đoạn 1 với diện tích 11 ha, đã có khoảng 145 hộ di chuyển ra cụm công nghiệp làng nghề. Đến năm 2013, huyện Văn Lâm tiếp tục thực hiện giai đoạn 2 dự án trên diện tích 18 ha, dự kiến đưa 290 hộ sản xuất trong làng ra cụm công nghiệp làng nghề. Tuy nhiên, việc tổ chức thực hiện chưa đồng bộ, lỏng lẻo, thiếu kiên quyết của các cấp chính quyền, dẫn đến công tác bảo vệ môi trường chưa được thực hiện.
Theo Quyết định số 64/2003/QĐ-TTg ngày 22/4/2003 của Thủ tướng Chính phủ, làng nghề tái chế nhựa Minh Khai (tỉnh Hưng Yên) nằm trong danh sách các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng. Thế nhưng đến nay, tình trạng ô nhiễm môi trường ở đây không những chưa được cải thiện, mà ngày càng trầm trọng, trở thành vấn đề khiến dư luận bức xúc, cần sớm được các cấp chính quyền địa phương xử lý dứt điểm.