Tỉnh Lạng Sơn có 7 dân tộc anh em cùng sinh sống, trong đó dân tộc Nùng chiếm 43,9%, Tày chiếm 35,3%, Kinh chiếm 15,3%, còn lại là các dân tộc khác. Mỗi dân tộc đều có những nét văn hóa đặc sắc, thể hiện trong đám cưới, các ngày lễ Tết, các món ăn ẩn thực... Thời gian qua, việc thực hiện Quy ước tạm thời thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang của UBND tỉnh Lạng Sơn đã đi vào cuộc sống, do vậy việc cưới, việc tang đã gắn với thực hiện nếp sống văn minh; các hủ tục lạc hậu, mê tín dị đoan, rườm rà, gây tốn kém thời gian và công sức dần được loại bỏ.
Đám cưới của người Nùng ở Lạng Sơn. Ảnh: baolangson.gov |
Đối với việc cưới, bà con thực hiện đúng quy định về đăng ký, cấp giấy kết hôn tại trụ sở UBND xã, phường, thị trấn; tổ chức cưới thường chỉ trong một ngày; mỗi đám cưới làm khoảng 30 - 50 mâm cỗ, không mời thuốc lá, tình trạng say rượu giảm nhiều. Các nghi lễ theo phong tục trước và sau khi cưới được tổ chức giản tiện, vui vẻ, lành mạnh. Trang phục cô dâu, chú rể theo truyền thống dân tộc được khôi phục ở một số nơi, điển hình như dân tộc Sán Chỉ ở xã Nhượng Bạn, dân tộc Dao ở xã Mẫu Sơn và xã Ái Quốc huyện Lộc Bình, dân tộc Tày ở huyện Bắc Sơn...
Trong việc tang, đồng bào các dân tộc sinh sống trên địa bàn đã có nhiều hình thức sáng tạo, xóa bỏ hủ tục lạc hậu. Các hội hiếu, hàng phe thôn bản, khối phố tiếp tục được duy trì và ngày càng có vai trò quan trọng trong việc thực hiện nếp sống văn minh trong việc tang. Tang lễ được thực hiện đúng quy định, nghi thức thày mo, thày tào cũng đã được cải tiến; việc tổ chức phúng viếng đã hạn chế vòng hoa, bức trướng... Một số địa phương đã tổ chức thực hiện hình thức hỏa táng thay cho địa táng. Các tuần tiết sau đám tang như 3 ngày, 49, 100 ngày... về cơ bản không còn rườm rà như trước, tổ chức gọn nhẹ hơn.
Ông Mai Xuân Tú, Giám đốc Trung tâm Văn hóa - Thể thao huyện Đình Lập cho biết: Đồng bào dân tộc Dao đã thực hiện tốt nét truyền thống trong tổ chức lễ tang đó là “Tiền táng, hậu lễ”. Khi có người mất, gia đình sẽ tổ chức chôn cất người chết trước khi mặt trời mọc, đến khi nào có điều kiện mới làm ma chay. Đây là nét tích cực và tiến bộ cần phải được nghiên cứu phổ biến.
Ông Hoàng Văn Páo, Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Lạng Sơn, cho biết: Tuy nhiên, việc thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang trên địa bàn vẫn còn bị ảnh hưởng ít nhiều do những hủ tục, lạc hậu của đồng bào. Đó là còn xảy ra tình trạng tảo hôn, thách cưới, cưới không có hôn thú. Một số đám cưới tổ chức linh đình, mời đông khách, ở một số vùng đô thị còn hiện tướng thương mại hóa trong việc cưới... Trong việc tang vẫn còn một số địa phương, chủ yếu là ở vùng sâu, vùng xa để thi hài người chết dài ngày; hiện tượng cúng ma, yểm bùa, đốt, rải vàng mã, thậm chí là tiền thật vẫn còn...
Để khắc phục những tồn tại trên, thời gian tới tỉnh Lạng Sơn đẩy mạnh cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”; các cấp ủy, chính quyền tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo và tuyên truyền về xây dựng đời sống văn hóa cơ sở, thực hiện nếp sống văn hóa, văn minh trong việc cưới, việc tang.
Bên cạnh đó, tiếp tục nghiên cứu phát huy các giá trị tiến bộ của luật tục trong công tác xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư; hướng dẫn thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang; hạn chế, bài trừ các hủ tục lạc hậu, mê tín dị đoan. Các cấp, ngành tuyên truyền, phổ biến sâu rộng đến cán bộ, công nhân viên chức về các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước về tôn giáo, tín ngưỡng và thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang.
Lạng Sơn cũng nghiên cứu bổ sung quy chế thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang phù hợp với bản sắc văn hóa dân tộc từng địa bàn; tổ chức sơ kết, tổng kết để rút kinh nghiệm trong quá trình thực hiện và có hình thức động viên, khen thưởng các tập thể, cá nhân có nhiều thành tích trong việc thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang.