Hiện nay ở tỉnh Lai Châu nhiều bản người Mông đã chuyển sang ăn Tết theo người Kinh, người Thái, chỉ có một số bản còn lưu lại nét văn hóa truyền thống của dân tộc mình là tổ chức ăn Tết vào đầu tháng 12 âm lịch hàng năm. Tết của dân tộc Mông còn lưu giữ lại những nét đặc sắc cổ truyền của dân tộc mình với những giá trị tâm linh vốn có từ ngày xưa. Ăn Tết là dịp con cháu thờ cúng tạ ơn, cầu nguyện tổ tiên phù hộ để năm mới gặp nhiều may mắn hơn, các thành viên gia đình mạnh khỏe, mùa vụ bội thu, con vật phát triển đầy đàn.
Các gia đình tiến hành dán giấy vàng ở cửa và xà nhà để xua đuổi tà ma. |
Dán giấy bản cho các công cụ sản xuất để nó được thay áo mới và nghỉ ngơi. |
Theo quan niệm của dân tộc, tháng 12 là tháng vui chơi, ăn Tết thờ cúng tổ tiên, cho các nông cụ và mọi vật dụng trong gia đình được nghỉ ngơi sau một năm làm lụng vất vả; còn tháng Giêng là tháng đi làm phát nương cày bừa, tháng 2 và 3 là tháng gieo trồng mùa vụ.
Khi làm gà nhổ 3 nhúm lông cổ dán lên tấm giấy vàng nơi bàn thờ để tổ tiên. |
Cúng gọi hồn các thành viên trong gia đình đi chơi xa thì về ăn tết năm mới. |
Dùng chiếc sừng trâu bổ dọc để làm ấm dương khất xin với tổ tiên. |
Đầu năm, các cụ già cạo tóc để có một năm mới mát mẻ và mạnh khoẻ. |
Tết được tổ chức ăn trong 4 ngày, ngày 30 là ngày dọn dẹp nhà cửa, bàn thờ tổ tiên, mổ lợn gà, làm bánh dày để cúng tổ tiên và cả gia đình quây quần ăn bữa cơm cuối năm vui vẻ. Đặc biệt, ngoài dán giấy vàng mới nơi bàn thờ, bếp nấu, cửa ra vào, chuồng lợn, chuồng gà thì các nông cụ như: Cuốc, thuổng, dao phát… được rửa sạch dán giấy bản lên bỏ ở góc nhà. Với ý nghĩa, dán giấy vàng ở cửa để sang năm mới không cho ma ngoài vào quấy nhiễu gia đình, vật nuôi; còn các vật dụng khác thì được mặc áo mới nghỉ ngơi cùng với gia chủ. Sang ngày mùng một, mùng hai, mùng ba, các gia đình đến các nhà trong bản để chúc Tết, nhà nào có nhiều người đến thì năm mới đó sẽ có nhiều niềm vui và may mắn hơn năm cũ. Ngoài ra, mọi người còn ăn mặc đẹp, tụ tập nơi bãi bằng đầu bản để chơi các trò chơi dân gian, con gái thì ném còn, con trai thì đánh tulu và thổi khèn, thổi sáo, múa hát… Dân bản có thể nghỉ ngơi vui chơi cho hết tháng mới bắt đầu đi làm. Tuy nhiên, nếu tháng đó thiếu chỉ có 29 ngày mà trùng vào ngày con chó, con ngựa, con trâu thì để lùi lại ngày sau mới tổ chức Tết.
Các cô gái hào hứng thể hiện tài khéo leo tung và bắt quả còn. |
Món thịt chuột sấy là món ăn khoái khẩu của đồng bào Mông
Các em nhỏ tập trung múa trình diễn cho mọi người xem và cổ vũ. |
Các chàng trai rình các cô gái mà mình yêu thích để cướp về làm vợ. |
|
Trong dịp năm mới chơi vui, các chàng trai còn rủ nhau đi cướp vợ. Nếu cô gái được cướp về nhà đưa vào buồng mà không phản đối như nhịn ăn, khóc lóc tức là đồng ý làm dâu thì nhà trai sẽ tiến hành tổ chức đám cưới để đôi nam nữ ấy được kết duyên nên vợ thành chồng. Năm mới nhà có thêm lao động sản xuất, gia đình sẽ có thêm niềm vui...
Bài và ảnh: Việt Hoàng