Đây là các hộ dân cư trú trên địa bàn huyện Tuy Đức, Đắk Mil, tỉnh Đắk Nông; thôn 8, xã Bù Gia Mập, huyện Bù Gia Mập, tỉnh Bình Phước. Buổi đối thoại này được tổ chức nhằm giải quyết các kiến nghị của bà con được trở về tái lập bon cũ tại xã Quảng Trực, huyện Tuy Đức, tỉnh Đắk Nông và được cấp đất ở, đất sản xuất.
Tại buổi đối thoại, đại diện cho các hộ dân đã đề đạt nguyện vọng được trở về sinh sống ở bon cũ tại tiểu khu thuộc tiểu khu 1487 và 1500 thuộc lâm phần quản lý của Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Lâm nghiệp Nam Tây Nguyên, xã Quảng Trực huyện Tuy Đức, tỉnh Đắk Nông. Lý do bà con đưa ra là về đây sinh sống để chăm sóc phần mồ mả tổ tiên theo phong tục.
Đại diện các hộ dân cho rằng, ông bà họ đã từng sống ở đây (bon Bu Nga, Bu Nang) nhưng do chiến tranh phải di chuyển sang Bình Phước. Từ năm 2009 đến nay, các hộ dân đã có đơn gửi chính quyền 2 tỉnh xin được trở về quê cũ để sinh sống.
Đại diện chính quyền hai tỉnh Đắk Nông và Bình Phước đã phân tích , khẳng định tạo điều kiện hết mức để bà con phát triển sản xuất, ổn định cuộc sống; đồng thời khẳng định sẽ xử lý nghiêm những hành vi vi phạm pháp luật.
Ông Trương Thanh Tùng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông đối thoại với bà con. Ảnh: Ngọc Minh/TTXVN |
Ông Huỳnh Anh Minh, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Phước phân tích, các hộ dân đã sống trên địa bàn tỉnh Bình Phước nhiều năm thì đây cũng chính là quê hương của bà con. Trong thời gian qua, tỉnh Bình Phước luôn chăm lo, tạo mọi điều kiện tốt nhất để phát triển sản xuất, bảo đảm đời sống của người dân, nhất là ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng biên giới. Hiện nay, các hộ dân đang sinh sống tại xã Bù Gia Mập có đời sống tương đối ổn định.
Tại thôn Bù Nga (thôn 8) điện, đường, trường học, trạm xá đã được xây dựng phục vụ đời sống dân sinh. UBND tỉnh Bình Phước mong muốn các đồng bào ở lại làm ăn, sinh sống. UBND tỉnh và huyện Bù Gia Mập sẽ tiếp tục tạo điều kiện để bà con ổn định cuộc sống. Những hộ dân chưa có đất ở, nhà ở thì UBND tỉnh Bình Phước sẽ xem xét bố trí. Còn việc các hộ đề nghị trở về quê cũ, vùng đất này nay là diện tích rừng do Nhà nước quản lý. Chính phủ đã cấm phá rừng, nếu phá rừng là vi phạm pháp luật.
Phát biểu kết luận buổi đối thoại, ông Trương Thanh Tùng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông đã thay mặt UBND tỉnh và lãnh đạo các cơ quan 2 tỉnh (Đắk Nông và Bình Phước) cảm ơn các hộ dân đã đến tham gia đối thoại, chia sẻ những khó khăn của bà con.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Nông khẳng định: Tất cả các ý kiến của bà con và của các cơ quan chức năng 2 tỉnh đều thể hiện đa số bà con có đất ở, đất sản xuất, đời sống ổn định tại tỉnh Bình Phước, các hộ cũng không đề cập đến đất sản xuất. Do đó, tỉnh Đắk Nông không xem xét kiến nghị trở về quê cũ của bà con vì khu vực bà con xin về nơi ở cũ là rừng thường xanh có trữ lượng trung bình và giàu.
Mặt khác, hiện nay, xã Bù Gia Mập đang được tỉnh Bình Phước tập trung đầu tư xây dựng nông thôn mới, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho bà con, nên đề nghị bà con ổn định cuộc sống ở nơi ở mới, xây dựng quê hương mới giàu đẹp.
Đại diện các hộ dân phát biểu ý kiến tại buổi đối thoại. Ảnh: Ngọc Minh/TTXVN |
Thay mặt lãnh đạo 2 tỉnh, ông Trương Thanh Tùng yêu cầu UBND huyện Bù Gia Mập (Bình Phước) và các huyện Tuy Đức, Đắk Mil ( Đắk Nông) khẩn trương rà soát các hộ mới tách đang thiếu đất sản xuất để xem xét ổn định đời sống, ổn định sản xuất cho các hộ dân theo quy định. Hai tỉnh cần tăng cường công tác tuyên truyền, vận động người dân chấp hành pháp luật, phối hợp chặt chẽ với nhau trong công tác quản lý dân cư vùng giáp ranh, tránh tình trạng dân di cư tự do gây mất an ninh trật tự.
UBND tỉnh Đắk Nông chỉ đạo Công ty Lâm nghiệp Nam Tây Nguyên khoanh lại 7 điểm có mồ mả, không được tác động để tạo rừng thiêng cho bà con thăm viếng, chăm sóc theo phong tục tập quán; nghiêm cấm các hộ dân trở về quê cũ phá rừng, lấn chiếm đất, nếu ai vi phạm thì xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật. Yêu cầu bà con nhanh chóng dỡ bỏ lán trại, rời khỏi khu vực tại các tiểu khu 1500, 1487 thuộc lâm phần quản lý của Công ty Lâm Nghiệp Nam Tây Nguyên. Yêu cầu Chi cục Kiểm lâm, UBND huyện Tuy Đức và các cơ quan chức năng tăng cường công tác quản lý, bảo vệ rừng, ngăn chặn và xử lý nghiêm những hộ dân vi phạm theo quy định của pháp luật.
Trước đó, ngày 10/1/2017, khoảng 60 hộ dân đồng bào dân tộc M’nông ( ở thôn 8, xã Bù Gia Mập, huyện Bù Gia Mập, tỉnh Bình Phước và ở các huyện Tuy Đức, Đắk Mil, tỉnh Đắk Nông) đã tự ý kéo nhau vào tiểu khu 1487 thuộc lâm phần quản lý của Công ty TNHH MTV Lâm nghiệp Nam Tây Nguyên, xã Quảng Trực, huyện Tuy Đức, tỉnh Đắk Nông để chia đất, lập lán trại, đòi tái lập lại bon cũ, được cấp đất ở và đất sản xuất. Tuy nhiên, vụ việc đã được các lực lượng chức năng tỉnh Đắk Nông phát hiện và ngăn chặn kịp thời.