Cuộc vận động đồng bào dân tộc Mông “ăn chung một Tết” Nguyên đán của dân tộc được tỉnh Yên Bái thực hiện từ năm 2013 đã được nhân dân trong tỉnh, đặc biệt là đồng bào dân tộc Mông hưởng ứng tích cực. Sau 4 năm thực hiện, 100% đồng bào Mông ở các thôn, bản của tỉnh đều tổ chức “ăn chung một Tết” Nguyên đán cùng các dân tộc khác.
Đồng bào Mông tập trung về các bãi đất trống trong bản để xem các tiết mục văn nghệ. Ảnh: Lê Hữu Quyết - TTXVN |
Ông Giàng A Câu, Trưởng ban Dân tộc tỉnh Yên Bái cho biết: Trước kia đồng bào dân tộc Mông tại tỉnh đều ăn cả hai Tết gồm Tết của người Mông và Tết cổ truyền của dân tộc Việt Nam, trong đó Tết của Người Mông kéo dài tới cả tháng. Từ khi thực hiện chỉ đạo của UBND tỉnh Yên Bái về "ăn chung một Tết", người dân đã ủng hộ. Một phần do Tết của đồng bào dân tộc Mông trùng với thời điểm sản xuất vụ Đông Xuân, một phần do con đi học xa nếu ăn Tết sẽ không có đầy đủ gia đình và bỏ bê sản xuất. Ăn chung một Tết không phá vỡ bản sắc văn hóa mà còn phù hợp với điều kiện sản xuất, sinh hoạt, tiết kiệm chống lãng phí cho đồng bào dân tộc Mông. Những năm trước phải đi vận động người dân nhưng đến năm nay đồng bào đã ý thức được ý nghĩa của việc "ăn chung một Tết" nên rất ủng hộ.
Thực tế cho thấy việc thay đổi “ăn chung một Tết” của đồng bào dân tộc Mông ở Yên Bái trong Tết Bính Thân năm 2016 đã được đồng bào người Mông tự nguyện thực hiện, coi đây như Tết cổ tuyền của chính dân tộc mình. Trong Tết họ cũng làm đầy đủ các thủ tục truyền thống như ăn Tết của người Mông bởi họ đã nhận ra được cái hay, cái tốt, lợi ích thiết thực của ăn Tết chung. Hơn nữa, đồng bào có thời gian sản xuất vụ Đông Xuân, con em không phải nghỉ học dài ngày; có điều kiện tham gia, thưởng thức các hoạt động văn hóa, văn nghệ, thể thao cùng các dân tộc khác và quảng bá được tinh hoa văn hóa của dân tộc mình, tiết kiệm được cả thời gian, vật chất mà không ảnh hưởng đến việc giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc.
Ông Thào A Chểnh, Trưởng thôn người Mông Suối Giao, xã Xà Hồ, huyện Trạm Tấu, tỉnh Yên Bái chia sẻ: Trước đây người Mông ăn Tết sớm nên nhiều trẻ em bỏ học để ăn Tết, ảnh hưởng tới việc học. Những gia đình có người đi làm không được về ăn Tết cùng gia đình sẽ kém vui. Bây giờ ăn chung một Tết gia đình đầy đủ người hơn, ngày Tết chung các thôn, bản, xã đều tổ chức các chương trình vui chơi nên cũng vui hơn. Còn ông Vũ Thanh Bình, Hạt trưởng hạt Kiểm lâm Trạm Tấu hồ hởi: Trước đây người Mông ăn Tết sớm đúng vào thời vụ sản xuất nên họ bỏ bê công việc. Đến Tết cổ truyền của dân tộc họ mới đi làm nương, đốt rẫy vì vậy cán bộ kiểm lâm rất vất vả.
Để có được kết quả trên, trước hết là sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị từ tỉnh tới cơ sở làm tốt công tác tuyên truyền, vận động; đồng thời biết lắng nghe tâm tư tình cảm, nguyện vọng chính đáng của nhân dân. Vai trò của già làng, trưởng thôn, bản và người có uy tín, trưởng dòng họ cùng với sự gương mẫu của cán bộ, đảng viên, công chức là người dân tộc Mông ở các xã được phát huy trong việc tự giác chấp hành tốt chủ trương của tỉnh Yên Bái về cuộc vận động này.
Các sở, ban ngành, các địa phương của tỉnh Yến Bái tiếp tục vào cuộc để đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động đồng bào tiếp tục ăn chung một Tết cùng với các dân tộc anh em khác. Cấp ủy, chính quyền, đoàn thể, nhất là những địa phương có đồng bào dân tộc Mông sinh sống cần tiếp tục tuyên truyền, vận động đồng bào thực hiện có hiệu quả chủ trương của tỉnh; chăm lo, động viên, giúp đỡ, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng và giải quyết kịp thời những vướng mắc của đồng bào. Đồng thời, phát huy vai trò của già làng, trưởng thôn, bản và người có uy tín trong dòng họ để tuyên truyền, vận động đồng bào cùng “ăn chung một tết” Nguyên đán. Lãnh đạo tỉnh Yên Bái, các sở, ban ngành, đoàn thể và tổ chức chính trị xã hội, các địa phương hiện đang chuẩn bị tổ chức các hoạt động văn hóa văn nghệ, thể dục thể thao, chăm lo đối tượng nghèo... đảm bảo mọi người, mọi gia đình đều có Tết, tạo bầu không khí phấn khởi trong nhân dân.