Tuyên Quang chăm lo cho đồng bào dân tộc thiểu số

Là tỉnh miền núi có 22 dân tộc anh em cùng chung sống, hơn 50% dân số là dân tộc thiếu số (DTTS), kinh tế chủ yếu là làm nông nghiệp; tỉnh Tuyên Quang đã xác định phát triển kinh tế, xã hội vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào DTTS là một trong những nhiệm vụ trọng tâm để nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho đồng bào.

Đồng bào các dân tộc tỉnh Tuyên Quang áp dụng khoa học, kỹ thuật vào sản xuất nâng cao giá trị sản phẩm.



Ông Phạm Trung Cương, Phó trưởng Ban Dân tộc tỉnh Tuyên Quang cho biết: Mặc dù còn nhiều khó khăn, nhưng trong những năm qua, Tuyên Quang đã tập trung thực hiện các chương trình, huy động mọi nguồn lực hỗ trợ vay vốn sản xuất, hỗ trợ kiến thức tổ chức sản xuất, chăn nuôi, làm mới và sửa chữa nhà ở cho hộ nghèo…

Từ năm 2009 đến nay, toàn tỉnh Tuyên Quang có 3.567 hộ DTTS nghèo vay vốn phát triển sản xuất, với số tiền gần 19,8 tỷ đồng. Tỉnh cũng hỗ trợ làm mới gần 10.000 nhà ở cho hộ nghèo, chủ yếu là hộ DTTS, với tổng kinh phí hỗ trợ gần 162,6 tỷ đồng; 100% học sinh nghèo được miễn giảm học phí và các khoản đóng góp; 100% người nghèo được cấp thẻ bảo hiểm y tế… Năm 2011 tỷ lệ hộ nghèo của tỉnh Tuyên Quang là 34,83%, đến năm 2013 giảm còn 17,93%. Tỉnh phấn đấu đến hết năm 2014 tỷ lệ hộ nghèo giảm còn 14,15%.

Tỉnh Tuyên Quang trú trọng dạy nghề cho đồng bào các dân tộc thiểu số trong tỉnh.



Tuyên Quang xác định xây dựng cơ sở hạ tầng là điều kiện cơ bản để thúc đẩy phát triển kinh tế, nâng cao đời sống vùng đồng bào các dân tộc. Sau 3 năm thực hiện xây dựng nông thôn mới, đồng bào các dân tộc trong tỉnh đã đoàn kết, tự nguyện hiến đất, đóng góp công sức để hoàn thành trên 2.200 km đường bê tông nông thôn, hiện nay 100% số xã của tỉnh có đường ô tô đến trung tâm. Hệ thống giao thông phát triển góp phần thúc đẩy kinh tế, văn hóa, xã hội, tạo điều kiện cho đồng bào trao đổi, giao lưu hàng hóa, thúc đẩy kinh tế hàng hóa phát triển, gắn với thị trường. Công tác chăm sóc sức khỏe cho đồng bào cũng được tỉnh quan tâm đầu tư, đặc biệt tại các xã vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn. Hiện nay, tất cả 141 xã, phường của Tuyên Quang có trạm y tế với hơn 700 giường bệnh; 6 bệnh viện đa khoa huyện và 3 bệnh viện đa khoa khu vực; 4 bệnh viện và 1 trung tâm phục hồi chức năng thuộc tuyến tỉnh với điều kiện cơ sở vật chất cơ bản đáp ứng được yêu cầu chăm sóc sức khỏe cho đồng bào. Tỉnh cũng ưu tiên đầu tư xây dựng các công trình đường điện cho các xã miền núi, xã có đông đồng bào DTTS, giúp gần 96% hộ dân trên địa bàn được sử dụng điện lưới quốc gia…

Tỉnh Tuyên Quang đang tiếp tục thực hiện các chính sách, chương trình đầu tư, hỗ trợ đặc thù để phát triển kinh tế, xã hội của các huyện nghèo, xã, thôn đặc biệt khó khăn. Đồng thời, tăng cường đầu tư, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, thu hút đầu tư phát triển công nghiệp chế biến, tiêu thụ sản phẩm cho đồng bào các dân tộc; thực hiện có hiệu quả các chính sách hỗ trợ đất sản xuất, vốn tín dụng phát triển sản xuất đối với hộ đồng bào dân tộc thiểu số đặc biệt khó khăn.

Bài và ảnh: Quang Cường
Để cây hồ tiêu phát triển bền vững
Để cây hồ tiêu phát triển bền vững

Hồ tiêu là một trong những loại cây kinh tế có giá trị cao ở Tây Nguyên, nhờ hồ tiêu mà nhiều hộ đồng bào đã thoát nghèo và vươn lên làm giàu trên chính mảnh đất đó.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN