Xuân đang về trên miền đất Tây Bắc của Tổ quốc. Khi muôn sắc hoa trên những sườn núi nở rộ là lúc người dân Lào Cai tạm gác lại công việc sản xuất để vui Tết, đón Xuân. Từ xa xưa, đối với người dân vùng cao Lào Cai, ngoài các nghi lễ, phong tục và ẩm thực Tết, tung còn là một hoạt động văn hóa không thể thiếu trong ngày Xuân.
Theo người già ở đây kể lại: Đã từ lâu lắm rồi, trai gái Tây Bắc khi đi làm ruộng, con trai nhổ mạ gánh đến ruộng cho con gái cấy, chàng nào thích ai thì tung mạ cho người con gái ấy. Ai may mắn bắt được thì yêu. Từ ngày ấy, hội tung còn đã không thể thiếu trong các dịp lễ, Tết của các dân tộc vùng cao nói chung. Đối với các dân tộc Tày, Mông, Giáy, cứ mỗi dịp Xuân về, các nam thanh, nữ tú lại thi nhau thêu còn, chuẩn bị tre (vầu) làm cột tung còn.
Quả còn may bằng vải dệt thủ công sợi thô, bền, nhuộm đen. Thoạt nhìn tưởng hình tròn nhưng thực ra người ta khâu bốn múi chắp lại thành cái túi rồi nhồi ruột. Nguyên liệu để nhồi bên trong quả còn tùy theo quan niệm từng địa phương. Có nơi nhồi gạo tẻ và hạt muồng, có nơi nhồi thóc và hạt bông với quan niệm thóc nuôi sống con người, bông cho sợi dệt vải. Phổ biến nhất là quả còn được làm bằng cát, cao lương, nước… tượng trưng cho 5 loại vật chất: Kim, mộc, thủy, hỏa, thổ. Quả còn có trọng lượng từ 250 - 300g. Các múi quả còn được khâu đường nẹp vải màu xanh, đỏ, vàng. Dây quả còn dài 60 – 70 cm. Một đầu dây khâu chắc chắn vào quả còn. Ruột dây tết bằng sợi lanh, bên ngoài khâu vẩn thành cái vỏ, vải màu sặc sỡ xanh, đỏ, vàng, đen. Dọc dây còn, cách mười phân lại khâu một cái dải nhỏ bằng vải có tác dụng định hướng trong khi bay, dài 10 cm rộng từ 1 - 1,5 cm, mỗi cái một màu tạo thành biểu tượng như hình con rồng bay, mang niềm tin đem lại sự phồn thịnh, hạnh phúc.
Ngày hội tung còn diễn ra trong không khí tưng bừng, náo nhiệt từ sáng mồng 1 Tết. Nhưng hầu hết các dân tộc tỉnh Lào Cai đều chọn ngày Thìn đầu năm (Âm lịch) là ngày diễn ra lễ hội xuống đồng, đồng thời tổ chức hội tung còn. Sân tung còn là bãi đất rộng, ở giữa chôn cột còn cao khoảng 9 m, ngọn cột buộc một “vòng còn” hình tròn (khung cong) đường kính 40cm, các cô gái trang trí khung còn, một mặt dán giấy đỏ (biểu tượng cho mặt trời), mặt kia dán giấy vàng (biểu tượng cho mặt trăng).
Trước khi bắt đầu cuộc chơi, thầy mo thực hiện phần nghi lễ dâng hai quả còn để tế trời đất, cầu cho bản làng yên vui, mùa màng tươi tốt, nhà nhà no ấm. Kết thúc phần nghi lễ, thầy mo cầm hai quả còn đã được tế tung lên cho mọi người tranh cướp, khai cuộc chơi ném còn năm đó. Người chơi đứng đối mặt với nhau qua cây còn, tung quả còn lọt qua vòng còn trên đỉnh cột là thắng cuộc. Đối với môn chơi này bắt buộc phải tung thủng mặt còn mới được coi là may mắn. Không chỉ là may mắn với người tung còn mà như thế là đã đem lại may mắn cho cả bản làng, hứa hẹn một năm mùa màng bội thu, cuộc sống bình yên, giống nòi mạnh giỏi...
Trước khi khép hội, thầy mo rạch quả còn thiêng (đã được tế) lấy hạt bên trong, tung lên để mọi người cùng hứng lấy vận may. Người Tày quan niệm hạt giống này sẽ mang lại mùa màng bội thu và may mắn, vì nó đã được truyền hơi ấm của những bàn tay nam nữ (âm - dương).
Hương Thu