Bây giờ vấn đề chống tiêu cực được các đồng chí lãnh đạo Đảng và Nhà nước khuyến khích thể hiện chứ thời ấy báo bị hạn chế. Thảng hoặc có viết phê phán tiêu cực cũng phải xin ý kiến cấp trên, bài phải được duyệt lên duyệt xuống rất nhiêu khê. Có thể nói Tuần Tin Tức hồi ấy là tờ báo đi hàng đầu trong công cuộc đổi mới báo chí, chống tiêu cực quyết liệt với những bài có sức nặng “búa tạ”. Những bài như “Cướp cạn giữa ban ngày” của Thơ Linh Cơ (Vũ Tâm), “Ngành than trước ngưỡng báo động” của Vũ Duy Thông; “Buông lỏng quản lý ở Nhà máy cao su Sao Vàng” của Thao Lan, “Những ngôi nhà bất minh” của Phân xã Hà Nội; “Nạn buôn đồ cổ, đồ giả cổ” mà trùm là Xuân Hải (Hải Phòng)…
Tôi nhớ bầu không khí sôi động lúc bấy giờ trong cái cảnh trước cơ quan TTXVN -số 5 Lý Thường Kiệt, ở các sạp báo bạn đọc xếp hàng dài mua báo. Công bằng mà nói, cảnh xếp hàng đó chủ yếu là tin, ảnh bóng đá như Espana chẳng hạn, nhưng với những số báo có bài chống tiêu cực thì bạn đọc chờ đón cũng đông, nhất là những địa phương, những cơ quan, những ngành có liên quan đến vụ việc đó. Họ mua vét báo, các sạp đến Phòng phát hành xin được cấp thêm báo để bán. Ở cơ sở người ta chuyền tay nhau tờ báo đến nát hoặc sao chép lại bài báo.
Bài “Cướp cạn giữa ban ngày” phê phán Đặng Đình Tám, Giám đốc một công ty kinh doanh lớn ở Thanh Hóa (sau đó một loạt bài “hậu” Đặng Đình Tám, Lan lừa) ỷ thế có “ô dù”, lộng quyền, tham ô, hủ hóa, trù bức người tố cáo. Vụ này làm uy tín của Bí thư Tỉnh ủy đương nhiệm khi đó là Hà Trọng Hòa giảm sút do bao che, bỡ đỡ những tiêu cực của Đặng Đình Tám.
Bài “Ngành than trước ngưỡng báo động” phản ánh những bê bối của ngành than trong quản lý, đời sống công nhân khó khăn, sản xuất sa sút trong khi đó tư tưởng thành tích rất nặng nề, báo cáo lên cấp trên thiếu trung thực. Vũ Duy Thông, người viết bài này có vốn sống ở vùng mỏ qua những năm làm phóng viên thường trú, sau về Tổng xã làm biên tập viên công nghiệp theo dõi ngành than, lại xây dựng được mối quan hệ chí cốt với đội ngũ cộng tác viên, thông tin viên từ vùng mỏ lên tới Bộ Điện - Than; cộng với lối viết sắc sảo nên bài viết chỉ hơn 2.000 từ mà làm rung chuyển cả dư luận bạn đọc thuộc các ngành liên quan, từ người lãnh đạo đến công nhân viên chức. Có thể nói trước đó báo chí tốn khá nhiều giấy mực mà chưa tạo nên được sự chuyển động trước công luận như bài “Ngành than trước ngưỡng báo động”. Ở Hà Nội, hai Bộ phản ứng tức thì và gay gắt. Đồng chí Nguyễn Chân, Bộ trưởng Bộ Điện - Than “lên án” bài báo “dội gáo nước lạnh” vào phong trào sản xuất than, gây cản trở cho lãnh đạo ngành. Đồng chí truy tìm người trong ngành cung cấp tài liệu, số liệu là ai? Còn Bộ trưởng Bộ Nội thương Lê Đức Thịnh bình tĩnh hơn, mời phóng viên đến hỏi thêm tình hình. Trên bàn Bộ trưởng, bản báo cáo tình hình phân phối hàng tiêu dùng của ngành và của Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ninh gửi lên thì nêu rõ “hoàn thành kế hoạch” “!”. Đồng chí chỉ thị Chánh văn phòng Bộ ngay ngày hôm sau phải thành lập một đoàn thanh tra của Bộ về vùng mỏ điều tra, kết luận tình hình đúng, sai.
Ở Quảng Ninh, đồng chí Lê Đại, khi đó là Ủy viên TƯ Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, đọc xong bài báo, nói “Nếu đúng như thế này thì phải xin lỗi công nhân”. Đồng chí chỉ thị cho đồng chí Vũ Hoan, Phó Chủ tịch UBND tỉnh tổ chức hội nghị tại chỗ về đời sống công nhân ở mỏ Mông Dương, nơi “nóng” nhất; mời Tòa soạn Tuần Tin Tức về dự họp. Trên Phủ Thủ Tướng, Phó Thủ tướng Đỗ Mười “triệu” Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh về báo cáo tình hình. Tôi nhớ, đồng chí Vũ Hoan, Phó Chủ tịch phụ trách khối công, thương nghiệp lên báo cáo. Tôi đoán chừng anh Vũ Hoan bị đồng chí Đỗ Mười “xạc” nên hầm hầm tới TTXVN gặp Tổng giám đốc Đào Tùng phản ứng gay gắt về bài báo. Anh rút từ cặp ra tập báo cáo đầy số liệu và cho rằng bài báo viết sai… Cùng tiếp khách với anh Đào Tùng hôm ấy có anh Xuân Ổn, Trưởng phòng Thư ký và tôi. Thấy anh Vũ Hoan nổi nóng, tôi lên tiếng: “Thưa anh Vũ Hoan, đây không phải là UBND tỉnh Quảng Ninh mà là TTXVN, Tổng giám đốc của chúng tôi đang tiếp anh, xin anh bình tĩnh cho chúng tôi được phép trình bày”. Dường như anh Vũ Hoan nhận ra mình nóng nên dịu giọng” “Xin lỗi, ông thông cảm, anh Trung đây là thủ trưởng cũ của tôi nên rất thân tình…” - (Trung là tên khác của anh Đào Tùng).
Bài “Buông lỏng quản lý ở Nhà máy cao su Sao Vàng” cũng gây ấn tượng mạnh trong công nhân khu vực “Cao - Xà - Lá” (Khu Thượng Đình gồm các nhà máy cao su Sao Vàng, xà phòng và thuốc lá Thăng Long ở cạnh nhau). Tôi còn nhớ giám đốc khi ấy là anh Trần Kỳ, một người có bản lĩnh, ngang tàng và khá độc đoán. Anh đã tới cơ quan và gặp đồng chí Ba Dân, Phó Tổng GĐ phản ứng gay gắt. Vin vào một chi tiết do biên tập sai mà “lên án” bài báo kích động công nhân lật đổ lãnh đạo nhà máy…
Nhìn chung, những bài báo chống tiêu cực gai góc của Tuần Tin Tức hồi ấy đã bị phản ứng dữ dội, bị “kiện” lên tận Ban Tuyên huấn Trung ương; Phủ Thủ tướng… và đương nhiên tòa soạn cũng gặp nhiều nỗi truân chuyên phải đi “hầu kiện”. Song điều đáng mừng là anh chị em viết với lòng dũng cảm, tâm huyết, nói chung là chính xác, được Bộ Biên tập khuyến khích và quan trọng hơn, ít lâu sau đó có chuyên mục “Những việc cần làm ngay” của tác giả NVL (Nguyễn Văn Linh), làm điểm tựa.
Có thể nói, Tuần Tin Tức; Thể thao - Văn hóa; Khoa học - Kỹ thuật; Kinh tế Thế giới ra đời ghi lại dấu ấn về truyền thống năng động, nhạy bén trước thời cuộc của TTXVN; là một bước trưởng thành có tính “lịch sử” trên con đường phát triển, đổi mới của TTXVN. Riêng về Tuần Tin Tức, ban đầu từ lãnh đạo đến chúng tôi là những người thực hiện đều có phần lo lắng về tính hấp dẫn của phần tin, bài trong nước. Nhưng trong một cuộc họp, đồng chí Đào Tùng đánh giá (đại ý): Đáng mừng là phần nội dung tin bài trong nước đã thành công. Điều này chứng tỏ tiềm năng của khối tin, ảnh trong nước rất lớn.
Những ngày đầu ra đời Tuần Tin Tức là một kỷ niệm đẹp đẽ trong cuộc đời làm báo của tôi.
Nguyễn Văn Trường