Các cuộc tuần hành phản đối cảnh sát đã kéo dài tới sáng sớm ngày 25/12 tại thị trấn Berkeley thuộc hạt St. Louis (Mỹ) sau khi xảy ra vụ cảnh sát da trắng bắn chết một thanh niên da đen vào tối 23/12.
Khoảng 150 người biểu tình đã tuần hành dọc theo Xa lộ 170 từ 7 giờ tối ngày 24/12, gây ách tắc giao thông trong gần 45 phút. Đám đông tuần hành trong hòa bình đã làm lễ cầu nguyện tại trạm xăng nơi thanh niên 18 tuổi Antonio Martin thiệt mạng.
Người biểu tình phản đối cảnh sát tại trạm xăng tối 24/12. Ảnh:AFP |
Thị trưởng thị trấn Berkeley Theodore Hoskins cho rằng dư luận không nên so sánh vụ việc này với trường hợp của thanh niên Michael Brown ở thị trấn lân cận Ferguson trước đó bởi đây là sự “tự vệ chính đáng”. Qua đoạn băng giám sát tại trạm xăng, trước khi bị bắn chết, Martin đã cầm một khẩu súng nòng 9mm được nạp sẵn đạn và chĩa thẳng vào viên cảnh sát (chưa công bố tên) đang đứng bên ngoài xe tuần tra, buộc người này phải nổ ba phát súng tự vệ. Martin tử vong tại chỗ trong khi khẩu súng của nạn nhân vẫn chưa hề khai hỏa.
Thị trưởng Hoskins nhận định viên cảnh sát đã nổ súng một cách đúng đắn bởi vụ việc này có tính chất nguy hiểm hơn hẳn so với trường hợp Michael Brown do Brown không hề có vũ khí. Hơn nữa, đa số quan chức và cảnh sát ở thị trấn có 9.000 dân này là người Mỹ gốc Phi nên họ rất thận trọng trong hành xử.
Theo hồ sơ tội phạm, Martin đã 3 lần bị buộc tội hành hung, cướp có vũ khí và sử dụng súng trái phép. Martin là người da màu thứ ba bị cảnh sát da trắng bắn chết tại hạt St. Louis kể từ tháng 8 đến nay. Các vụ việc trên đã gây phẫn nộ trong dân chúng Mỹ, đặc biệt là cộng đồng người da màu, kéo theo làn sóng biểu tình bùng phát khắp nước Mỹ.
Hoàng Trang