Phó Đại sứ Trung Quốc tại Washington Ngô Tỷ ngày 10/6 nhận định những bất đồng giữa Mỹ và Trung Quốc về vấn đề Biển Đông và an ninh mạng không nên được giải quyết bằng "ngoại giao micro".
Nhà ngoại giao trên cho rằng nên thông qua "một cách thức phù hợp" để tạo thuận lợi cho chuyến thăm Mỹ của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong năm nay.
Tại một cuộc gặp ở Đồi Capitol nhân kỷ niệm 10 năm thành lập Nhóm công tác Mỹ-Trung thuộc Quốc hội Mỹ, bà Ngô Tỷ cho rằng không nên để các vấn đề nhỏ lẻ phủ bóng lên tổng thể quan hệ Mỹ-Trung, cũng như các lợi ích chung của hai bên, trong đó có tổng kim ngạch thương mại song phương lên tới 550 tỷ USD trong năm 2014, "vượt xa" những khác biệt giữa hai nước.
Bà nói: "Ngoại giao micro hay công kích nhau sẽ không giúp giải quyết vấn đề. Phương cách đúng đắn hiện nay là nhận thức được những khác biệt giữa chúng ta, tôn trọng nhau và tham gia đối thoại thực chất. Lựa chọn của chúng ta hôm nay sẽ quyết định tương lai của hai nước lớn cũng như toàn thế giới".
Cùng ngày, Nhà Trắng tuyên bố Mỹ dự định tiếp tục hợp tác với Trung Quốc trong thời gian tới bất chấp một số khác biệt giữa hai nước.
Phát biểu tại cuộc họp báo thường kỳ, Người phát ngôn Nhà Trắng Josh Earnest nhấn mạnh: "Có một số lĩnh vực với Trung Quốc mà chúng tôi có thể hợp tác và một số lĩnh vực chúng tôi sẽ phải cạnh tranh. Hợp tác với Trung Quốc mang lại lợi ích cho đất nước này và đó là những gì mà chúng tôi dự định thực hiện trong tương lai có thể dự báo được".
Trước đó, các quan chức Mỹ đã nhiều lần lên tiếng phản đối các hoạt động xây dựng trái phép của Trung Quốc ở Biển Đông. Hôm 1/6, Tổng thống Mỹ Barack Obama tuyên bố các hoạt động của Trung Quốc xây dựng trái phép tại Biển Đông là phản tác dụng, đồng thời kêu gọi chấm dứt các hành động làm gia tăng căng thẳng ở khu vực này. Tại Đối thoại Shangri-La (Singapore) vừa qua, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ashton Carter cũng đã kêu gọi Trung Quốc "ngừng ngay lập tức và vĩnh viễn" các hoạt động xây dựng đảo nhân tạo trên Biển Đông. Ông nhấn mạnh cách hành xử của Trung Quốc trong khu vực hiện nay "vượt ra ngoài" các chuẩn mực quốc tế.