Ở Trung Quốc, nhiều băng nhóm tội phạm đang “ăn nên làm ra” bằng cách dùng thủ đoạn chỉnh sửa ảnh kỹ thuật số với nội dung bôi nhọ rồi gửi cho các quan chức chính phủ để tống tiền. Trong nhiều trường hợp, đó thường là các bức ảnh ghép phần mặt của quan chức vào phần thân của người khác trong tư thế “nhạy cảm” với các cô gái. Trước vấn nạn trên, chính phủ Trung Quốc đã viện đến sự trợ giúp của giới khoa học.
Mặt các quan chức bị làm nhòe trên trang web. |
Các nhóm nghiên cứu thuộc nhiều trường đại học lớn đã được chính phủ tài trợ cho công tác xác định xem liệu các bức ảnh trong diện nghi vấn có bị “nắn” bằng những phần mềm chỉnh sửa ảnh như Photoshop hay không. Hầu hết giới khoa học đều cho rằng họ bị quá tải trước thách thức của nhiệm vụ này, do công nghệ ghép ảnh phức tạp và do lượng ảnh cần được xác minh rất nhiều.
Nhóm của giáo sư Li Xuewei, chuyên gia ảnh kỹ thuật số của trường Đại học Thiên Tân, đã bắt đầu hoạt động từ năm 2011 bằng kinh phí nhà nước. Giáo sư Li giải thích về công việc của nhóm: “Chúng tôi xem xét mối liên hệ giữa các ảnh điểm. Nếu bạn ghép hai người thành một, bạn sẽ không thể nào giữ nguyên mối tương quan tự nhiên giữa các ảnh điểm tại vị trí ghép và sẽ để lại một vài dấu vết mà máy tính có thể phát hiện ra. Đó là lý thuyết. Còn trên thực tế, công việc này phức tạp hơn nhiều”.
Một số nhà khoa học còn được chính phủ đề nghị phát triển phương pháp kiểm tra kiểu “nhắm mắt”, tức là để máy móc tự động kiểm tra một lượng lớn ảnh mà không cần con người can thiệp. Tuy nhiên, sẽ rất khó tìm ra một phương pháp mà có thể phát hiện được mọi hình thức giả mạo ảnh. Một người chỉnh sửa ảnh bậc thầy có thể dùng nhiều phương pháp cho một bức ảnh và nếu kiểm tra tự động, máy móc sẽ phải dùng từng phương pháp một. Như vậy sẽ rất tốn thời gian và không khả thi.
Hơn nữa, giới nghiên cứu còn cho biết: Nhiều ảnh trên Internet đã bị nén lại nên có quá ít ảnh điểm để phân tích chính xác. Để mỗi phương pháp kiểm tra có hiệu lực, các nhà khoa học cũng cần phải xây dựng một cơ sở dữ liệu ảnh lớn và toàn diện làm nguồn tham khảo. Điều này cũng rất tốn công sức và tiền của.
Năm ngoái, ảnh của các quan chức tỉnh Quảng Tây trên trang web chính phủ còn được làm mờ phần mặt nhằm đề phòng bọn tống tiền lấy mặt họ ghép vào ảnh sex của người khác. Sự cẩn thận này không thừa khi công an Trung Quốc vừa triệt phá một băng nhóm chuyên làm ảnh giả ở tỉnh Hồ Nam. Nhóm này đã gửi hơn 210 thư tống tiền và còn lại 150 thư nữa khi bị bắt.
Theo nguồn tin từ công an, làm ảnh sex giả để tống tiền đã trở nên phổ biến ở Song Phong đến mức nó trở thành một “ngành bất hợp pháp” trong khu vực này. Ở những tỉnh như Hắc Long Giang và Giang Tây, nhiều quan chức cũng đã bị tống tiền bằng ảnh sex giả.
Ngoài dự án phát hiện ảnh sex giả, nhiều nhóm nghiên cứu thuộc các trường đại học ở Trung Quốc đang tham gia dự án phát hiện ảnh thời sự bị chỉnh quá tay. Giáo sư Niu Shaozhang, chuyên gia xử lý hình ảnh trường Đại học Bưu chính và Viễn thông Bắc Kinh, cho biết nhóm của ông phụ trách các ảnh thời sự bị chỉnh sửa. Nhiệm vụ của nhóm là phát hiện những bức ảnh trông “giả giả” trên các trang web để kịp thời gỡ xuống, chỉnh sửa lại trước khi bị độc giả phát hiện. Giáo sư Niu cho biết: “Những bức ảnh giả kiểu này thường dễ phát hiện vì chúng đã phá vỡ tương quan giữa các ảnh điểm”.
Nhóm của giáo sư Niu đang xây dựng một cơ sở dữ liệu tham khảo ảnh thời sự của những cơ quan thông tấn nhà nước như Tân Hoa xã. Tuy nhiên, ông cho biết phân tích bằng máy tính có thể mất thời gian và không hiệu quả trong một số trường hợp. Giáo sư Niu cho rằng chính con mắt nhạy bén, tinh tường của người dùng Internet mới là công cụ phát hiện hiệu quả hơn cả công nghệ tốt nhất.
Thùy Dương