Trị tận gốc “bệnh” quá tải bệnh viện: Bài cuối:

Bộ Y tế đang hoàn thiện “Dự thảo Đề án tăng cường y tế cơ sở trong tình hình mới” để sớm trình Bộ Chính trị phê duyệt. PGS.TS Phạm Lê Tuấn, Thứ trưởng Bộ Y tế, trao đổi với phóng viên báo Tin Tức xung quanh vấn đề này.

PGS.TS Phạm Lê Tuấn, Thứ trưởng Bộ Y tế

´Đề án này sẽ “nhắm” đến các đơn vị y tế cơ sở nào, thưa Thứ trưởng?


Theo dự thảo Đề án mà Bộ Y tế chuẩn bị trình Bộ Chính trị, phạm vi Đề án vẫn giữ nguyên theo Chỉ thị số 06-CT/TW ngày 22/1/2002 của Ban Bí thư Trung ương, theo đó y tế cơ sở là các đơn vị y tế từ tuyến huyện trở xuống gồm: y tế thôn, bản; xã, phường, thị trấn; quận, huyện, thị xã.


Với nguồn lực có hạn, kinh phí đầu tư sẽ được tập trung cho tuyến xã với các nội dung xây mới, nâng cấp sửa chữa, cung cấp trang thiết bị y tế cho các trạm y tế (TYT); cung cấp túi y tế thôn bản và túi đẻ sạch cho nhân viên y tế thôn bản và cô đỡ thôn bản vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn; đào tạo bác sĩ (BS) hệ tập trung 4 năm, đào tạo BS gia đình, kết hợp với đào tạo lại, đào tạo liên tục cho cán bộ y tế xã; đào tạo nhân viên y tế thôn bản…


Ngoài ra, Bộ Y tế cũng đề xuất đầu tư cho trung tâm y tế huyện, vì trong thời gian qua, Đảng và Nhà nước đã có chính sách, định hướng ưu tiên cho lĩnh vực y tế dự phòng, tuy nhiên chưa có nguồn để triển khai thực hiện các chính sách này. Riêng đối với các BV huyện, trong thời gian qua, hầu hết đã được đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất, trang thiết bị theo các đề án được Thủ tướng Chính phủ ban hành nên không thuộc phạm vi của đề án này.

Cán bộ y tế kiểm tra sức khỏe cho bệnh nhi tại Bệnh viện đa khoa Lệ Thủy (Quảng Bình). ẢNh: Dương Ngọc - TTXVN


Bên cạnh việc thay đổi diện mạo của y tế cơ sở về nhân lực, trang thiết bị, cơ sở vật chất, một trong những nội dung quan trọng của đề án là đổi mới hoạt động y tế cơ sở, bao gồm mở rộng phạm vi dịch vụ khám chữa bệnh thông qua đào tạo, nâng cao năng lực chuyên môn cho cán bộ, xem xét, bổ sung danh mục thuốc tại tuyến xã và huyện, tăng cường khám chữa bệnh (KCB) BHYT tại tuyến xã; thiết lập hệ thống chuyển tuyến hiệu quả, cho phép cơ sở KCB tại YTCS chuyển bệnh nhân lên các tuyến trên căn cứ tình trạng bệnh tật (hiện nay phải chuyển tuyến theo từng cấp hành chính huyện, tỉnh, Trung ương); nâng cao năng lực, quản lý bệnh mãn tính tại cộng đồng; phát triển mạng lưới y học gia đình trong các cơ sở y tế công lập và ngoài công lập, ở TYT và bệnh viện huyện, phòng khám đa khoa khu vực, phòng khám tư nhân. Đồng thời, tăng cường tuyên truyền để người dân đến cơ sở y tế phù hợp với tình trạng bệnh tật.

 

´Khi đề án được thực hiện thì tình trạng quá tải BV có được cải thiện không, thưa ông?


Nếu những đầu tư theo nội dung đề án được thực hiện, các cơ sở y tế tuyến dưới cũng sẽ khang trang, sạch đẹp, có đủ trang thiết bị y tế cơ bản, với đội ngũ cán bộ y tế có trình độ, có khả năng quản lý được sức khỏe, sàng lọc bệnh tật để người dân được thụ hưởng các dịch vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu có chất lượng ngay tại cộng đồng, như vậy, sẽ giảm gánh nặng tài chính do đi khám chữa bệnh không hợp lý, đồng thời góp phần giảm quá tải ở các BV tuyến trên, nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống y tế, qua đó thực hiện được mục tiêu bao phủ chăm sóc sức khỏe toàn dân.

 

´Bộ Y tế đã có sự chuẩn bị về nhân lực cho hoạt động củng cố mạng lưới y tế cơ sở như thế nào?


Bộ Y tế đang tiến hành rà soát, xác định nhu cầu nhân lực y tế tuyến cơ sở về số lượng, chất lượng và cơ cấu cán bộ để triển khai các giải pháp đồng bộ và hiệu quả, phù hợp với từng vùng, miền, nhằm phát triển nhanh và bền vững đội ngũ cán bộ y tế có chất lượng ở tuyến cơ sở, nâng cao chất lượng dịch vụ y tế và y đức, tạo sự tin tưởng của người dân đối với dịch vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu.


Cụ thể, sẽ đa dạng hóa các loại hình đào tạo dựa trên năng lực cán bộ nhằm đảm bảo nhân lực y tế phù hợp với từng vị trí công tác, chức năng, nhiệm vụ và hoàn cảnh cụ thể; bổ sung, hoàn thiện và triển khai các chính sách đặc thù về đào tạo, tuyển dụng cán bộ y tế cơ sở; tăng cường đào tạo chuyên ngành, đào tạo bác sỹ gia đình, đào tạo cô đỡ thôn bản ở vùng dân tộc thiểu số, ưu tiên người địa phương, người dân tộc thiểu số. Bên cạnh đó, sẽ rà soát, cập nhật chương trình đào tạo, tập huấn, tổ chức đào tạo lại, đào tạo liên tục để cập nhật, nâng cao trình độ chuyên môn cho cán bộ y tế cơ sở; tăng cường trách nhiệm và sự phối hợp của các cơ sở y tế tư nhân trên địa bàn trong triển khai các nhiệm vụ quản lý, chăm sóc sức khỏe ban đầu tại tuyến xã và cộng đồng dân cư.


Chúng tôi cũng sẽ bổ sung, hoàn thiện và nâng cao chính sách đãi ngộ đặc biệt cho cán bộ y tế công tác tại vùng núi, vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, về chế độ phụ cấp, nhà cửa, hỗ trợ con cái học hành và các chính sách hỗ trợ khác, để bảo đảm ổn định, phát huy hiệu quả nguồn lực, khuyến khích cán bộ y tế làm việc lâu dài cho y tế cơ sở các vùng khó khăn.


Xin cảm ơn ông!


Phương Liên (thực hiện)

 

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN