Mỗi làng quê Việt Nam từ ngàn xưa ở đâu cũng có tre xanh. Đi từ xa nhìn về làng thấy thấp thoáng tre xanh bao bọc lấy làng và những cây cau cao vút mảnh mai. Ngay từ khi học lớp một, tôi đã học thuộc lòng: “Làng tôi, làng anh/ Cũng giống nhau nhỉ/ Có lũy tre xanh/ Có người cày cấy/ Nuôi tôi và anh”.
Đúng là giống nhau, ở đâu lũy tre làng cũng xanh tươi.
Những năm kháng chiến chống giặc ngoại xâm, tre mọc thành những bụi gai góc ken dày nối tiếp nhau, là thành lũy chắc chắn, ngăn từng đợt tấn công của quân thù.
Bụi tre um tùm là nơi trú ngụ của chim, cò. Sau mỗi ngày kiếm ăn, chúng lại bay về nghỉ ngơi trong tổ. Mỗi sáng tinh sương, cư dân trong làng lại được nghe tiếng chim thánh thót. Mùa mưa bão, tre là bức tường chắn sóng, chắn gió.
Những buổi trưa hè, mỗi bụi tre là nơi nghỉ mát lý tưởng. Từ bờ tre đã có biết bao bài thơ nốt nhạc chắp cánh bay xa. Tiếng tre kêu kẽo kẹt, đu đưa đã là ấn tượng khó quên của biết bao người. Cũng từ cánh võng bờ tre làng quê nghèo ra đi, đã có bao người trở thành nhà thơ, nhà văn, nhà khoa học, anh bộ đội cụ Hồ, những anh hùng liệt sỹ làm rạng danh cho non sông đất nước. Trong tâm trí mỗi người xa quê đều có hình ảnh cây tre, khói bếp lan tỏa mỗi chiều…
Thế mà bây giờ làng tôi sạch bóng cây tre! Có người cho là do thực hiện “bê tông hóa” đường làng. Nói như thế cũng đúng, nhưng nguyên nhân chủ yếu là ở nông thôn ngày nay đất canh tác và đất thổ cư ngày càng thu hẹp, bởi người đẻ, đất không đẻ!
Trở lại “tre làng”, người ta phá sạch chứ không trồng thêm. Mỗi lần về quê, tôi đi trên con đường làng không còn bóng râm, mặt đường cũng được tận dụng làm sân phơi. Bờ ao cũng được xây kè, còn đâu bụi tre giữ bờ ao như ngày xưa. Nghề đan rổ rá bằng mây tre cũng không còn, người nông dân đã quen dùng đồ nhựa. Người cao tuổi ở làng bây giờ ngày ngày cũng chỉ ngồi chơi, vì không còn mây tre để đan lát. Trước kia thì rổ rá, thúng mủng, nong nia, thuyền cũng được đan bằng tre. Bây giờ ngay cả thuyền cũng được gò bằng tôn. Tre làng không còn, cả tre chắn sóng cũng bị phá. Tôi còn nhớ, ngày trước nếu ai bẻ măng tre cũng bị dân làng phạt.
Mùa mưa bão đã đến, chi phí cho phòng chống bão lụt quá lớn. Tôi thầm nghĩ sao mọi người không ra sức bảo vệ lũy tre chắn sóng, chắn gió như trước đây bao đời ông cha ta đã làm? Mỗi địa phương nên phát động phong trào trồng tre chắn sóng, chắn gió. Để sau này con cháu chúng ta còn biết đến cây tre, biết nó có ích như thế nào cũng như cảnh quan nó đem lại đối với cuộc sống ở làng quê.
Quỳnh Nga