Công tác củng cố cơ sở đảng, phát huy sức mạnh, sức chiến đấu, sức lan tỏa, tạo niềm tin cho nhân dân trong việc thực hiện tốt các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước về quản lý đường biên, phát triển kinh tế, giữ gìn trật tự an ninh Tổ quốc, trật tự an toàn xã hội đang trở nên cấp bách hơn bao giờ.
Vi phạm lời thề trước Đảng
Chưa đầy nửa năm sau khi Ban Bí thư Trung ương Đảng ban hành Chỉ thị 28 - CT/TW về nâng cao chất lượng kết nạp đảng viên và rà soát, sàng lọc, đưa những đảng viên không còn đủ tư cách ra khỏi đảng, danh sách rà soát các đảng viên vi phạm đã xử lý kỷ luật Đảng, chính quyền, đoàn thể của Tỉnh ủy Lào Cai lên tới 241 đảng viên.
Những dòng thông tin về các đảng viên đi ngược lại lời tuyên thệ, vi phạm kỷ luật Đảng, chính quyền, đoàn thể nói trên, là khá cụ thể như: Vàng Văn Chung, sinh năm 1982, Phó Bí thư Đảng ủy; nơi sinh hoạt đảng: Chi bộ thôn Nậm Lúc Thượng - xã Nậm Lúc; nội dung vi phạm: Vi phạm phạm công tác tài chính; hình thức xử lý: Khiển trách. Sùng Seo Páo, sinh năm 1967, đảng viên; nơi sinh hoạt đảng: Chi bộ thôn Kha Phàng 2 - xã Bản Già; nội dung vi phạm: Sinh con thứ 6; hình thức xử lý: Khai trừ. Hoàng Mạnh Phúc, sinh năm 1979, Phó Bí thư, Chủ tịch UBND xã; nơi sinh hoạt đảng: Chi bộ thôn Tả Hà 2 - Đảng bộ xã Sơn Hà; nội dung vi phạm: Thiếu trách nhiệm trong quản lý; hình thức xử lý: Khiển trách. Đặng Hồng Cường, sinh năm 1977, nơi sinh hoạt đảng: Chi bộ Hạt Kiểm lâm; nội dung vi phạm: Thiếu tinh thần trách nhiệm; hình thức xử lý: Cảnh cáo…
Cùng với việc rà soát, sàng lọc đảng viên theo Chỉ thị số 28-CT/TW của Ban Bí thư, từ năm 2019, Lào Cai đã không đặt vấn đề phát triển đảng viên mới năm sau cao hơn năm trước mà tập trung nâng cao chất lượng. Thay vì phát triển từ 2.400 - 2.600 đảng viên như mỗi năm trước, năm 2019 số lượng đảng viên mới trong toàn tỉnh chỉ đạt trên 2.200. Tỉnh ủy đã ban hành kết hoạch rà soát, sàng lọc và xây dựng kế hoạch phát triển đảng viên ở toàn đảng bộ, không chạy theo số lượng, đảm bảo quy trình, tiêu chuẩn; lập danh sách toàn bộ đảng viên hiện nay theo các nhóm đối tượng, từ đó có giải pháp báo cáo Trung ương.
Theo Bí thư Tỉnh ủy Lào Cai Nguyễn Văn Vịnh, ngay sau khi Ban Bí thư ban hành Chỉ thị số 28 - CT/TW, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Lào Cai đã xây dựng kế hoạch về nâng cao chất lượng kết nạp đảng viên và rà soát, và rà soát, sàng lọc đưa những đảng viên không còn đủ tư cách ra khỏi Đảng; tổ chức triển khai, quán triệt Chỉ thị của Ban Bí thư, chỉ đạo các đảng bộ huyện, thành phố xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện, tập trung chủ yếu vào việc rà soát đội ngũ đảng viên trên toàn tỉnh trong toàn đảng bộ đợt 19/5/2019.
Qua rà soát toàn bộ 672 tổ chức cơ sở đảng, 3.022 chi bộ trực thuộc đảng ủy cơ sở và 47.597 đảng viên kết quả là có 140 đảng viên chưa làm thủ tục sinh hoạt đảng sau khi thay đổi nơi cư trú, đơn vị công tác; 241 đảng viên vi phạm đã xử lý kỷ luật đảng, chính quyền, đoàn thể; 39 đảng viên thiếu gương mẫu, uy tín trong nhân dân thấp. Trong quá trình triển khai thực hiện Chỉ thị 28 - CT/TW, các cấp ủy đảng từ tỉnh đến cơ sở đã thường xuyên quan tâm chỉ đạo sát sao, kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho cơ sở; lập các đoàn kiểm tra giám sát công tác rà soát đội ngũ đảng viên. Từ năm 2019 trở đi, việc rà soát, sàng lọc, đưa những đảng viên không đủ tư cách ra khỏi Đảng là việc làm thường xuyên ở các cấp ủy, tổ chức Đảng từ chi bộ trở lên.
Cần chính sách đặc thù
Nhìn nhận công tác Đảng khu vực biên giới của Tổ quốc, nguyên Bí thư Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Vũ Khoan cho hay: Biên giới là phên dậu Tổ quốc. Để giữ vững, bảo vệ đất nước phải củng cố biên giới. Để bảo vệ biên giới, không có biện pháp nào tốt hơn là xây dựng thế trận lòng dân. Nòng cốt để lãnh đạo, động viên, tổ chức nhân dân bảo vệ biên giới chính là đảng viên. Nhưng tiếc rằng do những hoàn cảnh khách quan, tổ chức cơ sở đảng ở khu vực biên giới gặp rất nhiều khó khăn.
Theo ông Vũ Khoan, dùng sức dân để bảo vệ biên giới đồng nghĩa với việc tăng cường hạt nhân lãnh đạo của Đảng trong lòng dân. Muốn có tổ chức đảng vững mạnh ít nhất dân trí phải cao, điều kiện sống phải tương đối, chấp nhận được. Nếu không người dân sẽ phải lo cho đời sống của họ. Vì vậy, điều kiện tiên quyết là tìm mọi cách chăm lo cho đời sống vật chất lẫn tinh thần của nhân dân. Chính điều đó mới là cơ sở nâng cao dân trí, từ đó mới tạo nguồn nhân lực tham gia đảng, củng cố tổ chức đảng lãnh đạo. “Nhưng đây là vấn đề không thể nói lý thuyết!”, nguyên Phó Thủ tướng nhấn mạnh.
Thực tế cho thấy, các tỉnh biên giới Tây Bắc cũng như khu vực Tây Nguyên, Tây Nam Bộ và Duyên hải miền Trung phần lớn là bà con dân tộc thiểu số, miền núi sinh sống. Nhiều năm qua, Đảng, Nhà nước đã chăm lo, đầu tư nhiều nguồn lực nhằm phát triển kinh tế - xã hội, đời sống tinh thần cho nhân dân. Song do nhiều nguyên nhân, tình hình kinh tế - xã hội ở những vùng này chưa phát triển, nhiều nơi rất khó khăn, vất vả, thậm chí là thiếu thốn, nghèo nàn. Miền núi, biên giới vẫn là khu vực có tỷ lệ hộ nghèo cao nhất, thu nhập bình quân đầu người thấp hơn nhiều so với cả nước.
“Trong tổng thể chính sách đối với vùng miền núi, vùng sâu, vùng xa có bà con dân tộc thiểu số, khu vực biên giới phải là ưu tiên của ưu tiên. Đảng và nhân dân ta nhận thức rất rõ chuyện này và cũng làm rất nhiều việc nhưng rõ ràng là chưa đáp ứng được yêu cầu”, nguyên Phó Thủ tướng suy tư.
Chính sách “ưu tiên của ưu tiên” cho vùng miền núi biên giới, theo ông Vũ Khoan, đầu tiên phải là ưu tiên về hạ tầng cơ sở, đặc biệt là phát triển giao thông. Bởi hiện nay địa hình đặc thù bị chia cắt, giao thông mới chỉ là các trục đường chính, thiếu các trục nhánh dẫn đến các thôn, bản vùng sâu, vùng xa, biên giới. Do đó, khó có giao thương cũng như điều kiện để phát triển giáo dục, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần. Khu vực miền núi, biên giới phía Bắc và Tây Nguyên vốn thiếu nước nên cũng phải ưu tiên phát triển thủy lợi để có nước cho người dân yên tâm sinh hoạt, sản xuất nông nghiệp.
Việc khuyến khích, đưa giáo viên, y tá, bác sỹ về vùng miền núi sát biên giới cũng cần có chính sách nhất quán, đáp ứng tốt hơn trong thực tế so với hiện nay. Ví dụ như chính sách luân chuyển cán bộ là có nhưng chưa đáp ứng được yêu cầu thực tiễn. Rất cần bổ sung nguồn nhân lực lên đó để cùng bà con dân tộc thiểu số, thế hệ trẻ trên đó hình thành một lực lượng xung kích, từ đó xây dựng vững chắc cơ sở đảng, tìm được nguồn để phát triển Đảng và có lực lượng nòng cốt thay vì chủ yếu dựa vào Bộ đội Biên phòng như hiện nay.
“Làm tốt những việc này chính là chăm lo cho đời sống của người dân tộc thiểu số miền núi biên giới để người dân không bị lôi kéo, dụ dỗ, cuốn vào các hành vi vi phạm pháp luật, giữ vững được an ninh Tổ quốc, trật tự an toàn xã hội vùng biên cương. Từ đó mới thực sự là lấy dân làm phên dậu cho Tổ quốc”, nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan khẳng định.
“Chỉ thị 28 của Ban Bí thư ban hành rất kịp thời. Tuy nhiên riêng với việc kết nạp đảng viên mới, tôi cho rằng đối với vùng miền núi biên giới có đặc thù rất khác. Hiện nay khu vực này số lượng đảng viên mỏng, chưa đáp ứng được yêu cầu. Trước mắt vẫn cần phải tăng số lượng lên sau đó mới chắt lọc, đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao được chất lượng. Không nên tuyệt đối hóa câu chuyện về chất lượng. Chính sách đối với khu vực này phải khác các khu vực khác, không thể giống nhau. Chỉ thị là rất đúng nhưng cách làm không nên máy móc!”, nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan nhấn mạnh.