TP.HCM chủ động giám sát dịch bệnh Ebola

Sáng 12/8, Đoàn công tác của Sở Y tế TP. Hồ Chí Minh do bác sĩ Nguyễn Hữu Hưng, Phó Giám đốc Sở Y tế dẫn đầu đã kiểm tra việc thực hiện giám sát dịch bệnh Ebola ở khu vực Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất.

Để đối phó với dịch bệnh nguy hiểm Ebola, theo bác sĩ Nguyễn Hữu Hưng, từ các tình huống phòng chống dịch mà Bộ Y tế đã đưa ra, nhiệm vụ của ngành y tế Thành phố Hồ Chí Minh hiện nay là tập trung mọi nguồn lực giám sát phát hiện sớm nhất những ca nghi ngờ mắc bệnh Ebola và thực hiện cách ly, điều trị phù hợp.

Nhân viên Trung tâm Kiểm dịch quốc tế giám sát thân nhiệt của hành khách qua máy đo tại Sân bay Tân Sơn Nhất. Ảnh: Hoàng Hải - TTXVN


* Sẵn sàng đối phó với dịch bệnh


Tại khu vực ga quốc tế, Sở Y tế Thành phố Hồ Chí Minh đã triển khai 2 máy đo thân nhiệt từ xa đối với tất cả các khách nước ngoài về cửa khẩu cảng hàng không Tân Sơn Nhất. Ngày 11/8, Sở Y tế cũng áp dụng thực hiện tờ khai y tế đối với hành khách di chuyển từ 4 quốc gia có dịch Ebola là Guinea, Liberia, Sierra Leone và Nigeria sớm hơn so với quy định của Bộ Y tế (ngày 15/8).

Trung tâm Kiểm dịch y tế quốc tế thành phố cũng bố trí khu vực cách ly khi phát hiện hành khách có thân nhiệt cao và có yếu tố dịch tễ liên quan đến dịch bệnh Ebola. Đồng thời, khi có trường hợp nghi ngờ nhiễm bệnh sẽ phối hợp với bộ phận y tế của Cảng vụ cảng hàng không Tân Sơn Nhất vận chuyển về Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Thành phố để có biện pháp cách ly và điều trị.

Về công tác chuẩn bị ở khối điều trị, theo bác sĩ Nguyễn Hữu Hưng, trong giai đoạn hiện nay, Sở Y tế đã chỉ đạo các bệnh viện rà soát lại các biện pháp phòng bệnh để khi có ca bệnh thì có thể xử lý được ngay như: thành lập khu cách ly, thu dung điều trị, trang thiết bị, quần áo bảo hộ lao động cho nhân viên y tế...

Sở Y tế cũng đã giao cho Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới thành phố là đầu mối tiếp nhận các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh Ebola. Đồng thời, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới sẽ phối hợp với Bệnh viện Nhi đồng 1, Nhi Đồng 2 triển khai tập huấn về phác đồ điều trị cho các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh công lập và ngoài công lập trên địa bàn về chẩn đoán phát hiện sớm, điều trị cách ly, chuyển viện; cách lấy mẫu bệnh phẩm, biện pháp phòng lây nhiễm, khử trùng… theo hướng dẫn mà Bộ Y tế mới ban hành.

“Do thời gian ủ bệnh Ebola là khá dài, từ 2-21 ngày nên việc giám sát tại các cửa khẩu không phải là biện pháp duy nhất để giám sát, phát hiện ra các ca bệnh. Vì vậy, thông qua các đợt tập huấn này, khối bệnh viện sẽ nâng cao khả năng giám sát virus Ebola ở bệnh viện. Khi khối bệnh viện phát hiện người có triệu chứng nghi ngờ và yếu tố dịch tễ liên quan đến dịch bệnh Ebola thì sẽ phải thực hiện cách ly, tránh tình trạng lây chéo ở bệnh viện. Bên cạnh đó sẽ tiếp tục theo dõi ca bệnh và lấy mẫu bệnh phẩm gửi về Viện Pasteur Thành phố Hồ Chí Minh thực hiện xét nghiệm”, bác sĩ Nguyễn Hữu Hưng nói.

Theo ông Nguyễn Văn Sáu, Giám đốc Trung tâm Kiểm dịch Y tế quốc tế Thành phố Hồ Chí Minh, số lượng khách xuất phát từ quốc gia có dịch đến Thành phố Hồ Chí Minh không nhiều. Từ ngày 11/8 đến trưa ngày 12/8, cũng chỉ ghi nhận 1 trường hợp người nước ngoài đến từ Nigieria - quốc gia đang có dịch Ebola.

Tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Thành phố Hồ Chí Minh, Ban Giám đốc Bệnh viện đã chuẩn bị khu vực cách ly điều trị riêng để xử trí các ca liên quan đến bệnh do virus Ebola.

* Tăng cường truyền thông ở cộng đồng

Sở Y tế tham mưu cho UBND thành phố chỉ đạo các địa phương, các ban, ngành, đoàn thể phối hợp với ngành y tế thực hiện đồng bộ việc phòng chống dịch bệnh, nhất là hỗ trợ giám sát dịch bệnh ở cộng đồng. Đồng thời, để phát hiện những trường hợp nhiễm bệnh trong thời kỳ ủ bệnh, Sở Y tế cũng đã có tài liệu truyền thông về diễn biến dịch, đường lây truyền, biểu hiện của bệnh và cách phòng chống… để tăng cường công tác truyền thông ở cộng đồng.

Trung tâm kiểm dịch Y tế quốc tế và các cửa khẩu quốc tế đã gửi tài liệu truyền thông và khuyến cáo của Bộ Y tế cho các đại lý máy bay, các công ty du lịch để thông tin kịp thời cho hành khách chuẩn bị tới các nước có dịch và từ vùng dịch về Việt Nam.

Ngành y tế cũng khuyến cáo người dân cần bình tĩnh trước thông tin về dịch bệnh Ebola. Bởi dịch bệnh này không phải tự nhiên mới có mà phải có các yếu tố dịch tễ liên quan thì mới có khả năng lây bệnh như: đi đến vùng đang có dịch, từng tiếp xúc với người nhiễm bệnh hoặc tiếp xúc với người về từ vùng dịch trong vòng 21 ngày. Khi người dân có triệu chứng sốt, đau đầu, đau cơ… và các triệu chứng nôn ra máu, tiêu ra máu, xuất huyết dưới da và niêm mạc thì phải tới các cơ sở y tế sớm để theo dõi sức khoẻ và điều trị kịp thời.

Để chủ động phòng chống dịch ở cộng đồng, người dân có thể theo dõi tình hình diễn biến dịch bệnh Ebola và các dịch bệnh khác qua website của Cục Y tế dự phòng theo địa chỉ truy cập: vncdc.gov.vn.


Hứa Chung

Ebola – Không chỉ là 'án tử hình'
Ebola – Không chỉ là 'án tử hình'

Thông tin về dịch bệnh Ebola đang thu hút sự quan tâm đặc biệt của dư luận vì sự nguy hiểm và khả năng lây lan nhanh trong cộng đồng của căn bệnh chết người này. Tuy nhiên, câu chuyện về tình trạng kỳ thị những nạn nhân Ebola, những lời đồn thổi bí hiểm vẫn chưa được nhiều người biết đến.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN