Thông tin về dịch bệnh Ebola những ngày vừa qua đang thu hút sự quan tâm đặc biệt của dư luận vì sự nguy hiểm và khả năng lây lan nhanh trong cộng đồng của căn bệnh chết người này. Tuy nhiên, câu chuyện về tình trạng kỳ thị những nạn nhân Ebola, những lời đồn thổi bí hiểm… vẫn chưa được nhiều người biết đến. Các y tá ở Liberia thông báo cho cộng đồng về nguy cơ của dịch Ebola. |
Ebola được đặt tên theo một dòng sông ở khu vực phía Bắc của Cộng hòa Dân chủ Congo. Theo thống kê, với hàng nghìn bệnh nhân tử vong từ khi được phát hiện lần đầu năm 1976, Ebola là một dịch bệnh gây tử vong thấp hơn so với bệnh sốt rét và lao phổi, với số bệnh nhân tử vong lên tới hàng triệu người mỗi năm. Tuy nhiên, Ebola được cho là nguy hiểm hơn do bệnh dễ lây nhiễm, chưa tìm được phương pháp chữa trị, cũng như chưa xác định được động vật chủ cho virus Ebola ẩn náu. Điều này khiến cho công tác phòng và kiểm soát dịch bệnh trở nên khó khăn.
Biểu hiện của bệnh nhân nhiễm Ebola khá kịch tích với diễn biến nhanh chóng từ khi người bệnh nhiễm virus Ebola cho tới khi tế bào chết đi. Những triệu chứng có thể bao gồm sốt, xuất huyết, nôn mửa và tiêu chảy. Tỷ lệ tử vong của bệnh cao, từ 50-90%.
Vào những thời điểm dịch Ebola bùng phát trong quá khứ, các bệnh viện địa phương thường xuyên không có sự chuẩn bị tốt khi đối mặt với dịch Ebola. Nhiều nhân viên y tế chưa từng có kinh nghiệm, chưa được đào tạo cách chăm sóc bệnh nhân hay bảo vệ chính mình, khiến cho bệnh viện trở thành chiếc “máy phát tán” dịch Ebola. Điều này làm cho những lời đồn thổi về dịch bệnh này càng gia tăng.
Năm 1995, khi dịch Ebola hoành hành ở Kikwit, Cộng hòa Dân chủ Congo, mối liên hệ giữa bệnh viện và những người tử vong do Ebola đã tạo ra một lời đồn phổ biến. Khi đó, những người buôn lậu kim cương từ các mỏ lân cận do mắc Ebola đã tới bệnh viện chữa trị, nhưng họ đều ra đi không trở về. Điều này khiến người dân khu vực tin rằng các bác sĩ đã sát hại những người này.
Các bác sĩ tình nguyện làm việc tại khu vực cách ly ở thị trấn Gueckedou, miền nam Guinea ngày 31/3. Ảnh: AFP/ TTXVN |
Khi dịch bệnh lây lan tại Uganda, người dân địa phương tin rằng nhân viên y tế đã bán những phần thân thể của nạn nhân để thu lợi. Lời đồn làm cho các nhân viên y tế phương Tây bị dò xét với thái độ nghi ngờ, và nhiều khi bị cho là mang dịch bệnh tới khu vực. Xuất phát từ lời đồn này, mỗi lần dịch Ebola bùng phát đều chứng kiến sự phản kháng và thái độ thù địch của người dân địa phương. Hồi tháng 1/2002, một nhóm chuyên gia quốc tế đã trốn chạy khỏi một ngôi làng ở Mekambo, Gabon vì bị dân làng đe dọa tính mạng.
Những lời đồn thổi về Ebola chưa phải là tất cả khi mà tình trạng kỳ thị những nạn nhân mắc Ebola còn là một câu chuyện dài. Những bệnh nhân, những người sống sót sau khi mắc Ebola, và cả những nhân viên y tế thường bị cộng đồng phân biệt đối xử.
Trong những lần dịch Ebola bùng phát trước đây, nhiều người sống sót không được hoan nghênh khi trở lại cộng đồng, một số người không thể tìm được việc làm, một số bị chính vợ hay chồng ruồng bỏ. Trong giai đoạn năm 2000-2001 khi dịch bùng phát ở Uganda, tài sản và nhà cửa của những người sống sót sau khi mắc Ebola đều bị đốt cháy.
Một người sống sót trong dịch Ebola 1995-1997 ở Gabon đã kể về sự xa lánh của cộng đồng. Xe taxi không dừng lại khi ông vẫy, và tại những điểm kiểm soát trước khi vào đường cấm, cảnh sát thường xua cho ông qua luôn chỉ vì sợ lây bệnh nếu kiểm tra giấy căn cước của nạn nhân Ebola này.
Những tình nguyện viên trải qua khóa huấn luyện của Hội chữ thập đỏ đã tới thăm các ngôi làng để dập tắt những chuyện đồn thổi và thuyết phục người dân chấp nhận cho những người sống sót sau dịch Ebola trở về.
Có một sự thật là những nghi thức lễ tang cho người chết vì dịch Ebola cũng đóng góp vào sự lây lan dịch bệnh. Mặc dù vậy, cản trở những nghi lễ này có thể dẫn tới sự bất bình trong người dân. Khi dịch bệnh Ebola bùng phát trước đây, người dân địa phương đã phớt lờ những khuyến cáo y tế, như không nên chôn cất người chết theo hình thức cũ, hay không nên săn thú hoang lấy thịt. Một vài cộng đồng đã dựa vào những cách chữa bệnh truyền thống, không hợp vệ sinh như cắt da hay những hình thức tương tự có thể khiến lây lan dịch bệnh.
Hạnh Nhân (
Theo BBC)