TP Hồ Chí Minh chủ động phòng chống dịch Zika

Hiện đã có 54 quốc gia và vùng lãnh thổ thông báo có sự lưu hành hoặc lây truyền virut Zika. Do đó, nguy cơ dịch bệnh Zika xâm nhập và lan truyền vào Việt Nam là rất lớn. Trước thực tế này, ngành y tế TP Hồ Chí Minh đã chủ động các biện pháp tăng cường kiểm soát chặt chẽ tại các khu vực có nguy cơ cao.

Với lưu lượng khách quốc tế đông đúc, sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất là “điểm nóng” trong việc phòng chống virut Zika của TP Hồ Chí Minh. Tại đây, Trung tâm kiểm dịch Y tế quốc tế đã chủ động tiến hành các biện pháp nhằm ngăn chặn dịch, triển khai các quy trình kiểm tra y tế đối với hành khách quốc tế. Các máy đo thân nhiệt được triển khai và hoạt động 24/24 giờ. Cửa khẩu cũng đã chuẩn bị sẵn sàng nhân lực và các phương án đối phó khi có ca nghi nhiễm loại virut này. Trước đó, Trung tâm cũng đã tiến hành phun diệt muỗi tại khu vực cửa ngõ này.

Sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất được chú trọng đặc biệt trong việc phòng chống virut Zika.

Bác sĩ Nguyễn Văn Sáu, Giám đốc Trung tâm Kiểm dịch y tế quốc tế TP Hồ Chí Minh cho biết: “Trung tâm còn phối hợp với công an cửa khẩu lấy danh sách hành khách đi từ các vùng có dịch để giám sát. Trong trường hợp phát hiện có hành khách nghi ngờ bị nhiễm virut Zika, chúng tôi sẽ có biện pháp cách ly và đưa bệnh nhân về các bệnh viện tuyến điều trị”.

Sở y tế TP Hồ Chí Minh cũng đã khoanh vùng 1 số quận, huyện có nguy cơ cao như quận Bình Chánh, quận Bình Tân, quận 8, quận Thủ Đức; đồng thời tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn cho người dân từ tuyến cơ sở, nhằm tạo cho người dân ý thức tự bảo vệ ngay từ trong gia đình, khu phố.

"Người dân cần tích cực thực hiện các biện pháp diệt lăng quăng, diệt muỗi và tránh bị muỗi đốt; bên cạnh đó, phối hợp với chính quyền và y tế địa phương trong công tác phun hóa chất diệt muỗi", bác sĩ Nguyễn Trí Dũng, Giám đốc Trung tâm y tế dự phòng TP Hồ Chí Minh khuyến cáo.

Ngành y tế TP Hồ Chí Minh khuyến cáo người dân, đặc biệt là phụ nữ mang thai, nên có các biện pháp phòng ngừa để hạn chế tối đa nguy cơ mắc virut Zika trong thời gian tới.

Theo báo cáo của Viện Pasteur TP Hồ Chí Minh, kết quả rà soát các mẫu bệnh phẩm từ bệnh nhân mắc bệnh sốt xuất huyết trong năm 2015, không phát hiện trường hợp nào bị nhiễm virut Zika. 83 trường hợp có triệu chứng tương tự bệnh do virus Zika trong hai tháng đầu năm 2016 tại 8 tỉnh có mật độ lưu hành muỗi Aedes cao ở khu vực phía Nam, cũng không có trường hợp nào dương tính với virut Zika.

Theo các bác sĩ, hiện chưa có vắcxin phòng ngừa cũng như thuốc đặc trị và tại Việt Nam cộng đồng cũng chưa có miễn dịch đối với virut Zika. Virut Zika thường gây bệnh ở thể nhẹ, với những triệu chứng xuất hiện vài ngày sau khi người bị đốt bởi muỗi bị nhiễm vi rút này. Nhiều người mắc bệnh do virut Zika có thể sốt nhẹ và nổi ban. Những triệu chứng khác có thể là viêm kết mạc, đau cơ, khóp và mệt mỏi. Những triệu chứng này thường tồn tại từ 2 -7 ngày và bệnh cũng có thể tự khỏi.

Để tăng cường hơn nữa công tác phòng chống dịch bệnh do virut Zika và sốt xuất huyết, tạo sự chuyển biến tích cực nhận thức và thực hành của người dân trong việc phòng bệnh, vào ngày 16/3, Bộ Y tế đã có chỉ thị về việc Tổ chức chiến dịch diệt muỗi, lăng quăng và triển khai công tác phòng chống bệnh do Virut Zika và sốt xuất huyết.


Đan Phương
Bộ Y tế cảnh báo dịch bệnh do virút Zika vẫn diễn biến phức tạp
Bộ Y tế cảnh báo dịch bệnh do virút Zika vẫn diễn biến phức tạp

Ngày 16/3, Bộ Y tế cho biết tình hình dịch bệnh do vi rút Zika vẫn tiếp tục diễn biến phức tạp.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN