Trong cuộc họp báo tại Nhà Trắng ngày 5/11, Tổng thống Mỹ Barack Obama một mặt cam kết hợp tác với các nghị sĩ Cộng hòa sau khi phe này chiến thắng tại cả hai viện trong cuộc bầu cử giữa kỳ, một mặt cảnh báo sẽ sử dụng quyền tổng thống để bảo vệ các vấn đề quan trọng của mình cả về đối nội lẫn đối ngoại.Từ đối nội... Tổng thống Obama cho biết sẽ đánh giá chính sách theo hướng “liệu nó có tốt cho người dân Mỹ hay không, chứ không dựa theo tiêu chí xuất phát từ phe Cộng hòa hay Dân chủ”. Trước mắt, ông Obama sẽ đề nghị quốc hội mới hỗ trợ trong nhiều vấn đề, từ cuộc chiến chống dịch bệnh Ebola ở Tây Phi cho tới chiến dịch quân sự chống khủng bố ở Iraq và Syria.
Tổng thống Obama trong họp báo tại Nhà Trắng ngày 5/11. Ảnh: THX/TTXVN |
Tuy nhiên, trong bối cảnh hai năm tới sẽ không còn chỗ dựa đáng tin cậy ở quốc hội, Tổng thống Obama không quên cảnh báo phe Cộng hòa rằng ông sẽ dùng quyền hành pháp của mình trong năm 2014 để thúc đẩy các kế hoạch quan trọng.
Trong khi đó, tại Kentucky, thượng nghị sĩ Mitch McConnell, người sẽ trở thành lãnh đạo phe Cộng hòa đa số tại Thượng viện, đã bày tỏ tinh thần hợp tác với Nhà Trắng, trước hết là về hai lĩnh vực mà đảng Dân chủ và Cộng hòa đã thống nhất được, như cải cách thuế và tự do hóa thương mại quốc tế. Một số nghị sĩ Cộng hòa khác cũng thừa nhận họ cần tìm cách hợp tác với Tổng thống Obama để người dân có thể thấy phe Cộng hòa là các thành viên có năng lực trước thềm cuộc đua vào Nhà Trắng năm 2016.
Dù tinh thần chung của cả hai bên đều là hợp tác nhưng giữa lời nói và thực tế có thể là một khoảng cách lớn. Khoảng cách đó sẽ được thể hiện rõ khi hai bên thể hiện hành động về dự luật cải cách nhập cư và đạo luật y tế Obamacare. Ông Obama từng tuyên bố sẽ đơn phương thay đổi chính sách nhập cư, theo đó cho phép hàng triệu người đang là đối tượng nhập cư bất hợp pháp có thể ở lại và trở thành công dân Mỹ. Trong khi đó phe Cộng hòa luôn phản đối ý định này. Về Obamacare, phe Cộng hòa tuyên bố một trong các mục tiêu của họ sẽ là bãi bỏ đạo luật được coi là thành quả của ông Obama, còn ông Obama cam kết sẽ bảo vệ đạo luật này bằng quyền phủ quyết.
... đến đối ngoạiKhông chỉ gây khó dễ về các vấn đề nội bộ, quốc hội mà phe Cộng hòa chiếm đa số sẽ khiến chính sách đối ngoại của ông Obama gặp trắc trở. Từ lâu, các nghị sĩ Cộng hòa đã cáo buộc ông Obama làm suy yếu khả năng lãnh đạo toàn cầu của nước Mỹ do không hành động quyết liệt trong các cuộc khủng hoảng thế giới.
Về vấn đề hạt nhân Iran, họ lo ngại ông Obama sẽ nhượng bộ quá nhiều khi mà hạn chót 24/11 để các bên đạt được thỏa thuận toàn diện về vấn đề hạt nhân Iran sắp đến. Nếu các bên đạt được thỏa thuận quan trọng với Iran sau hàng chục năm bế tắc, ông Obama sẽ có một di sản lớn về mặt ngoại giao. Nhưng giờ đây, khi đã kiểm soát Thượng viện, phe Cộng hòa sẽ có vị thế để “ngáng chân”, thúc đẩy đường lối đàm phán cứng rắn hơn với Iran.
Trong cuộc chiến với nhóm khủng bố Nhà nước Hồi giáo (IS) ở Trung Đông, chắc chắn phe Cộng hòa sẽ đòi hỏi ông Obama phải mạnh tay hơn, thay vì chỉ không kích IS và hỗ trợ hạn chế phe đối lập ôn hòa ở Syria. Nghị sĩ Mike Lee, thành viên Ủy ban Quân dịch Thượng viện cho biết sẽ đòi hỏi ông Obama thay đổi quan điểm không đưa bộ binh vào Iraq: “Không thể ngăn IS mà không đưa bộ binh vào tham chiến”.
Ngoài ra, Tổng thống Obama cũng sẽ bị gây sức ép để có thái độ cứng rắn hơn với Tổng thống Nga Vladimir Putin trong cuộc khủng hoảng Ukraine. Số phận của nhà tù giam giữ nghi can khủng bố của Mỹ tại vịnh Guantanamo ở Cuba cũng sẽ là vấn đề gây “hục hặc” với phe Cộng hòa.
Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng, quốc hội mới sẽ không làm được gì nhiều trong ngăn cản chính sách đối ngoại của ông Obama. Nhà phân tích Gordon Adam cho rằng quốc hội có thể sẽ chỉ đóng vai trò giám sát và chỉ trích, đồng thời cũng sẽ không buộc được chính quyền ông Obama điều chỉnh chính sách đối ngoại theo chiều hướng hiếu chiến hơn.
Thùy Dương