Tổng thống Ai Cập bị lật đổ khiến Mỹ "đau đầu"

Việc quân đội Ai Cập lật đổ Tổng thống Mohamed Morsi có thể sẽ gây ra những tác động lớn tới mối quan hệ then chốt với Mỹ, quốc gia vốn có mối quan hệ chẳng mấy dễ dàng với chính quyền Ai Cập do một người Hồi giáo đứng đầu trong suốt một năm qua.


 

Người dân Ai Cập đổ ra các đường phố ở Cairô sau khi quân đội phế truất Tổng thống Morsi ngày 3/7/2013. Ảnh: AFP/TTXVN

 

Các nghị sĩ Mỹ và nhiều nhà phân tích đã kịch liệt chỉ trích việc Mỹ phản ứng một cách hờ hững khi ông Morsi không xây dựng được một chính phủ có tính toàn thể hơn nhằm đáp ứng những yêu cầu của hàng trăm nghìn người Ai Cập đang biểu tình trên các đường phố. Thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa Ted Cruz viết trên tạp chí "Chính sách Đối ngoại" ngày 3/7: "Một trong những thất bại ngoại giao đáng chú ý nhất trong thời gian gần đây đó là Mỹ, cả trong nhận thức và thực tế, đã hành động như một đối tác của một chính phủ Hồi giáo hà khắc và trở thành kẻ thù của phe đối lập thế tục ủng hộ dân chủ". Trong những tháng gần đây, Oasinhtơn đã nhiều lần không đưa ra phản ứng mạnh mẽ rõ ràng nào đối với những động thái gây tranh cãi của ông Morsi nhằm củng cố quyền lực và việc ông không chịu thực hiện những cải cách kinh tế mà Ai Cập đang rất cần.


Ngày 3/7, sau nhiều ngày bất ổn và chỉ vài giờ trước khi ông Morsi bị lật đổ, Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Mỹ Jen Psaki cuối cùng cũng lên tiếng chỉ trích ông Morsi, nói rằng ông cần hành động nhiều hơn để giải quyết những quan ngại của người dân Ai Cập. Bà Psaki từ chối đề cập tới quân đội Ai Cập hay trả lời câu hỏi rằng liệu việc quân đội đứng lên nắm quyền có phải là hành động đảo chính hay không. Bà nhấn mạnh nhiều lần rằng "chúng tôi không đứng về phía nào cả". Ngay sau khi ông Morsi bị lật đổ, các quan chức Mỹ vẫn giữ im lặng, song các cuộc thảo luận khẩn cấp đang được lên kế hoạch tổ chức tại Nhà Trắng. Bộ Ngoại giao đã ra lệnh sơ tán nhân viên Đại sứ quán Mỹ ở Cairô.


Kể từ khi ông Morsi lên cầm quyền tháng 6/2012, Oasinhtơn đã tìm cách thúc đẩy ông đáp ứng những kỳ vọng lớn rằng việc ông đắc cử sẽ đánh dấu "buổi bình mình" của một kỷ nguyên mới dân chủ hơn. Nhằm thể hiện sự ủng hộ đối với Ai Cập, Ngoại trưởng Mỹ khi đó là bà Hillary Clinton đã tới Quảng trưởng Tahrir vào tháng 3/2011, sau khi chế độ tồn tại trong suốt 30 năm của ông Hosni Mubarak bị lật đổ. Năm 2012, bà trở lại Cairô để gặp ông Morsi chỉ vài ngày sau khi ông đắc cử. Tuy nhiên, khi đó bà đã gặp phải các đám đông đang la ó phản đối vì cho rằng Oasinhtơn hậu thuẫn một nhà lãnh đạo Hồi giáo và để cho lời cam kết của cuộc cách mạng không được thực hiện. Trong bối cảnh mọi thứ đang dần mất kiểm soát, tháng 9/2012, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã thể hiện sự thất vọng của Mỹ khi trong một chương trình phỏng vấn trên truyền hình đã nói rằng "tôi không cho rằng chúng tôi sẽ coi họ (chính quyền Hồi giáo tại Ai Cập) là đồng minh, nhưng chúng tôi cũng không coi họ là kẻ thù".


Tuy nhiên, việc quân đội Ai Cập lật đổ vị tổng thống đầu tiên của đất nước được bầu ra một cách dân chủ đã đẩy Oasinhtơn vào tình thế "tiến thoái lưỡng nan" không mấy dễ chịu, và có khả năng gây ảnh hưởng tới khoản viện trợ quân sự hàng năm trị giá 1,3 tỷ USD mà Mỹ hào phóng cung cấp cho Ai Cập. Theo luật pháp Mỹ, Oasinhtơn có thể sẽ phải đình chỉ khoản viện trợ quân sự này cũng như đình chỉ việc viện trợ hàng triệu USD khác nhằm mục đích hỗ trợ kinh tế Ai Cập.


Brian Dooley, làm việc tại tổ chức "Nhân quyền Trước tiên", cho rằng mặc dù điều đã xảy ra tại Ai Cập "về mặt hình thức, có thể coi là một cuộc đảo chính" song không cần thiết phải coi đây là hành động "làm gián đoạn sự phát triển dân chủ của Ai Cập". Ông lập luận rằng ông Morsi "đã đưa đất nước đi theo hướng chống lại dân chủ", nói thêm rằng các sự kiện vừa qua nên được coi là lời kêu gọi Oasinhtơn thức tỉnh.


Nhiều người Ai Cập đã hoan nghênh việc quân đội can thiệp và cho rằng quân đội - chủ yếu do Mỹ huấn luyện và trang bị - sẽ hành động nhằm bảo vệ nền dân chủ non trẻ của đất nước. Ngoại trưởng Mỹ John Kerry đầu năm nay ca ngợi quân đội Ai Cập vì đã ngăn chặn một cuộc nội chiến trong thời kỳ bất ổn năm 2011, mặc dù sau đó phải mất một thời gian quân đội nước này mới chịu bước sang một bên. Tháng 4/2013, ông Kerry đã phát biểu trước Hội đồng Quan hệ Đối ngoại Thượng viện: "Tôi cho rằng quân đội Ai Cập là sự đầu tư tốt nhất mà Mỹ đã làm trong nhiều năm qua tại khu vực này. Thẳng thắn mà nói, quân đội Ai Cập là một chủ thể đáng tin cậy đến không ngờ trong tình hình hiện nay".


Một chính phủ mới hoạt động với đầy đủ các chức năng tại Cairô sẽ giúp Oasinhtơn cảm thấy nhẹ gánh rất nhiều, trong bối cảnh Mỹ đang tìm cách đạt được tiến triển trong những vấn đề toàn cầu khác, bao gồm tiến trình hòa bình Trung Đông và cuộc xung đột tại Xyri.

 

TTK

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN