Tòa án Hiến pháp Thái Lan hôm nay đã phán quyết rằng cuộc tổng
tuyển cử ở nước tháng 2 vừa qua không có hiệu lực. Động thái này được
cho là làm sâu sắc thêm bế tắc chính trị ở Thái Lan sau nhiều tuần xảy
ra biểu tình trên đường phố phản đối chính phủ. Theo người
phát ngôn của tòa án trên, tòa đưa ra phán quyết trên cơ sở cuộc bầu cử
đã không diễn ra trong cùng một ngày trên cả nước, và điều này vi phạm
quy định của Hiến pháp. Tòa án này cũng yêu cầu Ủy ban bầu cử (EC) của
Thái Lan và chính phủ tạm quyền ấn định ngày tổ chức một cuộc bầu cử
mới.
Kết quả cuộc tổng tuyển cử hồi tháng 2 tại Thái Lan đã bị Tòa án Hiến pháp bác bỏ.
|
Cuộc bầu cử được tổ chức ngày 2/2, nhưng cho đến nay
chưa hoàn tất do người biểu tình phong tỏa nhiều khu vực bầu cử, ngăn
cản các ứng cử viên đến đăng ký tranh cử và khiến nhiều địa điểm bỏ
phiếu phải đóng cửa. Đảng Dân chủ (DP) đối lập tẩy chay cuộc bầu cử này,
cho rằng bầu cử không giúp chấm dứt được tình trạng căng thẳng chính
trị kéo dài ở Thái Lan. Trong khi đó, thủ lĩnh biểu tình Suthep
Thaugsuban yêu cầu tiến hành cải cách trước khi tổ
chức bầu cử, khẳng định người biểu tình sẽ tìm cách để cuộc bầu cử mới
không có hiệu lực.
Phản ứng trước phán quyết trên của Tòa án
Hiến pháp, đảng Puea Thai (Vì nước Thái) cầm quyền cho rằng đây là
một động thái "đáng tiếc" và sẽ tạo "tiền lệ xấu".
Trước khi
Tòa án Hiến pháp ra phán quyết, phát ngôn viên đảng DP đối lập ngày 20/3
cho biết cho dù cuộc bầu cử ngày 2/2 không có hiệu lực, nhưng có thể
đảng này không tham gia cuộc bầu cử mới.
Theo số liệu của
EC, khoảng 20,1 triệu cử tri (tương đương 46,79% số cử tri trên cả nước)
đã tham gia bỏ phiếu tại 68 tỉnh thành trong cuộc tổng tuyển cử ngày
2/2. Có 28 điểm bỏ phiếu tại 8 tỉnh không có ứng cử viên đăng ký do bị
người biểu tình cản trở.
TTXVN/Tin Tức