Mừng thọ là một phong tục cổ truyền của dân tộc ta, thể hiện lòng kính trọng người cao tuổi (nói chung), đạo hiếu của con cái đối với ông bà, cha mẹ (nói riêng). Ngày nay, khi kinh tế phát triển, tổ chức lễ mừng thọ thế nào cho phù hợp vẫn là điều trăn trở của nhiều gia đình, nhiều địa phương.
Tổ chức lễ mừng thọ cho các cụ sao cho văn minh, trang trọng, tiết kiệm, có văn hóa là một điều không dễ, nhất là ở địa bàn nông thôn vẫn còn có tư tưởng nặng về ăn uống linh đình. Đặc biệt có những gia đình khá giả hoặc có chức có quyền, muốn mượn lễ mừng thọ để phô trương thanh thế hoặc trục lợi cá nhân, điều đó hoàn toàn trái với ý nghĩa mừng thọ.
Lâu nay việc tổ chức lễ mừng thọ được các địa phương tổ chức trong khoảng thời gian từ ngày mồng 4 Tết cho đến rằm tháng Giêng âm lịch. Các cụ cao tuổi được mời về nhà văn hóa hoặc trụ sở UBND xã, phường, để tổ chức, một vị cán bộ của xóm đọc diễn văn chúc mừng. Sau đó là các tiết mục văn nghệ của đoàn thanh niên, các cháu thiếu nhi, các cụ đọc và ngâm thơ chúc mừng. Hội người cao tuổi hoặc lãnh đạo xã, phường trao trướng hoặc bằng mừng thọ cho các cụ. Tiệc ngọt có rượu, bánh kẹo do quỹ của xóm hoặc bà con tự nguyện đài thọ. Tan cuộc vui chung ở xóm, các cụ trở về chung vui cùng gia đình và con cháu.
Nên tổ chức theo cách này vì vừa tạo điều kiện cho cả cộng đồng có điều kiện gặp gỡ đầu xuân, chúc mừng và thăm hỏi lẫn nhau, vừa không tốn kém về vật chất mà tăng thêm đời sống tinh thần. Tuy nhiên trong nội dung lễ mừng thọ, ban tổ chức nên có phần tôn vinh, nêu gương các cụ có nhiều thành tích trong việc nuôi dạy con cháu thành đạt, nêu gương sống mẫu mực xây dựng gia đình hòa thuận, hạnh phúc. Sau phần tôn vinh và nêu gương, cần có phần tặng hoa và quà cho các cụ. Nơi có điều kiện nên tổ chức chụp ảnh lưu niệm cho các cụ để trưng bày tại nhà văn hóa. Làm được như vậy, ý nghĩa của buổi lễ mừng thọ thật sâu sắc và thật sự ghi dấu ấn trong đời sống của các cụ và nhân dân.
Ở một số địa phương có thành lập được CLB thơ ca, hát dân ca... Những năm gần đây xuất hiện thêm hình thức mừng thọ mới. Tại buổi lễ mừng thọ, các cụ thay nhau đọc thơ, ngâm thơ, xướng họa. Cùng với rượu, bánh kẹo, hoa quả, với hình thức này thêm đậm đà, thi vị, đậm đà sắc màu văn hóa... Nhưng nếu tổ chức không khéo thì dễ biến thành buổi sinh hoạt thơ của người cao tuổi, dễ sa vào cảnh các cụ hay thơ đọc cho nhau nghe, còn con cháu đứng ngoài cuộc. Vì thế, cần xen kẽ các tiết mục đọc thơ của các cụ là các tiết mục văn nghệ của con cháu chúc mừng và tặng hoa cho ông bà.
Ngoài những hình thức nói trên, hiện nay việc mừng thọ chủ yếu diễn ra ở từng gia đình có người thọ trên 70 tuổi, có phần lễ và phần tiệc mặn. Với việc mừng thọ ở từng gia đình, cần tổ chức vui vẻ, tránh rườm rà và các thủ tục không cần thiết. Có tiệc mặn nhưng không nên tổ chức linh đình, lãng phí, phô trương, cầu kỳ tốn kém. Cái chính cần nói được là lòng hiếu thảo, kính trọng và thương yêu cha mẹ và người cao tuổi.
Tóm lại, dù tổ chức theo cách nào, lễ mừng thọ cũng cần đạt được yêu cầu thể hiện lòng kính trọng người cao tuổi, vui vẻ, trang trọng, tiết kiệm, chú trọng nhiều đến yếu tố văn hóa, tinh thần, để sau những buổi lễ mừng thọ, các cụ sống vui, sống khỏe, sống lâu hơn, để cùng con cháu và cộng đồng xây dựng cuộc sống ngày càng đẹp hơn.
Vũ Ba Lan