Từ đầu năm đến nay, cả nước phát hiện 77.895 ca tay chân miệng tại 63 tỉnh, thành trong cả nước, trong đó 137 ca tử vong và trung bình mỗi tuần phát hiện hơn 2.000 ca bệnh. “Vì sao ngành chức năng chưa công bố dịch tay chân miệng” là câu hỏi được nhiều phóng viên đặt ra tại cuộc gặp mặt giữa Bộ Y tế và báo giới chiều 25/10 nhằm phối hợp tuyên truyền phòng, chống các bệnh dịch nguy hiểm và mới nổi.
Số ca mắc và tử vong vì bệnh tay chân miệng (TCM) đang tăng hàng ngày, hàng giờ tại nhiều tỉnh, thành. Vậy tại sao các địa phương hoặc ngành không công bố dịch TCM?
PGS.TS Nguyễn Thị Kim Tiến, Bộ trưởng Bộ Y tế khẳng định: “Hiện nay, Việt Nam đang có dịch TCM, song chưa đến mức phải công bố”.
Khám bệnh tay chân miệng cho trẻ tại Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP Hồ Chí Minh). Ảnh: Phương Vy - TTXVN |
Căn cứ theo Luật Truyền nhiễm, phải có 2 địa phương công bố dịch thì ngành y tế mới công bố dịch. Tất nhiên, ngành y tế cũng có thể công bố dịch trong trường hợp quy mô bệnh dịch vượt quá kiểm soát, tác nhân thay đổi, biến đổi, tác nhân gây bệnh chưa biết; các biện pháp phòng chống không hiệu quả…
Hơn nữa, tình hình dịch TCM ở một số nước trong khu vực diễn biến phức tạp, tỷ lệ tử vong đến 30%, nhưng đến ngày 24/10, cũng chưa nước nào công bố dịch. Trong khi đó, ở nước ta tỷ lệ tử vong chiếm 3% trên tổng số trẻ mắc.
Dịch TCM là một bệnh vẫn lưu hành tại Việt Nam, số ca mắc tập trung chủ yếu ở khu vực phía Nam, ở trẻ dưới 5 tuổi. “Như mọi năm, số ca mắc vẫn tăng cao vào thời điểm đỉnh dịch (tháng 9- 11) và chắc chắn vào những tháng sau, dịch sẽ giảm. Như vậy, căn cứ cả vào lý thuyết lẫn thực tiễn thì chưa cần thiết phải công bố dịch”, PGS.TS Nguyễn Kim Tiến khẳng định.
Để chủ động phòng chống bệnh TCM được nhận định là vẫn có xu hướng diễn biến phức tạp, Bộ Y tế đã thành lập 16 đoàn kiểm tra liên ngành tại các tỉnh, thành phố trọng điểm. Phối hợp với ngành giáo dục phòng chống bệnh dịch TCM trong trường học năm học 2011-2012. Cấp phát Chloramin B, trang thiết bị cần thiết cho các Viện Pasteur TP Hồ Chí Minh, Pasteur Nha Trang và các địa phương để phòng chống bệnh dịch. “Chúng tôi đã mời chuyên gia quốc tế về vi sinh, dịch tễ, điều trị, truyền thông... tới Việt Nam để trao đổi kinh nghiệm, tăng cường các biện pháp phòng chống dịch TCM”, PGS.TS Nguyễn Thị Kim Tiến nói.
Nhưng theo Bộ trưởng Bộ Y tế, để công tác phòng dịch TCM đạt hiệu quả thì ý thức và hành vi thực hành, đảm bảo vệ sinh của người dân là vô cùng quan trọng. Các bà mẹ, người chăm sóc trẻ cần rửa tay bằng xà phòng trước và sau khi cho trẻ ăn và đi vệ sinh, thực hiện ăn chín uống sôi, sử dụng thực phẩm an toàn, thường xuyên khử trùng môi trường, đồ dùng chăm sóc trẻ nhỏ. Tới đây Bộ Y tế sẽ tăng cường nguồn lực đầu tư cho công tác truyền thông phòng chống dịch bệnh.
Hy vọng với việc tuyên truyền “trúng đích”, người dân sẽ thay đổi hành vi, hạn chế nguy cơ lây nhiễm bệnh TCM cho bản thân và cho cộng đồng.
Cần sự vào cuộc và giám sát chặt chẽ của các địa phương
TS Nguyễn Văn Bình, Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng: Bộ Y tế đã thành lập 16 đoàn kiểm tra công tác phòng chống dịch tại các địa phương trọng điểm. Đến nay đã kiểm tra được 33 tỉnh, thành. Kết quả kiểm tra cho thấy, các địa phương vẫn kiểm soát được dịch TCM, chưa có địa phương nào tới mức phải công bố mà không công bố dịch.
Dịch bệnh TCM ở nước ta tiếp tục diễn biến phức tạp trong những tháng tới, gia tăng số mắc, tử vong vì những nguyên nhân sau: Theo thống kê hàng năm bệnh TCM tăng cao từ tháng 9 – 11. Bệnh TCM lây truyền do virút đường ruột, chưa có vắcxin phòng bệnh, không có thuốc điều trị đặc hiệu. Bệnh lây theo đường tiêu hóa và tiếp xúc trực tiếp, đặc biệt tỷ lệ người lành mang trùng cao nên dịch bệnh lây lan rất phức tạp.
Vì vậy, biện pháp phòng dịch chủ yếu dựa vào nhận thức của cha mẹ và người chăm sóc trẻ. Nhưng để thay đổi hành vi của người dân thì không phải là một việc một sớm một chiều nên rất cần sự vào cuộc và giám sát chặt chẽ hơn nữa của các địa phương.
Về phía ngành y tế, chúng tôi sẽ tiếp tục đi kiểm tra, chỉ đạo công tác phòng chống bệnh TCM tại các tỉnh, thành phố trọng điểm. Tăng cường truyền thông về các biện pháp phòng, chống bệnh TCM nhằm nâng cao nhận thức của các bậc cha mẹ, người dân trong việc chủ động, tự giác thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh. Tăng cường giám sát, phát hiện sớm, khoanh vùng, xử lý triệt để ổ dịch. Đồng thời, tăng cường lấy mẫu các trường hợp mắc bệnh, nhất là các trường hợp nặng, có biến chứng xác định sự lưu hành của týp virút gây bệnh và theo dõi sự biến đổi của virút...
GS, TS. Phạm Song, nguyên Bộ trưởng Bộ Y tế, Chủ tịch Hội Truyền nhiễm Việt Nam: Quan trọng nhất hiện nay là tập trung nêu rõ nguồn lây bệnh để người dân nâng cao ý thức tự phòng chống. Nhất là việc đứa trẻ khỏi bệnh TCM rồi nhưng ít nhất là 3 tuần sau phân của nó vẫn còn virút gây bệnh. Do vậy, phải xử lý thật sạch nguồn phân thì mới hết mầm bệnh. Đặc biệt chú ý rửa tay bằng xà phòng theo 6 bước và sau đó xoa thêm cồn 70 độ nữa thì càng tốt. Quần áo của trẻ bị bệnh cũng phải nhúng nước sôi để khử khuẩn. Thứ hai là phải gửi mẫu bệnh phẩm đến các Trung tâm kiểm soát dịch bệnh nổi tiếng của thế giới để tìm hiểu xem vì sao bệnh TCM năm nay lại tăng đột biến như thế ở nước ta, từ đó tìm ra biện pháp kỹ thuật để khống chế dịch. Sau đó mới đến các biện pháp mà ngành y tế đang đưa ra.
Ông Nguyễn Nhật Cảm, Phó Giám đốc Trung tâm y tế Dự phòng Hà Nội: Người dân không nên hoang mang trước thông tin tỉnh này hoặc tỉnh kia công bố dịch hoặc công bố dịch hay không. Bệnh TCM chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, không có vắcxin phòng tránh. Bởi vậy, biện pháp phòng bệnh quan trọng nhất vẫn là giữ gìn vệ sinh bàn tay, vệ sinh cá nhân, vệ sinh môi trường… |
8 nguyên tắc phòng bệnh tay chân miệng
1- Rửa tay cho trẻ nhiều lần trong ngày bằng xà phòng và nước sạch. 2- Không để trẻ mút tay hoặc đưa đồ chơi lên miệng. 3- Cho trẻ ăn chín, uống chín. Không ăn chung thìa bát. 4- Luộc sôi hoặc ngâm Chloramin B 2% quần áo, tã lót của trẻ trước khi giặt sạch. 5- Thường xuyên vệ sinh đồ chơi, sàn nhà bằng xà phòng, Chloramin B 2% hoặc các chất sát khuẩn thông thường. 6- Người chăm trẻ phải rửa tay nhiều lần trong ngày bằng xà phòng và nước sạch, nhất là trước khi chế biến thức ăn, trước khi cho trẻ ăn và sau khi vệ sinh cho trẻ. 7- Khi thấy trẻ bị sốt và xuất hiện nốt phỏng ở bàn tay, bàn chân hoặc niêm mạc miệng, cần đưa trẻ đến ngay cơ sở y tế để được khám và điều trị. 8- Trẻ mắc bệnh phải được nghỉ học và không tiếp xúc với trẻ khác. Thu gom xử lý phân của trẻ bằng Chloramin B, vôi bột hoặc tro bếp… Tránh làm vỡ các nốt phỏng của trẻ. |
TTN - Phương Liên thực hiện