Là người Việt Nam, ai ai cũng biết và gìn giữ một cách trân trọng tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương - sự hội tụ của những giá trị văn hóa từ ngàn xưa.
Theo thời gian, những “trầm tích” của lớp văn hóa thời Hùng Vương dần dần được người dân khám phá và cũng từ những lớp văn hóa truyền thống ấy, người dân ở đôi bờ sông Thao đã dần hình thành và bồi tụ thành những phong tục, tín ngưỡng thờ Hùng Vương trong đời sống thường ngày. Ý thức dân tộc, ý thức nguồn cội và ý niệm về tổ tiên cũng theo thời gian mà trở nên phong phú và bền vững. Với người dân đất Việt nói chung và người dân vùng trung du Phú Thọ nói riêng, thờ cúng Hùng Vương chính là thờ tự và tri ân công đức của vị thủy tổ của dân tộc, của đất nước.
Đền Chu Hưng ở huyện Hạ Hòa nơi thờ Côn Nhạc đại vương một vị tướng thời Hùng Vương. |
Lan tỏa mọi miền
Theo các tư liệu lịch sử và thống kê của các nhà nghiên cứu, trên toàn bộ lãnh thổ Việt Nam hiện có 1.417 địa điểm có di tích thờ cúng các Vua Hùng và các nhân vật liên quan đến thời đại Hùng Vương. Bởi vậy, có thể khẳng định, tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương không chỉ bó hẹp ở khu vực tỉnh Phú Thọ mà còn có sức lan tỏa ở khắp mọi miền đất nước. Và dĩ nhiên, trên một ngàn địa điểm thờ cúng Hùng Vương không phải được hình thành cùng một lúc mà theo thời gian, như lớp phù sa lắng đọng và bồi tụ trong tâm thức người Việt, mỗi địa điểm di tích lại gắn liền với một tín ngưỡng thờ cúng và tri ân công đức của tiên tổ.
Đền Hùng - nơi hội tụ hồn thiêng dân tộc. |
Ở vùng trung du Phú Thọ, nơi phụng thờ, hương khói các vị vua Hùng là núi Nghĩa Lĩnh. Ngọn núi này không chỉ đẹp về địa thế hữu tình mà còn là nơi linh thiêng hội tụ những giá trị của tín ngưỡng. Nơi đây, vào mùng 10 tháng 3 âm lịch hằng năm, dù ở phương trời nào, dù không về được thắp nén nhang trầm nhưng muôn dân đất Việt vẫn hướng trái tim mình về để được tự hào với dòng máu con Lạc cháu Hồng của mình, để ý thức được con người mình trong cuộc sống hôm nay:
Dù ai đi ngược về xuôi
Nhớ ngày giỗ Tổ mùng 10 tháng 3
Khắp miền truyền mãi câu ca
Nước non vẫn nước non nhà ngàn năm
Ở núi Nghĩa Lĩnh với đền Hạ, đền Trung và đền Thượng cùng lăng mộ vua Hùng, hằng năm, tỉnh Phú Thọ và khu di tích đón hàng triệu du khách thập phương về tri ân công đức các Vua Hùng. Từ những người con miền biển, miền rừng núi, khắp Bắc, Trung, Nam đến những Việt kiều đang làm ăn sinh sống ở nước ngoài, không ai quên tổ tiên của mình, họ về thắp nén hương để cúi đầu trước anh linh tiên tổ. Có những người khi rời đền Hùng, đã xin được mang đi chút đất nơi Nghĩa Lĩnh và chai nước nơi giếng Hùng để giữ hơi ấm quê hương bên mình...
Theo các tư liệu lịch sử và thống kê của các nhà nghiên cứu, trên toàn bộ lãnh thổ Việt Nam hiện có 1.417 địa điểm có di tích thờ cúng các Vua Hùng và các nhân vật liên quan đến thời đại Hùng Vương. |
Đình miếu Phượng An nơi thờ Thánh Tản Viên. |
Xung quanh ngọn Nghĩa Lĩnh linh thiêng, có 99 ngọn núi cùng chụm đầu vào Đất Tổ và ở quanh vùng, làng xóm trù mật, dân cư đông đúc từ bao đời đã tạo dựng cho mỗi làng, mỗi xã một tín ngưỡng thờ Hùng Vương cùng những vị tướng, những nhân vật thời Hùng Vương. Chính điều này, vừa là sự hội tụ, vừa làm phong phú và đa dạng tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương. Trên địa bàn tỉnh Phú Thọ có 46 di tích ở 29 xã mà nhân vật phụng thờ chính là Hùng Vương; tại các huyện có tới 108 di tích lịch sử ở 52 xã thờ các vị tướng, các nhân vật truyền thuyết thời Hùng Vương. Đa số các di tích này đều được công nhận là di tích cấp tỉnh, cấp quốc gia và đi liền với tín ngưỡng đó là những lễ hội mang bản sắc văn hóa làng của mỗi khu vực. Các vị thần trong niềm ngưỡng vọng của nhân dân được các đền, miếu thờ tự như: Đột Ngột Cao sơn thánh vương, Ất Sơn thánh vương, Viễn Sơn thánh vương, Cao sơn đại vương. Có thể kể đến các di tích như: Đền Lăng Xương (nơi thờ gốc gia đình Tản Viên Sơn thánh), đền Đào Xá thờ Hùng Hải Vương, Đình Đào Xá, Đình Hạ Bì Trung thờ Tản Viên Sơn thánh, đình Thạch Khoán thờ Thánh Tản Viên và các công chúa thời Hùng Vương như Tiên Dung, Ngọc Hoa, Mị Nương, đền Chu Hưng (Hạ Hòa) thờ Côn Nhạc đại vương…
Đa dạng lễ hội ở mỗi làng quê
Đi liền với mỗi di tích là các lễ hội dân gian: Lễ hội Đình Viễn Lãm (xã Bảo Yên) thờ vị Tuấn Vương thời Hùng Vương tổ chức vào ngày mùng 7 tháng giêng với nghi thức tế lễ, rước kiệu, đánh cờ tướng. Lễ hội Đình Đào Xá (xã Đào Xá) tổ chức vào 28-29 tháng giêng hàng năm. Đình thờ Hùng Hải Công, đền thờ ba vị thủy thần húy là Tam Công con của Hùng Hải Công. Hiện nay, lễ hội vẫn được bảo tồn tổ chức rất trọng thể với phần lễ trang nghiêm, phần hội gồm nhiều trò chơi dân gian tiêu biểu như rước voi trận, kéo lửa thổi cơm thi, kéo co, chọi gà, thi làm cỗ thờ, bơi chải… Lễ hội Đền Lăng Sương hay còn gọi là Đền Thánh Mẫu (xã Trung Nghĩa) tổ chức vào ngày rằm tháng giêng hàng năm thờ mẹ Đức Thánh Tản Viên Sơn với nhiều hoạt động lễ hội phong phú như: Tế, lễ, rước kiệu, kéo co, hát chèo, hát xoan, hát nhà trò, hát bội…
Lễ hội tại các làng quê ven sông Thao nơi có di tích thờ Hùng Vương. |
Với đạo lý hướng về cội nguồn, tri ân công đức tổ tiên, dọc hữu ngạn và tả ngạn sông Thao, ở những di tích lớn nhỏ khác nhau, vua Hùng và các vị thần có công khai khẩn, giúp cho dân an cư được nhân dân thờ tự trang trọng. Dọc triền sông này, đã thống kê được trên 400 di tích là đền, đình, miếu thờ tự Hùng Vương. Vào những dịp lễ hội, cư dân quanh vùng lại chuẩn bị những sản vật là đặc sản do chính bàn tay con người làm ra để dâng lên Vua Hùng và các vị thần. Phải kể đến là bánh chưng bánh dày - một nét đẹp văn hóa, biểu tượng của trời và đất, gắn liền với truyền thuyết Lang Liêu và việc dạy dân trồng lúa nước của các vua Hùng. Những đặc sản như lợn đen, xôi vò, gà chín cựa, chè lam, rượu mọng… , được dân chúng trong vùng sửa soạn để lễ vua, lễ thánh trong ngày hội. Những đặc sản tinh thần của làng quê Văn Lang xưa cũng được người dân lưu giữ và biểu diễn vào dịp lễ hội. Đó là di sản hát xoan, hát ghẹo, hát trống quân, cùng những trò chơi dân gian như hội cướp phết, trò chơi linh tình phộc, bơi chải trên sông Hồng, chọi gà…
Người dân dâng lễ lên các vị tướng thời Hùng Vương. |
Như một mạch nguồn văn hóa trong tâm thức người Việt, tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương từ xa xưa cho đến hôm nay đã được hình thành, tồn tại và phát triển hết sức phong phú và đa dạng ở muôn nơi trên đất nước Việt Nam. Điều quan trọng hơn cả là tín ngưỡng này đã có sức sống và in sâu vào tâm thức mỗi con người mang trong mình dòng máu Lạc Hồng. Tri ân công đức tổ tiên, hướng về cội nguồn và bồi đắp thêm niềm tự hào là tâm niệm và tấm lòng của mỗi người con khi hướng về Đất Tổ.
Bài và ảnh:Nguyễn Thế Lượng