Tín hiệu tích cực từ mùa chia cổ tức

Nhiều chuyên gia kinh tế dự báo, năm 2015 dù kinh tế vĩ mô và thị trường chứng khoán (TTCK) còn nhiều biến động khó lường, nhưng xu hướng sẽ có chuyển biến tích cực bởi nền kinh tế đã ổn định hơn. Mùa chia cổ tức năm nay nhiều nhà đầu tư hân hoan vì lợi nhuận các doanh nghiệp (DN) công bố rất khả quan.

Nhà đầu tư theo dõi TTCK tại CTCK Rồng Việt.


Nhiều DN trả cổ tức “khủng”

Mới đây, CTCP Kinh Đô (HOSE: KDC) đã lấy ý kiến cổ đông về chính sách cổ tức đặc biệt năm 2015. Cụ thể, sau khi hoàn tất bán 80% cổ phần tại Kinh Đô Bình Dương, KDC dự kiến chia cổ tức tiền mặt, tỷ lệ 200%, tức là mỗi cổ phần sở hữu cổ đông sẽ nhận được 20.000 đồng. Với hơn 235 triệu cổ phần đang lưu hành, KDC sẽ chi ra hơn 4.700 tỷ đồng tiền mặt để chi trả. Trước thông tin này, phiên giao dịch ngày 27/1, cổ phiếu KDC đã tăng trần lên 49.000 đồng/cổ phiếu, khối lượng khớp lệnh bất ngờ tăng vọt lên hơn 5,4 triệu đơn vị. Trong khi đó, bình quân giao dịch trong 3 tháng gần đây của KDC chỉ ở mức 1,2 triệu đơn vị/phiên.

Trước đó, Tổng công ty Khí Việt Nam (GAS) đã thông báo chốt quyền nhận cổ tức vào ngày 15/12/2014 để đến ngày 7/1/2015, tiến hành tạm ứng cổ tức đợt 2/2014 bằng tiền mặt cho cổ đông với tỷ lệ 18%. Với 1,895 tỷ cổ phiếu đang lưu hành, GAS dự kiến sẽ chi ra khoảng 3.411 tỷ đồng cho lần trả cổ tức này. Trước đó, GAS đã chi hơn 2.800 tỷ đồng để tạm ứng cổ tức đợt 1/2014 với tỷ lệ 15%. Tuy nhiên, đây vẫn chưa phải là lần trả cổ tức cuối cùng của GAS. Đại hội cổ đông thường niên của GAS đã thông qua phương án chi 8.454 tỷ đồng, tương đương 44,6% vốn điều lệ, để trả cổ tức năm 2014 cho cổ đông.

Với CTCP Sữa Việt Nam (Vinamilk, VNM), việc chốt quyền nhận cổ tức tỷ lệ 20% bằng tiền mặt và nhận cổ phiếu thưởng tỷ lệ 20% hồi trung tuần tháng 8/2014 đã khiến VNM chi ra khoảng 1.668 tỷ đồng để trả cổ tức và phát hành thêm 166,8 triệu cổ phiếu mới. Hồi tháng 5/2014, VNM cũng đã chi lượng tiền tương đương để trả 20% cổ tức bằng tiền. Còn Công ty cổ phần Dịch vụ hàng không sân bay Đà Nẵng (mã: MAS) cũng sẽ tiếp tục tạm ứng cổ tức bằng tiền mặt đợt 2/2014 vào ngày 12/2/2015 với tỷ lệ 40% trên vốn điều lệ. Trước đó, vào ngày 25/9/2014, MAS đã tạm ứng trả cổ tức bằng tiền mặt đợt 1/2014 với tỷ lệ 40%.

Nhiều DN khác cũng trả cổ tức khá cao như: Fideco (FDC) đã tạm ứng cổ tức 36% và tăng mức chia cổ tức cả năm từ 12% lên 48%; Thủy sản Minh Phú (MPC) và Vận tải Safi (SFI) cùng 50% bằng tiền mặt; Đạm Phú Mỹ (DPM) cũng là 50%, CTCP Sadico Cần Thơ (SDG) và CTCP Dược phẩm Hà Tây (DHT) tạm ứng cổ tức 20%...

Lạc quan từ khối ngoại

Theo đánh giá của các chuyên gia tài chính, năm 2014 nền kinh tế vĩ mô tương đối ổn định, đặc biệt hoạt động sản xuất kinh doanh của các các DN đã có sự phục hồi nhờ sự tác động và hỗ trợ trực tiếp từ cơ chế chính sách của Chính Phủ, ngân hàng... Chính vì vậy, phần lớn những DN niêm yết năm 2014 đều làm ăn thuận lợi và có lợi nhuận.Các DN công bố chia cổ tức chủ yếu là bằng tiền mặt, mức chia tỷ lệ thấp nhất là 4%/cổ phiếu và cao nhất đến 200%/cổ phiếu. Đây là tín hiệu đáng mừng và lạc quan của TTCK.

Tuy nhiên, bên cạnh những DN đạt được lợi nhuận khá cao thì vẫn có một “góc xám” thua lỗ trong tổng thể bức tranh TTCK năm 2014. Bởi lợi nhuận năm 2014 vẫn chưa đủ để bù đắp cho mức lỗ lũy kế của các năm trước. Mặt khác, khi Việt Nam gia nhập các Hiệp định thương mại tự do, các DN còn phải đứng trước sức ép cạnh tranh của những DN khác từ khối ngoại cùng lĩnh vực tràn vào thị trường Việt Nam. Theo đó, TTCK năm 2015 sẽ có nhiều thử thách và biến động khó lường.

Dù vậy, nhiều nhà đầu tư lạc quan TTCK năm 2015 sẽ vẫn trong xu hướng tích cực nhờ khối ngoại. Thực tế, năm 2014 đã có nhiều nhà đầu tư ngoại rót vốn vào TTCK và dẫn dắt thị trường đi lên. Chỉ tính trên sàn HOSE, giao dịch của khối ngoại có mức tăng trưởng ấn tượng với hơn 536.460 nghìn tỷ đồng, gấp đôi năm 2013. Nếu như 2 quý nửa đầu năm nhà đầu tư ngoại mua nhiều hơn bán thì sang nửa cuối năm, họ đã bán nhiều hơn mua. Đặc biệt, trong quý 3 họ đã hoạt động giao dịch cao hơn hẳn so với 3 quý còn lại trong năm. Như vậy, có thể thấy các nhà đầu tư ngoại đang dần chú ý hơn tới TTCK Việt Nam.

Ông Lê Hải Trà, Phó Tổng Giám đốc Sở GDCK TP Hồ Chí Minh cho biết, để thu hút nhà đầu tư ngoại tham gia thị trường trong năm 2015, dự kiến tháng 7/2015 HOSE sẽ áp dụng thông lệ quốc tế vào xây dựng và phân ngành các doanh nghiệp theo cách làm mà đại bộ phần nhà đầu tư trên thế giới áp dụng. Một vấn đề khá quan trọng là để thu hút vốn ngoại, HOSE đang thực hiện nhiều giải pháp để nâng hạng thị trường chứng khoán Việt Nam lên nhóm thị trường mới nổi, qua đó mức độ giải ngân của các quỹ đầu tư ngoại sẽ được nâng lên. Một giải pháp khác để thu hút vốn ngoại mà không cần tăng tỷ lệ sở hữu cho nhà đầu tư ngoại (room ngoại) là triển khai sản phẩm NVDR (cổ phiếu không có quyền biểu quyết). Sản phẩm này sẽ giải quyết trở ngại về hạn chế tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài tại các doanh nghiệp niêm yết.


Bài và ảnh: Hải Yên

Bảo Việt chi trả gần 5.000 tỷ đồng cổ tức sau cổ phần hóa
Bảo Việt chi trả gần 5.000 tỷ đồng cổ tức sau cổ phần hóa

Với sự tăng trưởng ổn định trên các lĩnh vực hoạt động, Tập đoàn Bảo Việt (mã CK: BVH) tiếp tục giữ vững cam kết với cổ đông thông qua việc thực hiện chi trả cổ tức năm tài chính 2013 bằng tiền mặt, góp phần quan trọng thực hiện chiến lược phát triển của Tập đoàn Bảo Việt trong giai đoạn 2011-2015.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN