Ngân hàng lợi nhuận thấp, cổ tức giảm

Tính đến hết quý III/2012, hàng loạt thông tin kết quả kinh doanh của các ngân hàng (NH) được công bố. Tuy nhiên, với kết quả kinh doanh không thuận lợi, lợi nhuận thấp đã khiến nhiều cổ đông thất vọng vì cổ tức năm nay không như mong đợi.

 

Lợi nhuận giảm mạnh


Ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP.HCM cho biết, lợi nhuận của các ngân hàng trên địa bàn TP.HCM 10 tháng đầu năm nay chỉ mới bằng 28,5% của cả năm trước.


 

Làm thủ tục cho khách hàng vay vốn tại Ngân hàng Ngoại thương Việt Nam.

Ngân hàng gây chú ý cho dư luận gần đây phải kể đến ACB. Vừa qua, ACB đã công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý III và lũy kế 9 tháng năm 2012. Theo đó, thu nhập và lãi thuần quý II của ACB đạt 1.605 tỉ đồng; lỗ thuần từ hoạt động kinh doanh vàng và ngoại hối là 1.144,45 tỉ đồng. Bên cạnh đó, các hoạt động kinh doanh khác đều bị thua lỗ. Như vậy, mức lợi nhuận của ACB trong 9 tháng đầu năm nay sụt giảm mạnh, chỉ còn 1.086,9 tỉ đồng (năm 2011 đạt 1.858,42 tỉ đồng).
Tương tự, lợi nhuận sau thuế quý III của Ngân hàng Cổ phần Bưu điện Liên Việt (LienVietPosBank) chỉ đạt 67,7 tỉ đồng, bằng 81% so với cùng kỳ năm trước. Theo đó, lũy kế 9 tháng chỉ đạt lợi nhuận 467,9 tỉ đồng, giảm hơn 52% so với cùng kỳ năm 2011. Tại NH Bảo Việt, lợi nhuận sau thuế đạt khiêm tốn là 5,2 tỉ đồng (chưa bằng 1/6 lãi ròng cùng kỳ năm trước), lũy kế 9 tháng đạt 73,8 tỉ đồng, giảm 24,6% so với cùng kỳ.


Tại VCB, hết quý III lợi nhuận kinh doanh trước thuế đạt 4.394 tỷ đồng, bằng 67% kế hoạch năm (6.550 tỷ đồng). Sacombank, Eximbank cũng đang cách đích kế hoạch lợi nhuận năm khá xa. Cụ thể, Sacombank mới đạt 62% chỉ tiêu lợi nhuận trước thuế sau 9 tháng, Eximbank cũng mới thực hiện được 53%.


Cũng theo ông Minh, nguyên nhân chính khiến lợi nhuận các NH sụt giảm là do phải tăng trích lập dự phòng rủi ro tín dụng. Riêng quý III, một số NH bị lỗ nặng do phải mua lại vàng để tất toán tài khoản với khách hàng. Mặt khác, tín dụng tăng trưởng thấp trong khi nợ xấu chưa có dấu hiệu giảm. Chưa kể, 90% lợi nhuận của các ngân hàng đều xuất phát từ tín dụng. Vì vậy, cái khó của NH được lãnh đạo các NH chia sẻ là phải đảm bảo được lợi nhuận để chi trả cổ tức cho cổ đông. Tuy nhiên, muốn được vậy các NH buộc phải duy trì lãi suất ở mức phù hợp để có thể huy động được vốn và cho vay.

 

Cổ tức không mong đợi

Trên thực tế, cổ đông đang nắm giữ cổ phiếu của ngân hàng chỉ kỳ vọng vào cổ tức hàng năm. Còn giá cổ phiếu khó có thể kỳ vọng tăng trưởng trong bối cảnh thị trường chứng khoán chưa hồi phục. Nhưng các NH cho biết, chỉ tiêu lợi nhuận năm khó đảm bảo, thì việc điều chỉnh cổ tức là tất yếu. Thậm chí, ở một số ngân hàng nhỏ trước áp lực tái cơ cấu khả năng sẽ không còn lợi nhuận để chi trả cổ tức, do nợ xấu ở mức cao. Do đó, thời gian gần đây nhiều NH đã họp cổ đông để xin ý kiến điều chỉnh giảm chỉ tiêu lợi nhuận kinh doanh năm, đồng thời bàn kế hoạch chia lại cổ tức mặc dù ngay từ đầu năm 2012, đại hội cổ đông (ĐHCĐ) của các ngân hàng đã công bố tỷ lệ chi trả cổ tức trong năm nay không cao hơn năm 2011 là bao nhiêu.


KienLongBank là ngân hàng đã mạnh dạn giảm một số chỉ tiêu hoạt động kinh doanh trong năm 2012, trong đó có việc giảm tỷ lệ chia cổ tức từ 12% xuống còn 10%. OCB cũng cho biết mức cổ tức năm nay có thể chỉ 5% so với chỉ tiêu 10% đề ra trước đó. Sacombank hiện cũng chưa xác định được tỷ lệ cổ tức chia cho cổ đông năm nay khi chưa chốt được tỷ lệ phải trích lập dự phòng. Vietcombank cũng vừa xin ý kiến cổ đông để điều chỉnh các chỉ tiêu hoạt động kinh doanh năm 2012, hiện kế hoạch điều chỉnh chưa được công bố. Trước đó, Vietcombank dự kiến lãi sau thuế 4.929 tỷ đồng, cổ tức 12%.


Tuy nhiên, cũng có những NH không chia cổ tức được như dự kiến ban đầu trong nghị quyết ĐHCĐ, điển hình như DaiABank phải lùi kế hoạch chi trả cổ tức đợt 1/2012 đến tận tháng 4/2013. Còn VPBank dự kiến chia cổ tức bằng cổ phiếu tỷ lệ 13,46% và phát hành cổ phiếu thưởng tỷ lệ 0,79% cho cổ đông hiện hữu để tăng vốn từ nguồn vốn chủ sở hữu.


Chia sẻ về kế hoạch lợi nhuận năm tới, ông Nguyễn Thanh Toại, Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng Á Châu (ACB), cho rằng kế hoạch lợi nhuận năm tới sẽ không thể khả quan hơn năm nay. Ông Phan Huy Khang, Tổng Giám đốc Sacombank cũng dự báo năm 2013 tình hình kinh tế vẫn còn khó khăn và phức tạp. Theo đó, Sacombank bước đầu đã có kế hoạch chỉ tiêu nợ xấu không quá 2,5%, riêng lợi nhuận thì còn phải cân nhắc.


Tuy nhiên, để viễn cảnh lợi nhuận NH không ảm đạm như năm nay, ông Trần Xuân Hoàng, Phó Tổng Giám đốc NH BIDV cho biết trong thời gian tới, các NH sẽ tập trung vào dịch vụ bán lẻ. Trong đó, tập trung giữ chân khách hàng bằng chất lượng dịch vụ để nâng cao lợi nhuận. Theo đó, dịch vụ internet banking và mobile banking sẽ được các NH hướng tới đẩy mạnh, đây được xem là nguồn thu rất lớn cho các NH.

 

Hải Yên 

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN