Nhiều chuyên gia kinh tế dự báo, thời gian tới tín dụng ngoại tệ sẽ còn tiếp tục giảm do áp lực cơ chế điều hành tỷ giá mới.
Giảm vì tỷ giá tăng cao
Theo báo cáo của Ngân hàng nhà nước (NHNN) chi nhánh TP Hồ Chí Minh, năm 2015 tổng vốn huy động trên địa bàn TP Hồ Chí Minh đạt trên 1.566.870 tỷ đồng, tăng 16,6% so với cuối năm 2014. Trong đó, vốn huy động bằng VND đạt hơn 1.323.800 tỷ đồng, tăng 16,93%; vốn huy động bằng ngoại tệ đạt 243.075 tỷ đồng, tăng 14,82%. Về tổng dư nợ tín dụng, đến cuối năm 2015 đạt hơn 1.234.800 tỷ đồng, tăng 15,6% so với cuối năm 2014. Trong đó, tín dụng bằng VND đạt gần 1.097.000 tỷ đồng, tăng 21,44%; dư nợ tín dụng bằng ngoại tệ đạt 137.817 tỷ đồng, giảm đến 16,23% so với cuối năm 2014.
Dự báo tín dụng ngoại tệ trong năm 2016 sẽ còn giảm mạnh. |
Theo đánh giá của ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó Giám đốc NHNN chi nhánh TP Hồ Chí Minh, so với những năm trước đây thì tình hình vốn huy động trên địa bàn thành phố đã có nhiều cải thiện. Trong đó, tính ổn định của nguồn vốn ngày càng tăng, đáng chú ý là tiền gửi tiết kiệm từ người dân tiếp tục tăng trưởng và chiếm tỷ trọng cao trong tổng huy động vốn (tăng 13,35% và chiếm 52,26%). Nguyên nhân chênh lệch lãi suất tiền gửi giữa VND và ngoại tệ khá xa (khoảng 2%, bao gồm cả mức tăng 5% của tỷ giá) nên tiết kiệm tiền VND tiếp tục là kênh hấp dẫn.
Ngoài ra, sự ổn định của tiền đồng và hiệu quả chính sách, tỷ giá, lãi suất và ngoại hối của NHNN trong thời gian qua đã phát huy tác dụng, không chỉ ổn định kinh tế vĩ mô, thị trường tiền tệ, hoạt động ngoại hối của các tổ chức tín dụng mà còn tác động tích cực đến quá trình chống đô la hóa của nền kinh tế. Tuy nhiên, đây cũng là lý do khiến tín dụng ngoại tệ giảm mạnh trong năm 2015 do yếu tố tỷ giá tác động đến tình hình vay vốn của DN.
Có thể thấy, tỷ giá trong năm 2015 tăng khá cao, đến 5% (gồm cả tăng biên độ). Theo đó, các DN xuất nhập khẩu (XNK) đủ điều kiện vay ngoại tệ đã chủ động điều chỉnh giảm dư nợ vay để giảm thiểu rủi ro. Tuy nhiên, theo ông Minh thì nhu cầu ngoại tệ của DN vẫn được đảm bảo đáp ứng thông qua giao dịch mua - bán ngoại tệ của các NHTM để phục vụ cho hoạt động thanh toán XNK. Diễn biến này là tích cực và phản ánh hiệu quả điều hành chính sách tiền tệ, tỷ giá và lãi suất của NHNN.
DN muốn mua - bán hơn gửi - vay
Nhưng trước cơ chế điều hành tỷ giá mới, nhiều DN XNK không còn lợi khi vay USD như trước nay nên hiện đang có xu hướng chuyển dịch từ gửi và vay vốn bằng ngoại tệ sang mua - bán. Nhiều chuyên gia kinh tế dự báo, điều này sẽ khiến tỷ trọng tiền gửi bằng ngoại tệ và cho vay USD trong thời gian tới ngày càng giảm.
Thực tế cho thấy, tín dụng ngoại tệ cuối năm 2015 chỉ chiếm 11,2% trong tổng dư nợ tín dụng của thành phố. Trong khi đó, tỷ lệ này năm 2014 là 15,41%, năm 2013 là 15,86%, năm 2012 là 22,07% và năm 2011 là 27,08%. Gắn liền với quá trình này, doanh số mua bán ngoại tệ của các NHTM trên địa bàn TP Hồ Chí Minh với DN ngày càng tăng. Cụ thể, năm 2015 doanh số mua bán ngoại tệ đạt khoảng 102.253 triệu USD, tăng 15,16% so với năm 2014.
Ông Phạm Hồng Hải, Tổng giám đốc Ngân hàng HSBC Việt Nam, cho biết hiện có một số DN đang cân nhắc chuyển đổi khoản nợ đô la Mỹ sang nợ bằng tiền đồng do đang phải gánh lãi suất tiền đồng cao hơn ngoại tệ, điển hình như Công ty cổ phần Giấy Sài Gòn (SGP). Theo ông Hải, về lý thuyết, khi Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) tiếp tục tăng lãi suất trong năm 2016, trong khi lãi suất tiền đồng không điều chỉnh thì chắc chắn sẽ tạo áp lực lên tỷ giá USD/VND. Theo đó, trong năm 2016 tỷ giá USD/VND cũng sẽ biến động nhiều hơn so với năm 2015. “Vì vậy, các DN nên cân nhắc kỹ khi vay ngoại tệ. Trước hết, cần đảm bảo có nguồn thu ngoại tệ tốt, đảm bảo quản trị rủi ro tốt và lưu ý đến phòng ngừa rủi ro tỷ giá”, ông Hải khuyến cáo.
Tuy nhiên, ông Ngô Quang Trung, Phó Tổng giám đốc Viet Capital Bank, cho rằng tuy huy động ngoại tệ sẽ giảm dần trong thời gian tới vì lãi suất USD hiện nay chỉ bằng 0%/năm. Nhưng việc chuyển đổi USD sang VND vẫn chưa thể nói là xu hướng rõ ràng bởi tâm lý của nhiều người vẫn kỳ vọng tỷ giá sẽ điều chỉnh tiếp trong thời gian tới.