Nắng chiều nhạt buông trên những dãy núi Bắc Hà, chúng tôi ngược núi vén mây tìm về Na Hối (Bắc Hà). Ông Vàng Văn Hoàng đã hứa kể cho chúng tôi nghe “huyền thoại” về những trận đua ngựa bắn súng xa xưa trên “cao nguyên trắng” Bắc Hà, về giải đua ngựa độc đáo có một không hai ngày nay. Nhưng lễ hội đó đã trở thành điểm nhấn kết nối giá trị văn hóa truyền thống bản địa vùng cao Bắc Hà (Lào Cai).
“Huyền thoại” về giải đua ngựa
Trong căn nhà sàn nằm nép mình dưới chân núi, ông Hoàng nhấp chén trà đặc, phả khói thuốc lào chậm rãi kể cho chúng tôi về những chàng “kỵ sĩ chân đất” thời xa xưa ấy. Theo lời ông, ngày ấy từ năm nào ông cũng không còn nhớ rõ lắm, nhưng ông khẳng định từ đời cha ông khi hoa mận, hoa mơ nở trắng rừng là người dân khắp vùng Bắc Hà lại nô nức kéo nhau về sân dinh thự Hoàng A Tưởng chen chân xem hội đua ngựa, bắn súng.
Lễ hội đua ngựa Bắc Hà mang đậm nét văn hóa đặc sắc vùng cao Tây Bắc. |
Trên trường đua dưới chân núi Ba Mẹ Con sát dinh Hoàng A Tưởng, người nào người nấy nai nịt gọn gàng, súng cầm trên tay rất oai vệ, nghe tiếng súng nổ là rạp mình trên lưng ngựa phi như bay. Đến gần đích, kỵ mã đều nhảy thật nhanh xuống đất, nhằm bia bắn liền 5 phát súng rồi cướp quả cầu đỏ, nhảy lên ngựa quay về điểm xuất phát. Ai vừa nhanh, vừa bắn súng trúng đích nhiều nhất là người chiến thắng… Hội đua ngựa những năm kháng chiến ở Bắc Hà trở thành ngày hội của những “anh hùng cao nguyên”.
Ông Hoàng bồi hồi: Có một thời gian dài các giải đua ngựa thưa dần và không còn được tổ chức, do chiến tranh. Các chàng kỵ sỹ ngày ấy hầu hết đều nhập ngũ chiến đấu ở các chiến trường. Nhiều người con của bản làng đã được Nhà nước ghi công, tặng thưởng nhiều Huân, Huy chương kháng chiến. Thế hệ những người kỵ sĩ ngày ấy đã trở thành những “huyền thoại” trên cao nguyên trắng và còn vang mãi trên những mỏm núi cao, đến tận những con suối xa của các bản…
Đến năm 1975, miền Nam giải phóng, đất nước vui ngày hội thống nhất, nhân dân Bắc Hà chia vui bằng cuộc diễu hành kỷ lục với trên 200 con ngựa. Mùa xuân năm 1980, huyện đội Bắc Hà lại tưng bừng tổ chức giải đua ngựa, bắn súng chọn kỵ sỹ, xạ thủ giỏi nhất vùng. Trong cuộc đua tranh quyết liệt của hơn 50 kỵ mã là trai tráng đến từ các thôn, bản, Đại úy Ly Seo Thống, Đại đội trưởng Đội quân lương - Ban Chỉ huy quân sự Bắc Hà ngày ấy vinh dự giành giải Nhất…
Mãi cho đến năm 2007, nghĩa là 27 năm sau giải đua ngựa, bắn súng do Ban chỉ huy quân sự huyện Bắc Hà tổ chức thì Lễ hội đua ngựa truyền thống Bắc Hà mới chính thức được phục dựng trở lại. Đây cũng là hoạt động văn hóa đặc sắc hưởng ứng chương trình Hợp tác phát triển du lịch của 8 tỉnh Tây Bắc mở rộng diễn ra hàng năm.
Giải đua ngựa có một không hai
Theo chiều dài của lịch sử, sự tiếp nối văn hóa truyền thống bản địa sâu sắc, mỗi năm giải đua ngựa Bắc Hà lại được tổ chức quy mô hơn, thu hút hàng vạn du khách. Từ chỗ thu hút 15.000 lượt du khách trong giải đua ngựa Bắc Hà năm 2009, năm 2012 đã có gần 30.000 lượt du khách tìm đến sự kiện văn hóa độc đáo này.
Lý giải về lý do khiến địa phương vùng cao còn nhiều khó khăn, như Bắc Hà lại tổ chức được một lễ hội hoành tráng độc đáo, mang đậm nét đẹp văn hóa có một không hai nơi vùng cao Tây Bắc, ông Nguyễn Anh Tuấn, Chủ tịch huyện Bắc Hà cho biết: Đây là sự cố gắng của đảng bộ chính quyền và nhân dân các dân tộc trên địa bàn huyện. Việc phục dựng lại lễ hội đua ngựa những năm gần đây nhằm đáp ứng được nhu cầu hưởng thụ văn hóa, tinh thần của nhân dân các dân tộc bản địa. Đặc biệt, mỗi mùa giải là sợi chỉ đỏ kết nối quá khứ với hiện tại, kết nối giá trị văn hóa truyền thống bản địa đặc sắc của đồng bào dân tộc vùng cao Bắc Hà.
Nét độc đáo của Giải đua ngựa Bắc Hà là cuộc đua của những chàng “kỵ sĩ chân đất” chính hiệu. Họ là những người con sinh ra bên máng cỏ ngựa, lớn lên vắt vẻo trên lưng ngựa... Do vậy, chính sự dân dã, nguyên sơ, vừa có những pha hài hước, vừa đầy chất kịch tính... đã lôi cuốn, hấp dẫn và níu chân du khách trong và ngoài nước. Vàng Văn Huỳnh, người vinh dự giành giải Nhất đua ngựa năm 2012 chia sẻ: Chỉ có trên lưng ngựa, mình và trai tráng các bản mới thể hiện được lòng dũng cảm, sự can trường mà tổ tiên để lại. Mỗi chặng đua là một lần thử thách bản lĩnh và cũng là cách thể hiện tài năng của người đàn ông vùng cao trưởng thành và mạnh mẽ.
Lễ hội đua ngựa Bắc Hà khẳng định nét văn hóa đặc sắc của các dân tộc Bắc Hà. Đặc biệt, đến với ngày hội của các kỵ mã năm nay, du khách còn được tham dự vào nhiều hoạt động văn hóa nghệ thuật bản địa đặc sắc của đồng bào Mông, Nùng, Tày như: Nhịp xòe Tà Chải, khởi động chảo thắng cố đạt kỷ lục Guinness Việt Nam, hội chợ ẩm thực, trưng bày giới thiệu nông sản, khám phá du lịch sinh thái bản làng… chắc chắn những nét đẹp và giá trị văn hóa bản địa đặc sắc sẽ để lại những ấn tượng khó phai trong lòng du khách khi đến “cao nguyên trắng” Bắc Hà.
Bài và ảnh: Nguyễn Thắng