Kể chuyện đua ngựa Bắc Hà

Nghệ nhân Vàng Văn Pao, người con dân tộc Tày sinh ra ở bản Na Kim, xã Tà Chải (Bắc Hà, Lào Cai) chậm rãi lấy ra cây sáo trúc đã theo ông gần cả đời người đặt lên môi. Tiếng sáo trầm bổng vút lên, trong trẻo như tiếng suối ngàn chảy qua rừng thông, xào xạc như ngàn lá rơi, có cả tiếng lửa cháy rừng rực đêm xòe, tiếng ngựa hí vang, tiếng vó ngựa tung bay trên cao nguyên giữa rừng mận tam hoa nở trắng…


Hồi ức oai hùng


Năm nào cũng vậy, cứ mỗi dịp Tết đến hay lễ hội đua ngựa Bắc Hà sắp diễn ra, lòng ông Pao lại bồi hồi, rạo rực như trở về thời thơ ấu. Bây giờ đã quá tuổi thất thập, mái tóc đã bạc trắng theo thời gian, nhưng ông vẫn nhớ như in và thỉnh thoảng lại kể cho lũ trẻ trong xóm nghe về câu chuyện có thật mà cứ lung linh như huyền thoại về những chàng kị sĩ Bắc Hà có tài cưỡi ngựa, phi nước đại mà vẫn bắn súng trăm phát đều trúng đích.

 

Quyết liệt trên đường đua.


Ngày ấy cứ mỗi độ xuân về khi hoa mận, hoa mơ nở trắng rừng, người dân khắp vùng Bắc Hà đều nô nức kéo nhau về sân dinh thự Hoàng A Tưởng chen chân xem hội đua ngựa, bắn súng. Cánh thanh niên các dân tộc Tày, Nùng, Mông tham gia hăng hái lắm. Trên đường đua xuất phát từ ngã ba chợ cũ đến bãi ruộng dưới chân núi Ba Mẹ Con, sát dinh Hoàng A Tưởng, người nào người nấy nai nịt gọn gàng, súng cầm trên tay rất oai vệ, nghe tiếng súng nổ là rạp mình trên lưng ngựa phi như bay. Đến gần đích, kị mã đều nhảy thật nhanh xuống đất, nhằm bia bắn liền 5 phát súng rồi cướp quả cầu đỏ, nhảy lên ngựa quay về điểm xuất phát. Ai vừa nhanh, vừa bắn súng trúng đích nhiều nhất là người chiến thắng… Hội đua ngựa những năm kháng chiến ở Bắc Hà trở thành ngày hội của những “anh hùng cao nguyên”, vì thế đông vui, khí thế lắm.

Đến năm 1975, khi miền Nam giải phóng, đất nước vui ngày hội thống nhất, nhân dân Bắc Hà chia vui bằng cuộc diễu hành kỷ lục với trên 200 con ngựa. Mùa xuân năm 1980, huyện đội (Ban chỉ huy quân sự) Bắc Hà lại tưng bừng tổ chức giải đua ngựa, bắn súng chọn kị sỹ, xạ thủ giỏi nhất vùng. Trong cuộc đua tranh quyết liệt của hơn 50 kị mã là trai tráng đến từ các thôn, bản, đại úy Ly Seo Thống, Đại đội trưởng Đội quân lương - Ban Chỉ huy quân sự Bắc Hà ngày ấy, đã vinh dự giành giải Nhất… Trong câu chuyện, nghệ nhân Vàng Văn Pao tâm sự: Những năm sau đó vì nhiều lý do mà các giải đua ngựa lớn ít được tổ chức. Thế hệ những kị sĩ cầm súng thời kháng chiến ngày ấy cùng trang lứa với ông đều vào sinh ra tử khắp các chiến trường, đến giờ người còn, người mất nhưng họ đã trở thành những “huyền thoại một thời” trên vùng cao nguyên đá này và câu chuyện về họ vẫn còn sống mãi…


Kỳ công chọn “chiến mã”


Năm 2007, nghĩa là 27 năm sau giải đua ngựa, bắn súng do Ban Chỉ huy quân sự huyện Bắc Hà tổ chức, thì Lễ hội đua ngựa truyền thống Bắc Hà mới chính thức được phục dựng. Giải đua ngựa Bắc Hà mở rộng tổ chức vào hè năm 2008 có quy mô cấp tỉnh, thu hút khoảng 13.000 lượt du khách đến với cao nguyên trắng. Mỗi năm, giải đua ngựa lại có quy mô hoành tráng hơn, thu hút đông hơn lượng khách du lịch trong nước và quốc tế đến với Bắc Hà: Từ 15.000 lượt khách (giải năm 2009) đến gần 30.000 lượt khách (giải năm 2010) và trên 31.000 lượt khách (giải năm 2012, 2013).

 

Ông Vàng Văn Hoàng, xã Na Hối chăm sóc “nhà vô địch” 3 mùa giải.


Ông Vàng Văn Hoàng (dân tộc Nùng, xã Na Hối) là một người đã có nửa đời nuôi ngựa, đóng yên ngựa và là “ lái ngựa” dọc biên ải Tây Bắc nhiều năm qua, cho biết: Ở Bắc Hà nói riêng và khu vực Tây Bắc nói chung, ngựa là loài vật quen thuộc được nuôi ở hầu hết các hộ gia đình đồng bào Mông, Tày, Nùng… Con ngựa vừa là loài trung thành với chủ, vừa phục vụ đắc lực cho cuộc sống của người dân vùng cao nên được coi là tài sản vô cùng quý giá. Mấy năm gần đây, phong trào đua ngựa nổi lên.


Những chú ngựa nhà, ngoài thời gian lên nương còn được tập luyện để trở thành ngựa đua bán chuyên nghiệp. Các nài ngựa, lái ngựa cũng ráo riết lùng sục khắp các thôn bản vùng cao, các chợ trâu, chợ ngựa nổi tiếng như: Cán Cấu (Si Ma Cai), Lùng Phình (Bắc Hà), Pha Long (Mường Khương), Sín Mần (tỉnh Hà Giang) để “săn” bằng được những chú ngựa tốt, không tiếc tiền bỏ ra trên dưới 30 triệu đồng để mua một chú ngựa đẹp về huấn luyện.

 

Ngựa là người bạn thân thiết của đồng bào vùng cao Bắc Hà.


Vuốt ve chú ngựa gia đình đang nuôi, ba mùa giải trước đều giành chức vô địch, ông chia sẻ kinh nghiệm chọn ngựa: “Ngựa tốt để đua phải là ngựa đực có thân hình cao lớn, vó dài, thẳng, lông mượt, đôi mắt tinh nhanh, vồng ngực nở rộng, bụng thon gọn, trường dáng, khi chạy các bước chân xoải dài và đều. Ngựa tầm 7 -10 tuổi là ở thời kỳ sức khỏe tốt nhất. Muốn ngựa đực lành và không mất sức thi đấu thì không nên thả tự do theo đàn hoặc cho tiếp xúc với ngựa đực khác, ngựa sẽ học tính hoang dã, bất kham, trên đường đua không nghe lời chủ… Ngựa đua cũng phải được chăm sóc với chế độ đặc biệt từ chuồng trại đến cho ăn, uống, tắm chải và luyện tập.”


Thực tế cho thấy, ở khu vực Tây Bắc nói chung, để chọn được những chú ngựa đua tốt là vô cùng khó vì đa phần là giống ngựa cỏ địa phương, nuôi để phục vụ cho nhu cầu chuyên chở hàng hóa, gọi nôm na là ngựa thồ, chứ không phải ngựa đua thuần chủng. Giống ngựa này được rèn luyện qua lao động, thường xuyên chở hàng hóa trên địa hình đồi núi hiểm trở, có sức bền cao nhưng thân hình nhỏ, tốc độ và khả năng bứt phá có phần hạn chế. Tuy là người nắm rõ “bản đồ ngựa” khu vực Bắc Hà trong lòng bàn tay, nhưng cả đời ông Hoàng cũng chưa tìm được quá 5 chú ngựa như ý. Càng đến gần mùa giải đua ngựa hàng năm, vùng cao nguyên trắng càng sục sôi trong những chiến dịch săn ngựa đua của các lái ngựa vùng cao. Những chú chiến mã đẹp cũng được chủ gìn giữ cẩn thận như giữ vàng!


“Thử lửa” trên đường đua


Đua ngựa Bắc Hà tuy không phải là cuộc đua của những vận động viên chuyên nghiệp, nhưng chính tính dân dã, đời thường lại làm nên sự hấp dẫn của giải. Ngựa đua hàng ngày là những con ngựa thồ trên khắp ngả núi rừng Tây Bắc, thế mà bỗng chốc trở thành những chú ngựa đua tung vó trên mã trường trước sự hân hoan cổ vũ của hàng ngàn vận động viên. Các nài ngựa không ai khác chính là những nông dân người dân tộc thiểu số thực thụ, quanh năm gắn bó với cái cày, cái cuốc, mảnh nương, nhưng khi đã vào trận đua đều hăng hái thi đấu hết mình. Các chàng kị sĩ Nùng, Tày, Mông thân hình nhỏ bé, đội mũ bảo hiểm xe máy, ngồi trên lưng ngựa không có yên cương, chân đi giày vải hay dép quai hậu, thậm chí có người còn đi chân đất mà vẫn phi như bay hết vòng đua này sang vòng đua khác.


Nói đến “ông vua tốc độ” trong các giải đua ngựa Bắc Hà những năm qua, người dân Bắc Hà, Lào Cai và nhiều nơi đều biết tới vận động viên Vàng Văn Huỳnh, dân tộc Nùng, xã Na Hối. Anh đã liên tiếp giành cúp vô địch trong giải đua ngựa các năm 2011, 2012 và 2013. Trong mùa giải 2013, Vàng Văn Huỳnh đã xuất sắc vượt qua 74 nài ngựa đến từ các xã thuộc huyện Bắc Hà, Si Ma Cai và huyện Sín Mần (tỉnh Hà Giang) để đứng trên bục vinh quang. Vàng Văn Huỳnh chia sẻ: Lúc ngựa phi nước đại phải ngồi cho thật vững, hai chân kẹp chặt lấy hông ngựa, hai tay giữ chắc dây cương và rạp mình xuống lưng ngựa để không bị cản gió.

Đường thẳng thì cứ lỏng cương cho ngựa phi thoải mái, đến đoạn cua phải kéo căng cương theo hướng cua, ngựa sẽ giảm tốc độ và bám đường đua. Nếu đang phi nhanh mà không tập trung, đoạn cua chỉ sơ suất một chút là bay khỏi lưng ngựa, bị ngựa khác đạp lên người, nguy hiểm khôn lường. Ngoài ra, khi thi đấu cũng cần chú ý quan sát ngựa của đối phương để điều khiển ngựa mình, giữ khoảng cách, tránh để ngựa chen lấn va chạm nhau dễ xảy ra tai nạn...


Vận động viên Ly Seo Áo, dân tộc Mông, xã Bản Phố, người giành giải Ba năm 2009 và đoạt chức quán quân trong giải đua năm 2010 tâm sự: Đua ngựa là cuộc đua lòng dũng cảm, bản lĩnh kiên cường của mỗi chàng trai vùng cao Tây Bắc. Cưỡi ngựa trên đường đua chẳng khác gì “ngồi trên lưng hổ”. Nếu không biết điều khiển ngựa mình và giữ khoảng cách, thì ngựa chen lấn va chạm nhau, cắn đá nhau, dễ ngã bị chấn thương lắm... Trước giải đua, có lần cho ngựa tập chạy, không may mình bị ngã, về đau ê ẩm suốt một tuần lễ.


Xem đua ngựa Bắc Hà, khán giả được nhiều phen cười “vỡ bụng” khi có chú ngựa chưa quen đường đua, sợ đông người, hoặc nhìn thấy có “cô nàng ngựa” nào ở bên ngoài, đang đua bỗng dưng chạy vào giữa sân gặm cỏ hay bỏ cuộc đua đi tìm “bạn gái”. Cũng có nhiều phen thót tim, hú vía khi ngựa đua bất thình lình chạy khỏi sân, lao vào khán đài. Rồi những lần sởn da gà, dựng tóc gáy khi có vận động viên đang phi ngựa với tốc độ cao không may ngã khỏi lưng ngựa, bay xuống đường đua… Từ vòng loại, đến vòng bán kết và vào vòng chung kết càng trở nên gay cấn, kịch tính. Các vận động viên cạnh tranh nhau từng giây một để về đích trong tiếng hò reo, cổ vũ đến khản giọng của khán giả. Sau cuộc đua, những chú ngựa lại trở về công việc hàng ngày trên vùng cao Tây Bắc, còn những kỵ sĩ của cao nguyên trắng thì vui mừng gặp nhau ở chợ phiên Bắc Hà, cùng ngồi uống bát rượu ngô thơm nồng, ăn thắng cố, trò chuyện với nhau, chia sẻ kinh nghiệm đồng áng hay bàn tính chuyện mùa giải năm sau…


Bài và ảnh: Trần Tuấn Ngọc

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN