Tìm "thuốc" hạn chế tai biến y tế -“Tăng cường giám sát và quy trách nhiệm đến cùng”

Để khép lại Diễn đàn Tìm “thuốc” hạn chế tai biến y tế, PV báo Tin Tức đã có cuộc phỏng vấn Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến (ảnh) về nguyên nhân và các giải pháp nhằm hạn chế các sự cố y tế trong thời gian tới.

 

Phương Hoa - TTXVN

 


Trước sự việc tại Thẩm mỹ viện Cát Tường (Hà Nội), Bộ trưởng có suy nghĩ gì? Theo bà, trách nhiệm để một thẩm mỹ viện hoạt động không phép, không đúng chức năng trong gần nửa năm qua thuộc về đơn vị nào?


Trước tiên, là trách nhiệm của ngành y tế mà người đứng đầu là tôi. Tôi hiểu được sự bức xúc của toàn xã hội. Một bác sỹ đã vì đồng tiền mà coi thường pháp luật, coi thường mọi quy chuẩn về đạo lý và trên hết là coi thường tính mạng của người khác thì không thể chấp nhận được.


Việc để một thẩm mỹ viện hoạt động không đúng chức năng trong nửa năm là trách nhiệm của Sở Y tế Hà Nội, cụ thể là Thanh tra Sở Y tế và Phòng Y tế quận Hai Bà Trưng. Nửa năm, trên một con phố nhiều phòng khám tư nhân, mà họ không phát hiện ra một cơ sở y tế hoạt động trái phép thì khó có thể có lý do nào bao biện được. Bộ Y tế đã đề nghị và UBND thành phố Hà Nội đã vào cuộc và sẽ xử lý trách nhiệm tất cả những cá nhân và tập thể có liên quan.

 

Nhiều ý kiến

Thực tế, lực lượng thanh tra y tế còn tương đối mỏng, nhưng tôi hiểu đó không thể là lý do để biện minh cho mọi sai lầm.

Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến

cho rằng, để xảy ra những sự cố nghiêm trọng như thời gian qua cũng có lỗi của Bộ Y tế, đó là chưa chú trọng xây dựng một hệ thống giám sát chất lượng hữu hiệu. Ý kiến của Bộ trưởng về vấn đề này như thế nào?


Xã hội nào cùng cần những hệ quy chuẩn để điều chỉnh và giám sát các hoạt động của các cơ quan tổ chức hay cụ thể là mỗi cá nhân. Nhưng vì nhiều lý do khác nhau mà vẫn có những tổ chức hay cá nhân phá vỡ hệ quy chuẩn và khi đó họ đối mặt với nguy cơ bị trừng phạt bởi luật pháp. Đó là điều không thể tránh được và vẫn đang diễn ra không chỉ trong ngành y tế.


Tôi nghĩ rằng, những việc xảy ra gần đây là có liên quan đến khâu giám sát trong chất lượng y tế nhưng nó không đóng vai trò quyết định. Cái chính vẫn là tính chịu trách nhiệm. Nếu chúng ta kiên quyết xử lý các sai phạm đến cùng, các sai phạm đó dần dần sẽ tự hết đi và các vụ việc đau lòng của ngành y tế sẽ giảm thiểu. Tôi tin và sẽ nỗ lực thực hiện theo hướng này.


Dư luận xã hội đang rất lo ngại về vấn đề y đức của cán bộ y tế và cho rằng phần lớn sự cố y tế nghiêm trọng xảy ra là do việc nâng cao y đức bị lơ là. Bộ trưởng có đồng tình với quan điểm này không? Tại sao?


Nhiều ý kiến khẳng định và tôi cũng khẳng định dù thật sự buồn. Và còn buồn hơn khi vấn đề đạo đức không chỉ có ở ngành y. Giáo dục đạo đức nói chung (hay y đức nói riêng) bắt đầu ngay từ khi chúng ra được sinh thành. Đạo đức xã hội, đạo đức nghề nghiệp hay y đức có những giao thoa nhất định và nghề nào cũng có kẻ tốt người xấu.


Bạn chắc hẳn cũng sẽ rất xúc động nếu như biết rằng, ở thành thị, nông thôn hay vùng núi xa xôi, vẫn còn rất nhiều bác sỹ phải lao ra khỏi nhà ngay cả trong những đêm giá rét đến bệnh viện để giải quyết những ca khó cần hội chẩn.


Bạn cũng sẽ khâm phục lòng dũng cảm của chúng tôi khi phải quyết định hành động trong những ca mà cái chết đã chiếm 90% với chỉ một niềm tin là có thể cứu sống được bệnh nhân. Bạn cũng sẽ chạnh lòng thương cảm khi biết rằng rất nhiều bác sỹ trong chúng tôi ngày cứu sống vài bệnh nhân, nhưng đêm về vẫn ở trong những khu nhà trọ với điều kiện sống còn rất đơn sơ và nghèo.


Tôi nói vậy không có ý bao biện cho ngành y, mà tôi muốn cho bạn đọc thấy sự rất không hài lòng của tôi dành cho những người xấu đã làm vẩn đục y đức đã được tạo dựng bao năm qua của toàn ngành. Tất nhiên, y đức vẫn là vấn đề quan trọng và chúng tôi tiếp tục gia tăng các hoạt động giáo dục, kêu gọi và những kỷ luật hà khắc hơn được áp dụng không chỉ với các em sinh viên ngành y mà còn với các bác sỹ chuyên khoa, các y tá, hộ lý... Chúng tôi cũng mong muốn xã hội giúp chúng tôi thực hiện trọn vẹn công việc này.

 

Thời gian tới, Bộ Y tế sẽ có những hoạt động gì nhằm hạn chế những sự cố tai biến đáng tiếc như đã xảy ra thời gian qua?


Trước tiên, chúng ta phải nhìn thẳng vào các sự cố tai biến. Ngành y chúng tôi luôn phải đối mặt với những sự cố mà dù có nỗ lực đến mấy thì nó vẫn xảy ra. Nếu như vào những năm 50 của thế kỷ trước, bị đau ruột thừa hay uốn ván, cái chết sẽ đến với bệnh nhân mà khó có thể cứu chữa được. Bây giờ, các bệnh viện tuyến huyện cũng có thể xử lý nhanh chóng các căn bệnh đó và nhiều bệnh khác. Nhưng nghĩa vụ và trách nhiệm giảm thiểu các sự cố tai biến đáng tiếc thì thời nào cũng vậy. Với cán bộ ngành y, thách thức giờ đây thậm chí còn cao hơn trước vì ngày càng xuất hiện nhiều bệnh phức tạp và nhu cầu của xã hội cũng ngày càng cao.


Thời gian tới, Bộ Y tế sẽ tăng cường kiểm tra, giám sát và quy trách nhiệm đến cùng trong các ca bệnh được cho là sự cố đáng tiếc. Chúng tôi sẽ nghiêm khắc nhất có thể đối với những người thiếu trách nhiệm, y đức yếu kém... Đồng thời, Bộ Y tế cũng tăng cường chia sẻ các trường hợp tai biến hoặc nguy cơ tai biến, có sự phân tích thấu đáo và phương án phòng ngừa để giảm thiểu chúng trong tương lai.


Xin cảm ơn Bộ trưởng!


Phương Liên (thực hiện)

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN