Tìm đầu ra cho sản phẩm sa nhân tím

Từ nguồn vốn của Chương trình 135, huyện Sốp Cộp, tỉnh Sơn La đã xây dựng mô hình trồng mới 15 ha cây sa nhân tím dưới tán rừng tại xã Nậm Lạnh với tổng kinh phí gần 392 triệu đồng.

Chú thích ảnh
Hướng dẫn hộ dân trồng mới mở rộng diện tích cây sa nhân tím.

Mặc dù lần đầu tiên đưa cây sa nhân tím về trồng dưới tán rừng nhưng sau hơn 3 năm, cây sa nhân tím đã phát triển nhanh, phù hợp với thổ nhưỡng, khí hậu nơi đây và cho hiệu quả kinh tế cao. Tuy nhiên, việc giúp nhân dân tìm đầu ra ổn định cho cây sa nhân để vươn lên thoát nghèo đang là bài toán khó đối với cấp ủy, chính quyền. 

Sau khi được tuyên truyền, vận động, gia đình ông Tòng Văn Vinh ở bản Phổng, xã Nậm Lạnh đã tham gia vào mô hình trồng cây sa nhân tím trên diện tích 2 ha rừng đang được giao quản lý, bảo vệ.

Theo ông Tòng Văn Vinh, mô hình ban đầu đặt ra mục tiêu sau 3 năm cây sa nhân tím cho thu hoạch quả, nhưng chỉ hai năm rưỡi diện tích sa nhân của gia đình ông đã cho quả đồng loạt.

Cây ra quả quanh năm và cho quả chín tập trung từ tháng 10 năm trước đến tháng 1 năm sau. Trong năm 2018 và 2019, có vài lần thương lái đến mua quả tươi với giá trung bình 50 nghìn đồng/kg, nhân dân chỉ bán cho tư nhân về mua. Tuy nhiên, từ tháng 9/2019 đến nay, không có cá nhân, tập thể, doanh nghiệp hay cơ quan nào liên hệ để mua nên người dân nơi đây rất lo lắng đầu ra cho quả sa nhân. 

Cùng tham gia vào mô hình trồng cây sa nhân tím, ông Tòng Văn Cáy ở xã Nậm Lạnh cho biết, đây là loại cây phù hợp nhất với khí hậu, thổ nhưỡng mà ông đã từng trồng vì cây xanh quanh năm, rất có lợi cho phòng, chống cháy rừng.

Hơn nữa, vào vụ thu hoạch, một người có thể thu hái được 60 kg quả tươi mỗi ngày, với giá bán 50 nghìn đồng/kg. Đây là nguồn thu nhập không nhỏ đối với người dân nghèo nơi đây. Tuy nhiên, cũng như những người dân xã Nậm Lạnh, ông Tòng Văn Vinh đang rất lo lắng vì đầu ra cho sản phẩm không có người mua bởi sản phẩm chỉ bán được 1 - 2 lần thì không ăn thua.

Hiện tại, gia đình ông Tòng Văn Vinh đã thu hoạch hơn 1 tấn quả sa nhân nhưng vẫn bỏ trên rừng, quả phơi khô cũng không có người mua. Vì vậy, ông Tòng Văn Vinh mong muốn cấp có thẩm quyền giúp đỡ người dân tìm đầu ra cho quả sa nhân tím.  

Chú thích ảnh
Phơi quả sa nhân. 

Để tìm đầu ra cho sản phẩm quả sa nhân tím, lãnh đạo huyện Sốp Cộp đang chỉ đạo các cơ quan chức năng rà soát quy hoạch, mở rộng quy mô trồng và tạo ra nguồn sản lượng sản phẩm đủ lớn để thu hút các doanh nghiệp, thương nhân đến mua; đồng thời, xây dựng chuỗi liên kết trồng và tiêu thụ sản phẩm này.

Ông Vũ Văn Quân, Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Sốp Cộp cho biết, trước mắt huyện đã quy hoạch 3 xã Nậm Lạnh, Púng Bánh và Sam Kha tiếp tục phát triển trồng cây dược liệu này dưới tán rừng.

Còn đầu ra cho sản phẩm, Ủy ban nhân dân huyện đang giao cho Văn phòng điều phối nông thôn mới thực hiện Chương trình Mỗi xã một sản phẩm, để xây dựng thành chuỗi liên kết và sẽ thực hiện bán trên thị trường, đảm bảo đầu ra cho người dân. Dự kiến sẽ triển khai trong năm 2021, khi diện tích đảm bảo đúng theo quy định.

Tống kê cho thấy, toàn huyện Sốp Cộp có trên 70.000 nghìn ha rừng, chiếm khoảng 1/2 diện tích tự nhiên. Việc phát triển cây dược liệu dưới tán rừng; trong đó, có cây sa nhân tím sẽ tạo thêm nhiều việc làm cho người dân, tăng thu nhập và cải thiện đời sống của người dân làm nghề rừng. Đồng thời, nâng cao trách nhiệm của các chủ rừng trong việc bảo vệ và phát triển rừng bền vững.

Bài và ảnh: Quang Quyết (TTXVN)
Chương trình Mỗi xã một sản phẩm: Sản xuất chè theo hướng an toàn, hữu cơ
Chương trình Mỗi xã một sản phẩm: Sản xuất chè theo hướng an toàn, hữu cơ

Tại đề án “Nâng cao giá trị gia tăng, phát triển bền vững cây chè và thương hiệu sản phẩm trà Thái Nguyên, giai đoạn 2017- 2020”, tỉnh Thái Nguyên phấn đấu đạt chất lượng an toàn sản phẩm cho 100% diện tích chè trong quy hoạch sản xuất theo hướng VietGAP, sản xuất chè theo hướng an toàn, hữu cơ.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN