Tiếp sức cho doanh nghiệp nhỏ và vừa

Thủ tướng Chính phủ vừa ký Quyết định thành lập Quỹ phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNN&V). Theo đó, ngân sách Nhà nước (NSNN) sẽ dành 2.000 tỷ đồng để hỗ trợ các DN có dự án kinh doanh khả thi thuộc lĩnh vực ưu tiên. Đây được xem là tin vui đối với các DN cũng như thể hiện sự quyết tâm của Chính phủ trong việc hỗ trợ nhóm đối tượng này trong bối cảnh kinh tế còn không ít khó khăn.


Hiệu quả sản xuất, kinh doanh thấp


Báo cáo thường niên DN Việt Nam 2012 được Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) công bố mới đây cho thấy: Mười năm qua có trên 700.000 DN được khai sinh, nhưng đến nay chỉ còn trên 300.000 DN còn hoạt động. Tỷ lệ DN thua lỗ trong giai đoạn 2002 - 2011 vẫn rất cao (42% vào năm 2011); hiệu suất sinh lợi trên tài sản của các DN giảm từ 6,4% (năm 2002) xuống còn 3,6% (năm 2010).


Khả năng thanh toán nhanh của các DN đối với các khoản vay của ngân hàng cũng liên tục xấu đi. VCCI đưa ra dẫn chứng: Giai đoạn 2009 - 2011, chỉ số khả năng trả lãi vay của DN đã giảm dần, từ 5 lần xuống còn 3,5 lần. Theo VCCI, điều này dễ hiểu bởi mức lãi suất cho vay năm 2010 và 2011 luôn ở mức cao, có những thời điểm lên đến 14%/năm (trong khi lãi suất năm 2009 chỉ ở mức 10,5%).


Một vấn đề đáng lo ngại nữa được bà Phạm Thị Thu Hằng, Tổng Thư ký VCCI nhấn mạnh là quy mô DN Việt Nam đang có xu hướng nhỏ đi. Theo đó, số DN siêu nhỏ ngày càng gia tăng; còn DN quy mô vừa, đủ sức đóng vai trò là cầu nối tham gia chuỗi giá trị toàn cầu để thúc đẩy hàng hóa xuất khẩu thì ngày càng thiếu hụt. Quy mô lao động trong các DN hiện cũng chỉ bằng 1/2 so với 10 năm trước; quy mô về vốn tăng lên 2 lần nhưng tính trượt giá thì gần như không thay đổi. Lượng hàng tồn kho của các DN, nhất là của các DN nhà nước còn lớn.

 

Dành 2.000 tỷ đồng hỗ trợ DNN&V


Mặc dù năm nay nền kinh tế còn gặp nhiều khó khăn nhưng theo khảo sát của VCCI, đa số các DN có xu hướng giữ nguyên quy mô sản xuất kinh doanh (58%); có 30,5% số DN có thể mở rộng quy mô và chỉ có 10% số DN có thể giảm quy mô hoạt động. Trong khi đó, theo GSO, quý I/2012, có 31,5% số DN thu hẹp quy mô kinh doanh. So với năm 2012 thì đây được xem là tín hiệu tương đối lạc quan về hoạt động của DN. VCCI cho rằng, một trong những lý do để DN kỳ vọng sẽ vượt qua những khó khăn trong năm nay là nhờ những chính sách ưu đãi thuế và các chương trình hỗ trợ của Chính phủ.


Thêm gói hỗ trợ phát triển thị trường cho DN Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng vừa phê duyệt đợt 2 Chương trình xúc tiến thương mại quốc gia năm 2013, gồm 66 đề án của 43 đơn vị với tổng kinh phí là 54,12 tỷ đồng. Trọng tâm của Chương trình này là tập trung vào phát triển thị trường xuất khẩu; đưa hàng Việt về nông thôn, miền núi và biên giới; đào tạo nâng cao năng lực cho các DN, hợp tác xã và tổ chức xúc tiến thương mại. Như vậy, Chương trình Xúc tiến thương mại quốc gia năm 2013 sẽ có 117 đề án được triển khai với tổng kinh phí gần 94 tỷ đồng.

Theo Quyết định thành lập Quỹ phát triển DNN&V, DNN&V sẽ được vay vốn từ Quỹ này với mức lãi suất thấp hơn mức lãi suất của các ngân hàng thương mại Nhà nước. Tổng nguồn vốn cho các DN vay là khoảng 2.000 tỷ đồng. Bộ Tài chính quy định mức lãi suất cho vay của Quỹ theo từng thời kỳ nhưng không vượt quá 90% mức lãi suất cho vay thương mại. Đây là tổ chức tài chính nhà nước, trực thuộc Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH - ĐT), hoạt động không vì mục đích lợi nhuận và được miễn nộp các loại thuế. Quỹ sẽ hỗ trợ tài chính cho các DNN&V thông qua phương thức ủy thác cho Ngân hàng Phát triển Việt Nam hoặc các ngân hàng thương mại...


Theo đó, các DNN&V có phương án sản xuất, kinh doanh khả thi thuộc lĩnh vực ưu tiên sẽ được hỗ trợ vay vốn từ Quỹ; chủ DNN&V kinh doanh phải đảm bảo nguồn vốn chủ sở hữu tham gia dự án, kinh doanh tối thiểu 20% và phải đảm bảo đủ nguồn vốn để thực hiện dự án; có khả năng trả nợ trong thời hạn quy định. DNN&V có dự án khả thi được hỗ trợ vay vốn từ Quỹ thì không được hỗ trợ vay vốn ưu đãi từ các tổ chức tín dụng khác. Cụ thể, những DN hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn, sản xuất hàng xuất khẩu, công nghệ cao... sẽ được ưu tiên vay vốn từ quỹ này.


Mức vốn cho các DN này vay đối với mỗi dự án tối đa bằng 70% tổng mức vốn đầu tư (không bao gồm vốn lưu động) nhưng không quá 30 tỷ đồng với thời hạn vay kinh doanh tối đa không quá 7 năm. Với những trường hợp đặc biệt, Bộ trưởng Bộ KH - ĐT sẽ quyết định thời hạn cho vay, nhưng không quá 10 năm.


Minh Phương

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN