Tiến trình tiêu hủy kho vũ khí hóa học của Syria đã bước vào giai đoạn cuối, từ 1.328 tấn vũ khí hóa học cần được tiêu hủy, giờ chỉ còn 16 tấn. Tàu Đan Mạch "Ark Futura" tham gia vận chuyển hóa chất độc khỏi Syria để tiêu hủy. Ảnh: AFP-TTXVN |
Đây là tuyên bố của Tổ chức Cấm vũ khí hóa học (OPCW) công bố ngày 17/6. Tổng Giám đốc OPCW Ahmet Uzumcu hoan nghênh những tiến bộ trên, cho rằng tổ chức đã hoàn thành giai đoạn quan trọng tiếp theo trong tiến trình tiêu hủy kho vũ khí hóa học từ Syria.
Theo ông Uzumcu, bước trên đã được thực hiện với hiệu quả tối đa và tuân thủ tất cả tiêu chuẩn an ninh cần thiết nhờ những đóng góp to lớn của Đức và Phần Lan.
OPCW cho biết trước đó ngày 12/6, tại Đức, nhóm chuyên gia đã tiêu hủy gần 335,5 tấn chất phản ứng thu được trong quá trình vô hiệu hóa khí mustard lưu huỳnh.
Trong khi một ngày trước đó, công ty Ekokem Riihimki Waste Disposal Facility của Phần Lan tuyên bố đã tiêu hủy 5.463 tấn chất phản ứng thu được khi vô hiệu hóa khí Methylphosphonyl Difluoride (hay còn gọi là DF).
Theo OPCW, ở giai đoạn này đã hoàn tất việc tiêu hủy 600 tấn vũ khí hóa học thuộc nhóm nguy hiểm nhất của Syria (chủ yếu là khí mustard lưu huỳnh và DF) thành phần chính để sản xuất độc tố gây co giật, trong đó có khí độc sarin.
Việc loại bỏ những chất hóa học nhóm 1 (những chất nguy hiểm nhất) của Syria gồm 581 tấn chất DF và 19 tấn khí mustard lưu huỳnh đã được tiêu hủy từ ngày 7/7 - 19/8/2014 bằng hai hệ thống thủy phân lắp đặt trên tàu vận tải chuyên dụng Cape Ray của Mỹ trên vùng biển quốc tế ngoài khơi Địa Trung Hải.
Trong khi nhóm các chất hóa học thứ hai (ít nguy hiểm hơn) được tiêu hủy trong các nhà máy công nghiệp của Anh, Mỹ, Phần Lan và Syria.
Hồi tháng 10/2013, chính quyền Syria đã chấp nhận một kế hoạch quốc tế do Nga đề xuất nhằm tiêu hủy hơn 1.300 tấn vũ khí hóa học của nước này để đổi lấy việc Mỹ hủy bỏ các kế hoạch không kích nhằm lật đổ chế độ của Tổng thống Bashar al-Assad.