Tiễn mùa hoa cải

Giêng - hai cứ trôi đi trong ngút ngàn màu vàng hoa cải rộ trên đồng bãi quê nhà. Lòng thì vô tâm cho đến độ một hôm không còn thấy bông cải nào còn vương lại trên cây. Ngày dần trôi, xuân cũng dần cạn. Và rồi, chiều hôm nay, thấy ba cắt những ngọn cải từng bó, khệ nệ ôm về để ngày mai phơi lấy hạt. Lòng ngùi ngùi thương cho những bông hoa cải, và thấy miên man tiếc thời gian...




Những bó ngọn cải ngồng nằm trên mặt sân, mang trong mình những hạt nho nhỏ - những mầm hy vọng mới cho ba mẹ và bà con quê mình mùa sau. Năm nào, ba mẹ cũng cẩn thận cắt về, cẩn thận phơi và lấy hạt giống. Công việc trồng, chăm sóc cải vất vả bao nhiêu thì sự chờ đợi, nâng niu, cất hạt cải vào trong nhà càng phải tỉ mỉ, vất vả bấy nhiêu. Bởi có được hay không mùa cải sau tốt tươi, cho thu hoạch cao, một phần không nhỏ phụ thuộc vào hạt giống cuối mùa này.


Thường ba bảo phải chọn ngày nắng cắt cải có hạt chín về phơi. Bởi hạt cải có được phơi khô thì mới không ẩm, mới để được đến mùa sau. Chứ đã ẩm thì khả năng nảy mầm là rất thấp. Tính là vậy, nhưng có những năm trời mưa, cải thì đến độ phải cắt về. Hoặc vừa cắt về thì trời lại mù mù đổ mưa. Ba mẹ đành chắp miệng thở dài vì biết chắc một mẻ cải giống đã không như ý mình mong đợi.


Trong cái nhập nhoạng của cuối ngày, khi sương chiều đã dần buông xuống, đôi tay sờ vào từng trái cải giống, mũi hít lấy cái hương vị hăng hăng của cải cuối mùa, chợt thấy lòng dâng lên một cảm giác rất lạ. Lâu lắm rồi không gần những trái cải giống này đến thế.


Những mùa cải giống đi qua tuổi thơ tôi hồn nhiên và yên bình đến lạ. Cánh đồng làng ngày ấy rộng bao la trong tầm mắt của một thằng bé 3 tuổi như tôi. Thường thì ngày ấy ba mẹ đi làm, gánh tôi theo trên đôi trạc quê nghèo. Lúc ra đồng, đôi trạc trống không. Một bên mẹ đặt tôi vào, một bên bỏ thêm vài viên gạch cũ để cho cân. Lúc về thì khỏi cần gạch vì bên đầu trạc kia lúc thì bầu, bí, rau cải chất lên rồi. Nhớ nhất là những mùa cắt cải giống. Đầu trạc tôi ngồi ba đặt những bó cải giống mới cắt bên dưới. Đầu kia thì chất đầy hơn. Thế là cuối chiều, mẹ lại gánh cải và tôi về trong lúc làn khói bếp của những nhà nấu cơm chiều sơm bay lên, nhập vào làn sương tối...


Và, trước lúc cải cắt về, mặc cho ba mẹ la rầy, tôi tung tăng chạy, lẫn vào những cây cải đã kết hạt cao đến ngang hoặc hơn đầu mình. Cái cảm giác rất thú vị ấy cứ theo mãi tôi cho đến tận bây giờ. Những cây cải, và những cây cỏ may dọc theo bờ bãi cứ lấp lấy tôi khi một mình thơ thẩn, chạy nhảy vòng quanh. Mệt, nằm úp ngực xuống triền cỏ bờ quê, lại nghe một cái mùi hăng hăng của cỏ, của cải quyện vào nhau, rất thân thương.


Giêng - hai những mùa cũ qua đi và qua đi nhanh. Cậu bé ngày xưa lên phố học rồi lao vào đời với áo cơm, với những mối quan hệ của cuộc đời. Mùa cắt hạt cải về rồi tôi cũng bẵng quên đi. Bởi mấy khi được ở nhà lâu cùng ba mẹ, ngồi bên những bó cải đầy hạt mới đem về hay chạy quanh bờ bãi như cái thời ấu thơ chân đất đầu trần. Cuộc sống xô bồ một phần, nhưng có lẽ một phần vì tôi vô tâm nữa. Mỗi mùa cắt cải về lấy hạt là mái đầu ba mẹ lại bạc thêm vài phần... Tôi thì vẫn lang thang phiêu bạt với những miền xa lạ xứ người.


Hương cải cuối mùa chứa đầy hạt đượm vị hăng nồng nhưng làm lòng người trở nên mềm hơn, chùng xuống. Vẫn là quê đây, vẫn là ngôi nhà và ba mẹ tôi đây. Chỉ có thời gian mịt mù cuốn xô tất cả, càng xa hơn với những ai vô tâm khi mỗi mùa lần lượt đi qua với nỗi thờ ơ trong hồn.


Không còn những bông hoa cải vàng miệt mài khoe sắc gọi xuân miên man chảy qua vùng quê nghèo. Ba mẹ lại chắt chiu những hạt giống cải để ủ mùa sau cơm áo nợ nần đám đình giỗ chạp... Niềm quê vẫn còn long đong trong đôi mắt trũng sâu của hai đấng sinh thành. Mắt tôi tự nhiên thấy cay xè....



Nguyễn Thành Giang

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN