Tích cực phòng chống rét cho đồng bào

Trong những ngày qua, rét đậm kèm theo sương muối ở các tỉnh miền núi phía Bắc đã làm ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe và các hoạt động học tập của học sinh và đời sống của đồng bào.


Tại bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình, những ngày vừa qua, số bệnh nhân nhập viện tăng đột biến, chủ yếu là trẻ em và người già. Đại diện bệnh viện cho biết: Do thời tiết thay đổi đột ngột, rét đậm, rét hại kéo dài nhiều ngày, nên trẻ em thường mắc các bệnh về hô hấp trên như mũi, họng, amiđan hoặc bệnh tiêu chảy cấp. Nghiêm trọng hơn là các bệnh về hô hấp dưới như viêm phế quản, hen suyễn, có thể biến chứng dẫn đến viêm phổi cấp. Còn người cao tuổi thì mắc các bệnh về tim mạch, huyết áp, đột quỵ não, viêm phổi, hen phế quản tắc ngẽn mãn tính và đau nhức xương khớp.

 

Tỉnh Lai Châu chủ động phòng chống rét cho mạ.


Trong đợt rét đậm, rét hại này, trung bình mỗi ngày bệnh viện Đa khoa tỉnh Hòa Bình tiếp nhận khám và điều trị cho khoảng 400 bệnh nhân, tăng gấp 2-3 lần so với trước thời điểm giá rét. Tại khoa nhi, hiện có khoảng 100 bệnh nhân nội trú/53 giường bệnh, khoa tim mạch - lão khoa có khoảng 70 bệnh nhân nội trú/60 giường. Tuy nhiên, số lượng này không thể hiện hết tình trạng người già và trẻ nhỏ mắc bệnh thời gian này. Bởi nhiều trẻ em và người cao tuổi khác khi mắc bệnh được gia đình cho đi khám tư, điều trị ngoại trú.


Trước những diễn biến bất thường của thời tiết, bệnh viện đã tăng cường đội ngũ bác sĩ trực để kịp thời khám, chữa bệnh cho các bệnh nhân, đồng thời trang bị quạt sưởi ấm, chuẩn bị đầy đủ thuốc, phương tiện máy móc để đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh của đồng bào.


Còn tại tỉnh Điện Biên, thời gian gần đây, nhiệt độ xuống thấp, rét đậm kéo dài, đã ảnh hưởng nhiều đến các hoạt động sinh hoạt và sức khỏe của người dân, đặc biệt là các em học sinh ở vùng cao. Trước tình hình đó, Sở Giáo dục và Đào tạo tỉnh Điện Biên đã có nhiều giải pháp chủ động phòng chống rét, nhằm đảm bảo sức khỏe cho học sinh.


Ở trường Trung học phổ thông - Dân tộc bán trú Sa Dung (thuộc xã Sa Dung, huyện Điện Biên Đông), một trong những xã vùng cao đặc biệt khó khăn của tỉnh Điện Biên, năm học này, nhà trường có hơn 500 học sinh, trong đó hơn 90% số học sinh ở tại khu nội trú của trường. Bởi vậy, việc chăm lo sức khỏe cho học sinh rất được nhà trường chú trọng, đặc biệt là trong những ngày thời tiết rét đậm. Buổi tối, tại các phòng nội trú, nhiều em học sinh lại có cách chống rét bằng cách ngủ chung giường, góp chăn đắp chung.


Tại tỉnh Bắc Kạn, do nhiều phân trường vùng cao hiện nay cơ sở vật chất còn đơn sơ không đủ che chắn gió rét, con em đồng bào lại thiếu áo ấm để mặc; hệ thống thông tin thiếu thốn, đối với các phân trường này, phòng chỉ đạo các giáo viên chủ động theo dõi thời tiết trên thực tế diễn ra tại địa bàn để có kế hoạch phù hợp trong công tác dạy và học… Việc nghỉ học do rét đậm, rét hại, các trường căn cứ tình hình thời tiết thực tế tại địa phương để điều chỉnh thời gian, cụ thể, trong các buổi học sáng có thể lùi tiết học muộn hơn. Theo báo cáo tình hình từ các trường, đến thời điểm hiện nay trên địa bàn huyện chưa có trường nào phải nghỉ học do rét.


Còn ở tỉnh Quảng Ninh, cô giáo Nình Thị Hà, dạy tại điểm trường Chang Nà, xã Tình Húc, huyện Bình Liêu, cho biết: Do thời tiết thay đổi thất thường, có những hôm trời rét buốt, mưa phùn, các thầy, cô giáo phải lùi thời gian học muộn hơn, có khi tới 8, 9 giờ sáng. Bên cạnh đó, một số phụ huynh đưa trẻ đến muộn, thầy cô vẫn tạo điều kiện cho các em vào lớp. Để chủ động phòng chống rét cho học sinh, thầy, cô giáo tại đây đã tới từng hộ dân trên địa bàn thôn để tuyên truyền với các bậc phụ huynh mặc ấm cho các cháu trước khi đến lớp, đồng thời đóng góp thêm củi để nhóm bếp sưởi ấm cho các em trong những ngày giá rét. Ngoài ra, việc ăn uống của các em cũng được chú trọng, thức ăn, nước uống của các em lúc nào cũng đảm bảo nóng hổi.


Không riêng trường Mẫu giáo Tình Húc, ở nhiều trường học thuộc các xã miền núi khác cũng đã và đang tích cực chủ động phòng, chống rét cho học sinh. Đơn cử như trường PTCS Đại Thành (xã Đại Thành, huyện Tiên Yên), ngay từ đầu mùa đông, trường đã chủ động huy động nguồn xã hội hóa từ các cá nhân, doanh nghiệp trong và ngoài huyện, đồng thời tận dụng những nguồn chi khác của trường để dự trữ gạo, mì tôm góp phần tăng khẩu phần ăn, mua áo ấm và chăn len cho học sinh.


Vũ Hà - Xuân Tư

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN