Tôi có thói quen dậy sớm đi bộ. Sáng nào cũng vậy, cứ năm giờ kém mười lăm là tôi vục dậy đi bộ một vòng chừng gần tiếng đồng hồ thì về tắm rửa, vệ sinh rồi ăn sáng. Cơ quan tôi ở trung tâm thành phố nên bị cái ồn ào của người xe chi phối. Bảo dậy sớm cho nó trong lành ấy vậy mà chưa mở mắt thành phố đã nhộn nhạo cả lên.
Sớm nay, ngày nghỉ cuối tuần, được một đêm yên tĩnh giữa làng quê tôi có thể nằm ườn ra mà tận hưởng thêm giấc nồng nhưng theo thói quen tôi vẫn dậy sớm đi bộ thể dục. Ơ, nhưng mà sao chỉ có mỗi mình tôi đi bộ thế này? Chẳng thấy hàng đoàn, hàng lũ người đi bộ như mọi ngày đâu nhỉ? Rồi tôi chợt nhớ ra mình đang ở quê. Mà ở quê thì người ta cày cuốc, lao động quần quật cả ngày rồi cần gì phải đi bộ để teo mỡ, giảm cân? Có ngồi cạo giấy như mình đâu, có suốt ngày quán sá, chợ búa như dân ở phố đâu mà lo bụng phệ, lo cao huyết áp, tiểu đường? Bất chợt, tiếng bìm bịp đâu đó vọng tới khiến người tôi nổi da gà. Lâu lắm rồi, tôi mới lại được nghe cái âm thanh trầm đục, cái giọng thổ vang vọng mơ hồ xa xăm của loài chim đặc biệt này.
Ngày xưa, cánh đồng lúa xanh rờn trước mặt tôi kia là khu sình lầy toàn lau lách, si, sậy. Cây cỏ mọc um tùm. Nhiều nhất là cây si, táo gai và cây sậy. Cỏ rôm, cỏ lác mọc ngút đầu. Người đi trong đó phải xắn quần quá gối, nhiều khi bước không khéo còn bị thụt tới ngang bụng. Dân làng tôi đi khai hoang gọi khu rừng này là bềnh sậy, những hố thụt tới nách, tới cổ là hố chó. Đó là thánh địa của các loài chim. Hồi đó khu rừng này còn có cả hổ, cả lợn rừng và khỉ. Chim cò nhiều vô kể, đặc biệt là bìm bịp. Cứ sớm mai hoặc chiều tối là tiếng bìm bịp kêu râm ran. Cảnh rừng vốn đã thâm u giờ thêm tiếng bìm bịp kêu lại càng thâm u hơn. Ấy vậy mà, chỉ sau hơn chục năm, toàn bộ khu rừng sình lầy đó đã bị phá sạch trở thành cánh đồng với những thửa ruộng vuông như bàn cờ hôm nay. Chim muông, thú rừng kéo đi hết. Tiếng bìm bịp cũng thưa vắng hẳn. Nó chỉ còn là hoài niệm trong tôi. Mỗi mùa hạ tới, họa hoằn lắm mới được nghe “bịp bịp bịp” như buổi sớm hôm nay.
Bìm bịp là loài chim to như con bồ câu cỡ nhỏ. Thân chúng đen tuyền nhưng đôi cánh lại có màu gạch non nâu đỏ. Giọng bìm bịp khá đặc biệt. Đó là giọng thổ đùng đục nhưng khỏe khoắn, trầm hùng, âm vang. Giọng nó như tiếng công-tơ-bát trong dàn nhạc, không lẫn vào đâu được. Hàng tràng “bịp, bịp” tiếng nọ nối tiếng kia đối đáp, hòa thanh vừa làm nền, làm bè trầm cho bản nhạc chim vừa át cả tiếng ríu rít của lũ chào mào, sáo sậu trong vòm cây, tiếng “cúc cù cu” của con chim gáy kiêu kỳ đậu tít trên đọt tre. Chim bìm bịp khá nhút nhát. Nghe tiếng chúng kêu đấy nhưng chưa chắc đã thấy chúng. “Văn kỳ thanh” thì dễ nhưng “kiến kỳ hình” thì hơi khó. Chúng chỉ ưa bụi rậm. Không bao giờ bìm bịp đậu nơi trống trải. Ngay trong bụi rậm rồi chúng cũng không chịu yên một chỗ mà thoăn thoắt chuyền, leo từ cành nọ sang cành kia. Chưa nóng chỗ này chúng đã lại chuyển sang chỗ khác. Tập tính đó đã cứu họ bìm bịp thoát khỏi những tay thợ săn. Ấy vậy mà, vì tiếng kêu đặc biệt đó nhiều khi chúng cũng bị tóm cổ. Khả năng bay của bìm bịp rất hạn chế. Chúng thường chạy lủi là chính nhưng chạy cũng chậm nên rất dễ bị con người dồn đuổi vồ chộp. Tôi còn nhớ, ngày trước mấy vị xóm tôi thường nấp trong bụi rậm rồi giả làm tiếng bìm bịp kêu, có con ngờ nghệch tưởng bạn tình gọi đã lò dò chạy tới và thế là nó đã bị bắt sống.
Có điều lạ là chim thì hót nhưng với chim bìm bịp người ta chỉ nói “bìm bịp kêu”. Tiếng kêu của nó buồn lắm. Chẳng biết có đúng nó mang bầu tâm sự nào không mà đôi mắt bìm bịp lúc nào cũng buồn rười rượi, đỏ hoe như người vừa mới khóc. Bộ lông nâu của nó như bộ áo nâu sồng của cô gái đi tu. Chuyện xưa kể rằng, con bìm bịp vốn dĩ là một cô gái xinh đẹp, dịu hiền nhưng chỉ vì một phút vô tình đã bỏ mất trái tim của chằng tinh con không dâng lên đến Phật như lời đã hứa. Cho nên, nó phải rong ruổi khắp nơi hết bụi nọ đến lùm kia, sống chui lủi để tìm lại trái tim đã mất và đeo mang tiếng kêu “bìm bịp”, tức là “tội nghiệp” đến suốt đời.
Bìm bịp chuyên ăn sâu bọ và các loài bò sát nhỏ. Món khoái khẩu của chúng là rắn, kể cả rắn độc. Tất nhiên đó là những con rắn nhỏ. Chính vì vậy mà người ta tin rằng thịt xương con bìm bịp chính là nguồn dược liệu quý chữa được nhiều bệnh. Cao toàn tính bìm bịp, rượu ngâm bìm bịp, thịt đặc sản bìm bịp…các tửu đồ tha hồ mà nhâm nhi tận hưởng, mà “bổ thận tráng dương”, tăng cường sinh lực. Đó cũng là kiếp nạn của họ nhà bìm bịp. Rừng càng ngày càng cạn kiệt. Đất sống của bìm bịp theo đó mà cũng bị thu hẹp dần. Thêm nữa, nạn săn bắt bìm bịp để phục vụ nhu cầu trên đã làm họ hàng nhà bìm bịp ngày càng suy giảm, có nguy cơ tuyệt chủng. Vì thế, tiếng bìm bịp cũng thưa vắng và bặt dần.
“Bịp bịp bịp!”. Tiếng bìm bịp lại vọng tới lần nữa. Tôi dừng bước và dỏng tai nghe, cố tìm thứ âm thanh đó phát ra từ đâu. Nhưng không thấy. Bước chân tôi tần ngần. Đâu rồi cánh rừng xưa? Đâu rồi những đốm nâu sồng vụt ẩn hiện trong từng bụi rậm? Mùa hạ đã tới rồi! Bìm bịp ơi, thương lắm!
Xuân Thu