Tham dự hội thảo có gần 100 doanh nghiệp hai nước trong các lĩnh vực nông sản, thực phẩm, hàng dệt may, tiêu dùng và công nghiệp phụ trợ.
Phát biểu tại hội thảo Tổng thư ký Trung tâm Nhật Bản - ASEAN Masataka Fujita đánh giá cao lĩnh vực thương mại của Việt Nam thời gian qua, trong bối cảnh kim ngạch thương mại các nước khu vực đều giảm, Việt Nam vẫn tăng trưởng ổn định, kim ngạch xuất khẩu năm 2016 đạt 177,6 tỷ USD, tăng 9%, so với năm 2015; trong đó, thị trường Nhật Bản đã góp phần đáng kể giúp thương mại Việt Nam tăng trưởng ổn định.
Tổng thư ký Trung tâm Nhật Bản - ASEAN Masataka Fujita phát biểu tại hội thảo. |
Ông Masataka Fujita cũng chia sẻ 3 phương thức thương mại chủ yếu khi hợp tác với các doanh nghiệp Nhật Bản là phương thức thương mại thông thường, trong đó một công ty xuất khẩu và một công ty nhập khẩu; phương thức xuất, nhập khẩu giữa các công ty con, công ty con với công ty mẹ trong cùng một tập đoàn; và phương thức ký hợp đồng thầu phụ với các công ty của Nhật Bản.
Theo ông Masataka Fujita, mỗi phương thức có điểm mạnh và điểm yếu, việc lựa chọn phương pháp nào phụ thuộc vào chiến lược và sản phẩm của các công ty; có thể kết hợp nhiều phương thức để tăng cơ hội xuất khẩu, song phương thức nào cũng có cạnh tranh và các doanh nghiệp cần thiết phải nâng cao năng lực cạnh tranh.
Thám tán Thương mại Việt Nam tại Nhật Bản Tạ Đức Minh phát biểu tại hội thảo. |
Tham tán Thương mại Việt Nam tại Nhật Bản Tạ Đức Minh đã nêu bật những lợi thế về môi trường đầu tư Việt Nam với 6 điểm: quan hệ Việt Nam – Nhật Bản đang ở giai đoạn tốt nhất trong lịch sử kể từ khi thiết lập quan hệ và có độ tin cậy cao; Việt Nam có sự ổn định chính trị; Việt Nam có nguồn lao động dồi dào với 60% dân số dưới 35 tuổi và sẽ đạt mốc 100 triệu dân trong một tương lai không xa; cuối năm 2015 cộng đồng kinh tế ASEAN thành lập đã tạo ra một thị trường rộng lớn với 600 triệu dân, khi các doanh nghiệp Nhật Bản hợp tác với Việt Nam sẽ có thể thâm nhập vào thị trường rộng lớn này; trong 25 năm từ năm 1990 – 2015, Việt Nam là nước có tốc độ tăng trưởng thứ hai thế giới; Việt Nam – Nhật Bản cùng là thành viên của nhiều khuôn khổ hợp tác, hai bên đã có Hiệp định đối tác kinh tế Việt Nam – Nhật Bản, cùng là thành viên Hiệp định đối tác kinh tế toàn diện ASEAN – Nhật Bản, do đó trong thương mại có thể hưởng mức thuế gần 0%.
Tham tán Tạ Đức Minh cũng khẳng định Thương vụ Việt Nam tại Nhật Bản sẽ luôn sát cánh cùng doanh nghiệp thúc đẩy quan hệ thương mại, đem lại lợi ích cho cả hai quốc gia.
Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại Bùi Thị Thanh An phát biểu tại hội thảo. |
Phó cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại Bùi Thị Thanh An đã có phần trình bày chi tiết về tình hình kinh tế thương mại Việt Nam; quan hệ thương mại và đầu tư giữa Việt Nam và Nhật Bản; một số thông tin tại sao nên lựa chọn Việt Nam là đối tác và điểm đến giao thương; đồng thời kêu gọi doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư vào một số dự án quan trọng đối với kinh tế, xã hội của Việt Nam.
Nhân buổi hội thảo bà Bùi Thị Thanh An đã mang tới cho doanh nghiệp Nhật Bản những thông tin về Triển lãm quốc tế ngành công nghiệp thực phẩm Việt Nam 2017 (Việt Nam Foodexpo 2017). Đây là sự kiện toàn diện và lớn nhất của ngành công nghiệp thực phẩm Việt Nam, thu hút nhiều quốc gia tham dự và sẽ khai mạc tại thành phố Hồ Chí Minh từ ngày 15 – 18/11 tới.
Với sự hỗ trợ của Thương vụ Việt Nam tại Nhật Bản, tại buổi hội thảo đã diễn ra lễ ký kết hợp tác giữa Công ty cổ phần nhựa Hưng Yên và công ty Nichietsu của Nhật Bản.
Quang cảnh Hội thảo giao thương, hợp tác kinh tế, thương mại Việt Nam – Nhật Bản. |
Trả lời phỏng vấn của phóng viên TTXVN ông Nguyễn Mạnh Tùng, Giám đốc điều hành, Công ty cổ phần nhựa Hưng Yên cho biết thông qua hội thảo này công ty muốn tìm kiếm các đối tượng khách hàng để phát triển mở rộng kinh doanh.
Chia sẻ về thành công tại thị trường Nhật Bản, ông Nguyễn Mạnh Tùng cho rằng để thâm nhập vào thị trường Nhật Bản các doanh nghiệp phải đặt chất lượng sản phẩm lên hàng đầu, tiếp theo là tiến độ giao hàng phải đúng thời hạn, giá thành phải hợp lý, phải giữ uy tín và cuối cùng là phải làm việc bằng cả tấm lòng.
Trong lĩnh vực thương mại, bên cạnh những thuận lợi giữa Việt Nam và Nhật Bản, vẫn còn những khó khăn để hàng hóa hai bên thâm nhập thị trường của nhau.
Lễ ký kết hợp tác giữa Công ty cổ phần nhựa Hưng Yên và công ty Nichietsu của Nhật Bản. |
Chia sẻ vấn đề này với phóng viên TTXVN, ông Takeuchi Saburou, Giám đốc, Chủ tịch Hội đồng quản trị tập đoàn Kakumaru Kinzoku, hoạt động trong lĩnh vực cơ khí cho biết thương mại giữa Việt Nam và Nhật Bản sẽ ngày một tăng; tuy nhiên vẫn còn những rào cản như các quy định về xuất, nhập khẩu, hàng được phép nhập khẩu và hàng cấm nhập khẩu; bên cạnh đó thị hiếu người tiêu dùng khác nhau cũng là trở ngại.
Ví dụ hoa quả của Việt Nam có thể rất ngon, song khi nhập khẩu vào thị trường Nhật Bản lại không phù hợp với khẩu vị của người Nhật.Hội thảo giao thương, hợp tác kinh tế, thương mại Việt Nam – Nhật Bản đã tạo cơ hội để các doanh nghiệp Nhật Bản và Việt Nam tiếp cận, trao đổi trực tiếp với nhau.
Đây là một trong những hoạt động xúc tiến thương mại thiết thực và có ý nghĩa, góp phần tăng cường quan hệ kinh tế giữa Việt Nam và Nhật Bản.