Thông tin điện tử Trung Quốc đối mặt nhiều thách thức

Theo mạng Tân Hoa xã, Trung Quốc đã trở thành công xưởng chế tạo sản phẩm thông tin điện tử lớn nhất thế giới, nhưng năng lực kỹ thuật và sáng tạo của nước này vẫn có khoảng cách rõ rệt so với trình độ phát triển của thế giới.

 

 

 

Các chuyên gia cho rằng ngành thông tin điện tử của Trung Quốc cần phải nắm lấy trọng tâm mới về mạch tổ hợp và thiết bị đầu cuối thông minh để thúc đẩy ngành này phát triển.


Số liệu thống kê cho thấy thu nhập của ngành thông tin điện tử Trung Quốc không ngừng tăng, từ 10 tỷ nhân dân tệ (NDT) năm 1980, vượt 1.000 tỷ NDT năm 2000, phá mốc 10.000 tỷ NDT năm 2012 và đến năm 2013 là 12.400 tỷ NDT, giúp nước này trở thành cơ sở chế tạo sản phẩm thông tin điện tử lớn nhất toàn cầu.


Tuy vậy, đằng sau những con số trên, các chuyên gia vẫn phải thừa nhận một thực tế là ngành thông tin điện tử của Trung Quốc lớn nhưng không mạnh. Thứ trưởng Bộ Công nghiệp và Tin học hóa Trung Quốc Dương Học Sơn cho rằng, rất nhiều kỹ thuật then chốt trong ngành thông tin điện tử của Trung Quốc vẫn hạn chế so với các nước khác.


Người phụ trách Ban dịch vụ kỹ thuật chính phủ và công chúng của tập đoàn công nghệ Huawei, Khổng Du, cho rằng khoảng cách của ngành thông tin điện tử Trung Quốc với các quốc gia khác rất rõ rệt. Huawei và Samsung là ví dụ cụ thể với doanh thu một năm của Samsung đạt gần 270 tỷ USD, trong khi con số tương ứng của Huawei là 39,2 tỷ USD, chỉ tương đương hơn 1/8 của Samsung.


Trung Quốc hiện đã có bốn doanh nghiệp thông tin điện tử có doanh thu hàng trăm tỷ NDT nhưng khoảng cách so với các doanh nghiệp nổi tiếng của thế giới như Samsung, Apple, Google, Intel... vẫn tương đối lớn. Trong rất nhiều lĩnh vực, Trung Quốc chưa có tài năng cấp quốc tế. Nhìn chung, ngành thông tin điện tử của Trung Quốc vẫn ở vị trí thấp trong chuỗi giá trị, thương mại gia công chiếm tỷ lệ cao.


Ngoài ra, do tình hình kinh tế thế giới trầm lắng, tính không xác định trên thị trường quốc tế gia tăng, sự biến động cơ cấu cạnh tranh ngành nghề cũng tạo ra những thách thức lớn đối với sự phát triển của ngành thông tin điện tử Trung Quốc. Từ đầu năm đến nay, xu thế tăng trưởng chậm lại của ngành chế tạo thông tin điện tử Trung Quốc rất rõ rệt, nhất là tốc độ tăng trưởng xuất khẩu đã giảm gần 40 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm ngoái.


Tình trạng bảo hộ thương mại trên thị trường thông tin điện tử toàn cầu ngày càng tăng. Theo số liệu thống kê, năm 2013 có tổng cộng 21 quốc gia và khu vực tiến hành điều tra tổng cộng 106 vụ đối với việc Trung Quốc thực hiện chính sách trợ cấp mậu dịch. Trung Quốc trong 19 năm liên tục trở thành nước có hoạt động thương mại lớn nhất trên thế giới.


Tuy nhiên, các đại biểu tham dự tọa đàm cũng cho rằng ngành thông tin điện tử Trung Quốc đang có cơ hội phát triển hiếm có. Năm 2013, doanh thu của ngành chế tạo sản phẩm thông tin của Trung Quốc đạt 1.200 tỷ NDT, tăng hơn 35% so với cùng kỳ năm trước, thiết bị đầu cuối thông minh trở thành điểm nóng trong tiêu thụ sản phẩm thông tin; doanh thu của ngành dịch vụ thông tin vượt 1.000 tỷ NDT, tăng hơn 20%. Năm 2015, dự kiến doanh thu của ngành chế tạo sản phẩm và dịch vụ thông tin sẽ vượt 3.200 tỷ NDT.


Theo chuyên gia Khổng Du, hiện nay thị trường máy thu hình màu, máy vi tính ngày một bão hòa nhưng thị trường thiết bị đầu cuối thông minh như điện thoại thông minh, máy tính bảng đang tăng trưởng bùng phát. Ngoài ra, kỹ thuật thông tin cũng đang đẩy nhanh việc vươn ra không gian rộng lớn hơn như đồ dùng gia đình thông minh, giao thông thông minh, thành phố thông minh, đây đều là những lĩnh vực mà các doanh nghiệp Trung Quốc có thể tìm kiếm sự phát triển.


Hải Yến (P/v TTXVN tại Trung Quốc)

Bê bối an toàn thực phẩm Trung Quốc - Kỳ 1: Từ dầu bẩn tới sữa độc
Bê bối an toàn thực phẩm Trung Quốc - Kỳ 1: Từ dầu bẩn tới sữa độc

Trong những năm gần đây, số vụ bê bối liên quan đến an toàn thực phẩm gia tăng chóng mặt ở Trung Quốc. Dường như ngày nào cũng có thể tìm thấy các vụ bê bối thực phẩm trên báo chí, không lớn thì nhỏ.

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN