Thời tiết thất thường, trẻ ồ ạt đổ bệnh

Sau Tết, thời tiết diễn biến phức tạp, thuận lợi cho vi rút gây bệnh phát triển nên số trẻ mắc các bệnh hô hấp, tiêu hóa, thủy đậu… đều có xu hướng gia tăng ở cả hai miền Nam, Bắc.

Gia tăng bệnh hô hấp, truyền nhiễm

Theo ghi nhận của phóng viên báo Tin Tức tại khu vực phòng dịch vụ Bệnh viện Nhi đồng 2, TP Hồ Chí Minh, số bệnh nhân nhập viện do mắc các bệnh hô hấp và tiêu hóa đã tăng hơn so với dịp trước Tết. Bệnh nhi đông nên nhiều cháu phải nằm ghép 2 bệnh nhi/giường. Chị Thanh Thủy, quận Thủ Đức,  có con đang nằm điều trị tại đây, cho biết: “Bé nhà tôi bị tiêu chảy, nhập viện điều trị được 2 ngày. Do thời tiết nóng bức, lại phải nằm chung giường bệnh vì đông bệnh nhi, nên cháu bé quấy khóc và mệt hơn”.

Theo các bác sĩ Bệnh viện Nhi đồng 1, số bệnh nhi nhập viện do mắc bệnh thủy đậu những ngày gần đây cũng có xu hướng tăng, trung bình mỗi ngày bệnh viện điều trị cho 5 - 6 bệnh nhi. BS Trương Hữu Khanh, Trưởng khoa Nhiễm - Thần kinh, chia sẻ: “Bệnh thủy đậu thường xuất hiện vào tháng 3 nhưng năm nay, bệnh này đã bắt đầu tăng cao từ trước Tết. Đa số các bệnh nhi nhập viện do bị nhiễm trùng da và nhiễm trùng máu”.

Thời tiết chuyển mùa khiến nhiều trẻ bị mắc bệnh về đường hô hấp. Ảnh: Đan Phương.


Tại Bệnh viện Nhi đồng 2, tình hình cũng tương tự. Anh Nguyễn Văn Minh (Bình Dương), bố của bé Trúc Linh (6 tuổi ) chia sẻ: “Cuối tuần, cháu Linh bị sốt, sau đó nổi mụn nhọt trên mặt và người, khi đưa đến phòng khám gần nhà thì bác sĩ cho biết bé bị thủy đậu. Mặc dù, đã bôi thuốc nhưng gia đình vẫn muốn đưa bé tới bệnh viện chuyên khoa nhi khám cho yên tâm”.

Sau Tết, khoa Dịch vụ 1, Bệnh viện Nhi đồng 2 tiếp nhận nhiều trẻ mắc các bệnh lý về hô hấp và tiêu chảy. Thời gian tới, thời tiết nắng nóng, dự kiến các bệnh lý này sẽ xuất hiện nhiều hơn. Bên cạnh đó, tháng 3 - 4 là cao điểm của dịch bệnh thủy đậu, ngoài biện pháp giữ gìn vệ sinh và tăng cường sức đề kháng thì các bậc cha mẹ cũng cần phải đưa trẻ đi chích ngừa các loại vắcxin ngừa bệnh. 

Từ đầu năm đến nay, cả nước ghi nhận 5.263 trường hợp mắc sốt xuất huyết tại 38 tỉnh, thành phố, trong đó có 3 ca tử vong tại tỉnh Đồng Tháp, Đồng Nai, Long An. So với cùng kỳ năm 2014, số mắc tăng 27,1%, tử vong tăng 2 trường hợp. Trong tháng 2, cả nước cũng ghi nhận 3.782 trường hợp mắc bệnh tay chân miệng, 1 trường hợp tử vong tại tỉnh Hậu Giang. Tích lũy từ đầu năm 2015, đã ghi nhận 5.333 trường hợp mắc tay chân miệng, 2 trường hợp tử vong. So với cùng kỳ năm ngoái, số mắc giảm 11%, tử vong tăng 1 trường hợp.

Tại Hà Nội, số ca mắc các bệnh về hô hấp, tiêu hóa cũng có xu hướng gia tăng. BS Nguyễn Thành Nam, Phó Trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai, nói: “Thời điểm này, trẻ nhập viện chủ yếu do các bệnh như sốt virút, sốt phát ban, viêm đường hô hấp; rải rác vẫn có các ca tay chân miệng, viêm não, thủy đậu. Bệnh nhi tập trung nhiều ở trẻ dưới 2 tuổi. Có ngày khoa tiếp nhận đến 250 trẻ đến khám; số trẻ điều trị nội trú thường ở mức   80 - 100 cháu, trong khi khoa chỉ có 60 giường bệnh nên nhiều bệnh nhi phải nằm ghép”.

Thạc sỹ Chu Anh Văn, Điều dưỡng trưởng khoa Hô hấp, Bệnh viện Nhi Trung ương, cũng cho biết, số ca mắc các bệnh về hô hấp như viêm phổi, viêm phế quản… tăng rõ rệt. 88 giường bệnh của khoa Hô hấp luôn kín bệnh nhi, thậm chí nhiều lúc khoa còn phải gửi bệnh nhi sang khoa khác để tránh tình trạng nằm ghép.

Chủ động tiêm phòng vắcxin

Theo PGS.TS Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng, Bộ Y tế, thời tiết thất thường như hiện nay dễ khiến cơ thể con người phải tiêu tốn nhiều năng lượng, sức đề kháng giảm, những người sức khỏe yếu, trẻ em và người già là những đối tượng không thích nghi kịp rất dễ bị nhiễm bệnh, ốm. Mặt khác, điều kiện môi trường trong khoảng thời gian này cũng rất thuận lợi cho các mầm bệnh (vi khuẩn, virút) phát triển và lây lan, càng làm tăng nguy cơ mắc bệnh của con người, nhất là với các bệnh như cúm, bệnh đường hô hấp (viêm phế quản, viêm phổi), sởi, rubella, tiêu chảy…

Với những người mắc các bệnh mãn tính thì đây cũng là thời gian để bệnh dễ tiến triển thành các đợt cấp, nặng hơn nhất là với người già và trẻ em. Từ đầu năm 2015, cả nước đã ghi nhận một số trường mắc bệnh sởi rải rác tại một số tỉnh, thành phố, nhưng không thành ổ dịch tập trung. Tại khu công nghiệp Mỹ Phước, tỉnh Bình Dương, cũng ghi nhận ổ dịch bệnh rubella. Tại Hà Nội, cũng xuất hiện số trẻ mắc thủy đậu nhưng theo thống kê vẫn thấp hơn so với cùng kỳ năm 2014. Phần lớn các trường hợp này đều chưa được tiêm hoặc tiêm chưa đầy đủ vắcxin phòng bệnh.

Thời gian tới, để chủ động phòng chống dịch bệnh, nhất là cho trẻ nhỏ, Bộ Y tế khuyến cáo người dân cần chú trọng tiêm vắcxin phòng bệnh đầy đủ và đúng lịch (đối với các bệnh có vắcxin phòng bệnh như: Sởi, rubella, ho gà…). Giữ ấm cơ thể khi thời tiết chuyển lạnh. Tránh tiếp xúc với những người đang có dấu hiệu bị các bệnh truyền nhiễm như cúm, bệnh đường hô hấp, tiêu chảy, sởi, rubella, thủy đậu… Hạn chế đến những chỗ đông người. Ăn uống đủ chất, đảm bảo dinh dưỡng. Đảm bảo vệ sinh môi trường và cá nhân, thường xuyên rửa tay với xà phòng, vệ sinh mũi, họng hàng ngày. Khi có các dấu hiệu nghi mắc bệnh truyền nhiễm cần tới ngay cơ sở y tế để được hướng dẫn, khám và xử trí kịp thời.


Đan Phương - Hà Phương



Chung tay bảo vệ, chăm sóc phụ nữ, trẻ em gái
Chung tay bảo vệ, chăm sóc phụ nữ, trẻ em gái

Nhận thức của hội viên phụ nữ, gia đình và cộng đồng về bình đẳng giới, quyền của phụ nữ, trẻ em, các vấn đề xã hội đối với phụ nữ và trẻ em gái đã có sự chuyển biến tích cực...

Chia sẻ:

doanh nghiệp - Sản phẩm - Dịch vụ Thông cáo báo chí Rao vặt

Các đơn vị thông tin của TTXVN