Cụ Mã Thị Nìn, 84 tuổi, cho biết: Nghề làm giấy bản của đồng bào Nùng ở xóm Lũng Quang, thị trấn Thông Nông, huyện Thông Nông, tỉnh Cao Bằng đã có từ rất lâu, đến cả trăm năm nay, được truyền từ thế hệ này sang thế hệ khác.
Giấy bản của Lũng Quang vừa có mùi thơm đặc trưng của núi rừng, lại rất dai, mỏng, phục vụ nhu cầu sinh hoạt tâm linh của đồng bào dân tộc trong vùng.
Công đoạn tạo khuôn giấy từ bể múc lên. |
Nguyên liệu chính để làm giấy bản là vỏ cây dưỡng (tiếng Nùng gọi là cây mạy sla), thân thẳng, nhiều cành, mọc tự nhiên trên các núi đá, trong các cánh rừng già, nhưng nay người dân đã đem giống cây về trồng ở ven rẫy, trong vườn nhà.
Chị Lương Thị Ngần, một người làm giấy bản cho biết, số lượng vỏ cây để làm một mẻ giấy khoảng 30 - 40 kg vỏ cây, làm ra được 800 tờ giấy bản, xếp thành từng tệp, mỗi tệp khoảng 10 tờ. Mỗi mẻ này bán ra thị trường thu về 1 triệu đồng.
Theo người dân Lũng Quang, giấy bản được làm quanh năm, nhiều nhất là vào các tháng 2, 3, 6, 7, vì đây là khoảng thời gian để thu hoạch nguyên liệu làm giấy. Giấy làm ra được lái buôn đến tận nhà thu mua hoặc đem ra chợ phiên bán.
Việc làm giấy bản không gây ô nhiễm môi trường, vì cây nguyên liệu có thể tận thu cả thân làm củi đun, lá cây có thể làm thức ăn chăn nuôi gia súc. Mỗi nhà chỉ cần đầu tư xây một lò sấy, một bể nước nhỏ là có thể làm giấy.
Giấy bản ở Lũng Quang được người dùng ưa chuộng, bán rất chạy. Có lẽ đây chính là một trong những điều làm nên sức sống của nghề làm giấy bản ở vùng cao này. |
Hiện nay, ở Lũng Quang nhà nào cũng có bể cùng lò sấy để làm giấy. Năm 2013, từ dự án giảm nghèo của tỉnh, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tỉnh đã đầu tư hỗ trợ xóm bảo tồn và phát triển nghề truyền thống với số tiền 70 triệu đồng cho các hộ nghèo tại xóm; trong đó, mỗi hộ được 10 triệu đồng để xây lò dán khô, bể múc làm giấy.
Theo ông Trương Văn An, Trưởng xóm Lũng Quang, nghề làm giấy bản đã giúp nhân dân xóm Lũng Quang có việc làm và thu nhập ổn định, góp phần vào việc thúc đẩy phát triển kinh tế của xóm, nâng cao đời sống cho bà con. Từ thu nhập của nghề làm giấy và được sự quan tâm, đầu tư của Nhà nước, bà con trong xóm đã cùng nhau góp sức làm đường bê tông quanh xóm; 100% hộ dân được sử dụng nước sạch; con em đều đến trường đầy đủ, nhà nào cũng mua sắm xe máy, ti vi. Hiện cả xóm chỉ còn 2 hộ nghèo.
Thoát nghèo từ nghề truyền thống lâu năm, người dân ở Lũng Quang ngày càng chú trọng vào việc phát triển nghề truyền thống của mình bằng cách truyền dạy cho con cháu. Nhiều hộ đã mạnh dạn đầu tư 2 - 3 lò sấy, trồng khoảng 0,5 ha cây nguyên liệu để đẩy mạnh nghề làm giấy.
Bài và ảnh: Quân Trang