Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu Trịnh Thị Thu Hiền (áo trắng) cùng đoàn Việt Nam tại phiên họp.
Tại phiên họp này, Trưởng đoàn Việt Nam - bà Trịnh Thị Thu Hiền, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) - đã có bài phát biểu cập nhật thông tin về việc áp dụng quy tắc xuất xứ đối với hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam sang các nước thành viên WTO.
Nhân dịp này, phóng viên TTXVN tại Geneva đã có cuộc trao đổi với bà Trịnh Thị Thu Hiền để làm rõ hơn về vấn đề xuất xứ hàng hóa và thực tiễn triển khai tại Việt Nam.
Bà Trịnh Thị Thu Hiền cho biết theo Điều 3(b) Hiệp định về quy tắc xuất xứ của WTO, “một nước được xác định là nước xuất xứ của hàng hóa nếu hàng hóa hoàn toàn sản xuất ra ở nước đó hoặc khi nhiều nước cùng tham gia quá trình sản xuất, nước xuất xứ là nước thực hiện công đoạn chế biến cơ bản cuối cùng”. Ở Việt Nam, nội dung tương tự được quy định tại khoản 1 Điều 3 Nghị định 31/2018/NĐ-CP ngày 08/3/2018 như sau: “Xuất xứ hàng hóa là nước, nhóm nước, hoặc vùng lãnh thổ nơi sản xuất ra toàn bộ hàng hóa hoặc nơi thực hiện công đoạn chế biến cơ bản cuối cùng”.
Thuật ngữ quy tắc xuất xứ hàng hóa dùng để chỉ tập hợp các quy định nhằm xác định quốc gia nơi sản xuất ra hàng hóa (nước xuất xứ của hàng hóa). Việc xác định xuất xứ hàng hóa, nhất là khi hàng hóa được sản xuất bởi nhiều quốc gia khác nhau, cần phải dựa trên các điều kiện, tiêu chí và cách xác định xuất xứ cụ thể.
Xét theo quy trình sản xuất và thành phần nguyên liệu, WTO và các Hiệp định thương mại tự do (FTA) quy định hàng hóa có xuất xứ theo các cấp độ sau: Một là, hàng hóa có xuất xứ thuần túy, chủ yếu áp dụng với hàng nông sản cơ bản (nông sản tươi sống) được trồng, thu hoạch, chăn nuôi, sản xuất hoàn toàn tại lãnh thổ một bên tham gia Hiệp định. Ví dụ: cây cà phê được trồng và thu hoạch tại Việt Nam thì hạt cà phê có xuất xứ thuần túy Việt Nam. Hai là, hàng hóa có xuất xứ nhưng không thuần túy. Cấp độ này áp dụng với hàng nông sản chế biến và hàng công nghiệp gia công từ nhiều nguồn nguyên liệu. Ví dụ: nước ép chanh dây được làm từ quả chanh dây và đường kính có xuất xứ Việt Nam; còn chất bảo quản, các thành phần khác nhập khẩu từ Thái Lan. Vậy, nước ép chanh dây được coi là có xuất xứ Việt Nam nhưng không thuần túy.
Bà Trịnh Thị Thu Hiền nhấn mạnh việc xác định xuất xứ hàng hóa đóng vai trò then chốt trong chính sách thương mại của các quốc gia, vì đây là cơ sở để các nước áp dụng chính sách thương mại đối với hàng hóa xuất, nhập khẩu. Quy tắc xuất xứ được xây dựng để đảm bảo đúng hàng hóa có xuất xứ mới được hưởng thuế quan theo từng khuôn khổ cam kết mà các nước dành cho nhau. Trên cơ sở chứng từ chứng nhận xuất xứ, cơ quan có thẩm quyền nước nhập khẩu áp dụng cho hàng nhập khẩu hưởng các chế độ khác nhau như thuế quan theo WTO, thuế quan ưu đãi phổ cập (GSP), thuế quan ưu đãi trong các FTA,… Ở chiều ngược lại, quy tắc xuất xứ là công cụ vô hiệu hóa cam kết các nước dành cho nhau nếu hàng hóa không đáp ứng xuất xứ.
Bà Trịnh Thị Thu Hiền lưu ý khái niệm xuất xứ hàng hóa không trùng với khái niệm “Made in Viet Nam”. Giấy chứng nhận xuất xứ (hay còn gọi là C/O) là chứng từ thương mại dùng cho lô hàng xuất khẩu nên một lô hàng quần áo (lưu thông trong nước) gắn nhãn “Made in Viet Nam” chưa chắc đã có C/O và ngược lại, một lô hàng quần áo xuất khẩu có C/O của Việt Nam nhưng có thể lại ko hề gắn mác “Made in Viet Nam”.
Đề cập tới giải pháp quản lý xuất xứ hàng hóa trong bối cảnh hội nhập quốc tế, bà Trịnh Thị Thu Hiền cho biết Cục Xuất nhập khẩu - Bộ Công Thương đã triển khai nhiều biện pháp đồng bộ. Thứ nhất, Cục Xuất nhập khẩu tham mưu, xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, tạo môi trường để các tổ chức cấp C/O, cũng như doanh nghiệp có quy định cụ thể và minh bạch trong lĩnh vực xuất xứ. Trong đó, chế tài xử phạt hành vi gian lận xuất xứ rất được chú trọng.
Thứ hai, Cục Xuất nhập khẩu thường xuyên phối hợp với các tổ chức được Bộ Công Thương ủy quyền cấp C/O tập huấn, nâng cao năng lực nghiệp vụ, đồng thời kiểm tra, hướng dẫn kịp thời về xuất xứ hàng hóa cho doanh nghiệp.
Thứ ba, Bộ Công Thương chủ động phối hợp với cơ quan có thẩm quyền của nước nhập khẩu khi có đề nghị xác minh xuất xứ. Việc này nhằm phát hiện trường hợp hàng hóa gia công đơn giản tại Việt Nam, mượn xuất xứ để hưởng ưu đãi. Ngược lại, trong trường hợp hàng hóa đáp ứng xuất xứ, Cục Xuất nhập khẩu hỗ trợ xác minh xuất xứ để C/O được chấp nhận, hàng xuất khẩu của Việt Nam được hưởng ưu đãi thuế quan.
Ngoài các giải pháp này, Bộ Công Thương chú trọng việc tham vấn, đàm phán quy tắc xuất xứ phù hợp với quy trình sản xuất, thực tế doanh nghiệp Việt Nam, cải cách thủ tục hành chính, xử lý hồ sơ đề nghị cấp C/O trên môi trường trực tuyến, nâng cao hiệu quả công tác tiếp nhận, xử lý, trả lời vướng mắc của doanh nghiệp trong lĩnh vực xuất xứ.