Ông Từ Công Dư, dân tộc Chăm, Phó Hội đồng Sư cả Hồi giáo Bà ni tỉnh Ninh Thuận, luôn được đồng bào Chăm từ già đến trẻ trong tỉnh kính trọng, và gọi ông với tên thân mật, trìu mến “Thầy Mươm Dư”.Ông Từ Công Dư (thứ tư từ phải sang). |
Ở cương vị của mình, “Thầy Mươm Dư” luôn mạnh dạn đề xuất với Hội đồng Sư cả tại 7 thánh đường cùng thống nhất đề ra quy ước, hương ước chung để các tín đồ thực hiện. Nhờ đó, chỉ trong thời gian ngắn, các hủ tục lạc hậu, gây tốn kém trước đây của đồng bào dần được xóa bỏ, các phong tục truyền thống tốt đẹp được gìn giữ, phát huy.
Hết lo chuyện đạo, thầy lại quay sang làm chuyện đời. Nói đi đôi với làm, Thầy Mươm Dư cùng chính quyền, mặt trận, đoàn thể và các cụ có uy tín trong đồng bào, đi tuyên truyền các chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, nhờ đó địa phương không còn tình trạng mất đoàn kết, khiếu kiện, khiếu nại kéo dài, vượt cấp.
Bên cạnh đó, tăng cường vận động đồng bào cùng tham gia chung tay xây dựng nông thôn mới. Sau thời gian ngắn phát động, đường làng ngõ xóm ở xã Phước Nam (huyện Thuận Nam), nơi “Thầy Mươm Dư” sinh sống và hoạt động tôn giáo, đã được bê tông hóa hơn 80%.
Đến ngày hội tòng quân, thầy Mươm Dư lại đến từng nhà vận động con, cháu đúng độ tuổi ở địa phương hăng hái lên đường làm nghĩa vụ quân sự, bảo vệ Tổ quốc.
Thầy Mươm Dư còn tìm tòi, nghiên cứu các loại thuốc nam gia truyền để chữa một số bệnh thông thường cho đồng bào.
Với gia đình, Thầy là người chồng, người cha mẫu mực. Năm nào, vụ nào cũng thế, gần 4 ha diện tích trồng lúa và hoa màu của gia đình luôn được thầy chăm sóc; đàn bò, dê, cừu của gia đình cũng ngày một phát triển. Nhờ cần cù, siêng năng, mỗi năm gia đình thầy có nguồn thu nhập ổn định khoảng 100 triệu đồng.
Với công lao đóng góp ấy, thầy Mươm Dư vinh dự được ra Hà Nội dự Đại hội Mặt trận Tổ quốc Việt Nam lần thứ VIII, nhiệm kỳ 2014 - 2019.
Bài và ảnh: Công Thử